Ngân hàng HSBC vừa đưa ra kết quả khảo sát tìm hiểu mức độ an toàn tài chính tại 13 quốc gia cũng như tầm quan trọng của việc lập kế hoạch, chuẩn bị để đảm bảo một tương lai tốt đẹp.
Ông Bryce Johns, giám đốc Bộ phận bảo hiểm tập đoàn HSBC nhấn mạnh mỗi người nên có một kế hoạch tài chính để có được sự cân bằng các ưu tiên và đạt được những kỳ vọng trong cuộc sống. Ông Bryce cũng lưu ý việc cần có một tư vấn chuyên nghiệp.
Đối với bối cảnh của Việt Nam, đại diện HSBC tại đây, ông Sabbir Ahmed, giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản cho biết người Việt đang sống trong một giai đoạn phát triển sôi động.
Theo đó, thu nhập các hộ gia đình ngày càng tăng và tâm lý người tiêu dùng trở nên lạc quan hơn.
“Có đến 82% những người Việt trong một cuộc khảo sát người tiêu dùng của Nielsen cho rằng tình trạng tài chính của họ khả quan hơn. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất tại Đông Nam Á”, ông Sabbir nói.
Dù vậy, đại diện HSBC cũng lưu ý người Việt không nên xem nhẹ tầm quan trọng của kiến thức về tài chính. Ông nhấn mạnh: “Một cá nhân cần phải hiểu rõ tình hình tài chính của mình và quản lý đồng tiền một cách thông minh nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho chính bản thân và gia đình của họ. Thu nhập càng tăng, bạn càng cần phải hiểu biết thấu đáo về quản lý tài chính.”
Theo HSBC, có 4 bước để chuẩn bị tốt tài chính cho các gia đình gồm: xác định thứ tự ưu tiên; đánh giá tình hình tài chính bản thân; lập kế hoạch cho cả gia đình; thảo luận về tương lai. “Nếu bạn cần sự giúp đỡ, hãy tìm sự tư vấn chuyên nghiệp”, ngân hàng này nhấn mạnh.
“Chịu áp lực về tài chính”, là khái niệm chỉ tình trạng của một cá nhân chỉ có khả năng trang trải cho những chi tiêu hằng ngày và không thể thực hiện được tất cả những gì họ mong muốn. Cứ 4 người trên thế giới thì có 1 người chịu áp lực này, theo HSBC. Thất nghiệp hoặc chi phí gia tăng là những mối đe doạ lớn nhất đối với an toàn tài chính.
Khảo sát của HSBC cho biết, cứ 10 người thì có 3 người (31%) “chịu áp lực về tài chính” nói rằng nếu họ mắc phải bệnh kéo dài hoặc bị thương tật, gia đình họ sẽ không thể đảm đương được vấn đề tài chính – so với chỉ 15% trong số những người “chủ động về tài chính” lo ngại điều này.
Dù vậy, chưa đầy 1/4 (22%) số người “chịu áp lực về tài chính” có bảo hiểm để chi trả một số tiền lớn nếu họ mắc phải bệnh hiểm nghèo như ung thư, so với 39% số người “chủ động về tài chính”. Và chỉ gần 1/3 (31%) những người “chịu áp lực về tài chính” có bảo hiểm y tế tư nhân; chỉ hơn 1/4 ( tương đương 27%) có bảo hiểm nhân thọ (so với những người “chủ động về tài chính” với các tỷ lệ lần lượt là 50% và 45%.)
Khảo sát cũng nói rằng hơn 1/3 người “chịu áp lực về tài chính” chưa bao giờ thảo luận với bất cứ ai về kế hoạch đảm bảo an toàn tài chính bền vững nếu có bất trắc xảy ra với họ.