Người trẻ có nên chạy Uber, Grab?

Tháng 8/2017, nhà báo Long Nguyễn, báo Lao Động đưa lên facebook cá nhân dòng trạng thái: “Tương lai đất nước sẽ đi về đâu? Ủng hộ Grab nghĩa là ủng hộ sự lười biếng và trì trệ của giới trẻ. Thay vì động não để khởi nghiệp, để cạnh tranh, để vươn lên, quá đông bạn trẻ giờ đã chọn phương án chạy Grab, coi như một giải pháp an toàn cho hành trình vào đời. Bây giờ thì chưa. Nhưng 10, 20 năm, thậm chí nhiều năm hơn nữa, đất nước này sẽ ngấm…”. Lập tức, quan điểm này nhận được rất nhiều ý kiến bàn luận, trong đó chủ yếu là “gạch, đá”, bởi cho rằng đó là cách nhìn phiến diện, chủ quan, một chiều. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những người ủng hộ lại thấy đó là một sự khắt khe nhưng sâu rộng cần thiết cho tương lai giới trẻ.

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, anh Long nói rằng, nếu ai từng đi nước ngoài sẽ thấy chủ yếu lái xe taxi, phục vụ bàn, lau sàn… đều khá lớn tuổi. Điều này được giải thích do nhà nước ưu tiên người già làm những công việc chân tay nhẹ nhàng. Còn tầng lớp lao động trẻ, họ phải buộc thử mình bởi những công việc đòi hỏi hàm lượng chất xám cao hơn.

“Việc trẻ hóa đội ngũ xe ôm tại nước ta hiện nay, mà trong đó không ít là trí thức, đồng nghĩa với việc những người trung niên, cao tuổi sẽ vất vả hơn trong mưu sinh, nếu trước đó họ cũng làm xe ôm. Chưa kể những hệ lụy lâu dài về tương lai, khi người trẻ chỉ muốn chọn “vùng an toàn” để lo cơm áo gạo tiền cho bản thân mình…, đất nước trông cậy vào ai”, anh Long nói.

Anh Long rất ủng hộ sinh viên đi làm thêm. “Tôi cũng từng là sinh viên, cũng đã từng làm thêm. Tôi rất ủng hộ bộ phận này bươn trải ngoài đời, nhất là con nhà giàu. Tôi cũng không miệt thị hay bài xích người chạy Grab. Tôi chỉ đơn giản biểu cảm sự lo lắng khi các bạn trẻ đang tham gia ngày một nhiều vào đội quân áo xanh Grab,” anh Long nói. Cũng theo anh Long, việc lập nghiệp không nên đao to búa lớn là cứ phải mở công ty, hay vào làm ở những tập đoàn lớn. Lập nghiệp có thể được hiểu đơn giản như lập thân, tìm kiếm một công việc phù hợp và luôn có ý thức trau dồi kỹ năng, kiến thức…

“Công việc nào cũng là công việc. Lương thiện kiếm ra tiền là được. Kệ người ta, rồi thị trường sẽ điều chỉnh” – lập luận này thoạt nghe có lý nhưng nếu cái gì cũng thả nổi cho thị trường quyết định, hãy nhìn thẳng những vụ giải cứu nông sản liên tục mấy năm gần đây là rõ nhất. Tư duy quyết định hành động. Tại sao công ty (nghĩa hẹp) và đất nước (nghĩa rộng) luôn cần những lãnh đạo giỏi? Bởi đơn giản họ có thể nhìn thấy những thứ người khác không thấy được. Không phải cho hôm nay, mà có thể cho hàng trăm năm sau. Đừng để đến một ngày, báo chí lại phải phát đi thông điệp: Giải cứu xe ôm. Đi xe ôm là yêu nước, anh Long nói.

Cuộc chiến taxi: Định danh rõ ràng Uber, Grab và “quản” như taxi

Bài viết mới