Từ Mỹ, Michael- Michael Louis Rosen, đến Việt Nam. Ông được nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán biết đến nhiều hơn kể từ khi ông làm việc tại GTNfoods.
Michael bất ngờ đến với GTNfoods (mã chứng khoán GTN) khi GTNfoods vẫn còn mang tên Thống Nhất và bắt đầu có những bước đi đầu tiên vào ngành nông nghiệp. Nếu nói về kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vào GTNfoods thời điểm Michael đến thì có lẽ là con số 0 tròn trĩnh. GTNfoods lúc đó không có gì nổi trội. Bây giờ, GTNfoods đã là doanh nghiệp lớn ngành nông nghiệp với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.
Thưa ông, vì sao ông lại quyết định đến với GTNfoods?
GTNfoods đưa đến cho tôi một cơ hội thú vị là xây dựng lại các doanh nghiệp nhà nước, một công việc mà tôi đã từng thực hiện như với nhiều doanh nghiệp trước đó tôi đã làm. Tôi đã từng đề ra chiến lược để xây dựng một doanh nghiệp về nông nghiệp thực phẩm mang tầm khu vực và huy động vốn từ các nhà đầu tư quốc tế như GIC và IFC trước khi điều này trở nên phổ biến tại Việt Nam.
Cơ hội tại GTNfoods, huy động vốn để mua Vinatea và Vilico, cũng như sở hữu Sữa Mộc Châu (Mộc Châu milk) thật sự là trải nghiệm khác biệt của tôi.
Mộc Châu milk là một trong những công ty khá thú vị tại Việt Nam, không phải là lớn nhất trong ngành nhưng thật sự là một doanh nghiệp phát triển đàn bò bền vững. Công ty này sản xuất ra sữa tự nhiên, ngon và chất lượng bậc nhất, hàm lượng dinh dưỡng cao tại Việt Nam.
Cơ hội để làm việc với Mộc Châu milk thực sự là một trong những lí do tôi tham dự vào GTNfoods.
Ông có thể nói rõ sự đóng góp hiện tại của các tổng công ty tiền thân là của nhà nước Vinatea, Vilico, Sữa Mộc Châu vào kết quả kinh doanh hiện tại của GTNfoods?
Sau khi hợp nhất với GTNfoods thì bản thân những doanh nghiệp nhà nước cũng đạt được hiệu quả tốt hơn. Ví dụ điển hình là doanh số của Vinatea gần như tăng trưởng gấp đôi so với trước khi cổ phần hóa. Thương hiệu và nhận diện cũng được làm mới nhiều hơn. Vilico sau khi về với GTNfoods cũng giảm nhiều về chi phí quản lý, tinh gọn hơn.
Đối với công ty mẹ GTNfoods, mọi người có thể nhận ra sự thay đổi phản ánh qua con số của báo cáo tài chính bán niên 2017. Tiền mặt hợp nhất tăng lên gần 1.300 tỷ đồng, doanh thu đạt 2.000 tỷ trong 6 tháng, tăng 72%, tổng tài sản đạt 4.000 tỷ.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về Sữa Mộc Châu là đơn vị đóng góp đến hơn 60% doanh thu của GTNfoods trong 6 tháng vừa qua?
Một chuyên gia Châu Âu đã nói với tôi rằng: Sữa Mộc Châu là một trong những công ty sữa tốt nhất Việt Nam. Anh ấy giải thích rằng Thung lũng Mộc Châu là vị trí thuận lợi để cho Bò sữa được cung cấp đầy đủ thức ăn và có môi trường thoải mái. Thời tiết là hoàn hảo – Mộc Châu là vùng nhiệt đới một phần, không phải nhiệt đới toàn phần như những vùng khác Việt Nam. Bò Sữa không phải động vật nhiệt đới nên bò sẽ không thoải mái và không đạt năng suất tốt. Đó là lý do tại sao khi Cuba tài trợ cho Việt Nam, Mộc Châu được chọn với lí do là có điều kiện thuận lợi nhất.
Chúng tôi thật vui khi được hợp tác với Ông Trần Công Chiến Chủ tịch, Tổng Giám Đốc và là người định hướng của Sữa Mộc Châu cùng với đội ngũ công ty đã cùng phát triển doanh nghiệp trong những thập kỉ qua. Sữa tươi được làm ra từ bò sữa, tất cả bà mẹ và trẻ em đều biết điều đó. Với tôn chỉ đấy chúng tôi định hướng sản xuất sữa bò tươi nguyên chất, đấy cũng là nền tảng để chúng tôi có thể sản xuất phô mai và bơ.
Trà và thịt lợn cũng là một trong những mảng sản xuất của công ty. Mặc dù đây là những mảng đóng góp doanh thu không lớn nhưng đây cũng từng là doanh nghiệp nhà nước có thương hiệu. Các sản phẩm trà xanh, trà tuyết, trà đen của chúng tôi đều có chất lượng tốt đẳng cấp thế giới. Sản phẩm chúng tôi cũng bắt đầu đóng gói trong mẫu mã bao bì đẹp hơn.
Nói như vậy là GTNfoods bây giờ khác xa trước đây khi không có Vinatea, Vilico hay Sữa Mộc Châu?
Tôi đến với GTNfoods từ năm 2016 nên tôi không biết rõ trước đây công ty như thế nào. Tôi chỉ có thể nói rằng, điều chúng tôi đang tập trung làm hiện nay là chuyên nghiệp hóa tất cả mọi mặt từ Công ty mẹ đến công ty con.
Nghe thì có vẻ dễ nhưng công việc này không dễ chút nào. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi đã từng bước hiện thực hóa một số công việc và đã có kết quả rõ ràng.
Làm nông nghiệp vốn dĩ không thể nhanh và cũng phải mất đến 2 năm thì GTNfoods mới bắt đầu nhìn thấy từng chút thành quả, vì sao ông chọn phát triển công ty theo hướng này?
Cả thế giới đều cần thực phẩm. Một lần nữa, điều này nghe tưởng chừng đơn giản. Tuy nhiên, cả thế giới đều cần một lượng lớn lương thực được phát triển bền vững và an toàn.
Một trong những thế mạnh của Việt Nam là cơ sở sản xuất nông nghiệp. Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về lương thực như: gạo, cà phê, điều, tiêu, cá. Việt Nam cũng có khả năng rất lớn về sản xuất tôm, trái cây, trà và nhiều thứ khác. Tuy nhiên, trong tất cả những lĩnh vực trên, Việt Nam là nước thiên về số lượng và giá thấp. Đây là một thiệt thòi lớn cho những nhân tố tham gia vào ngành.
Để tăng thêm thu nhập cho nông dân, nhà chế biến, người kinh doanh và người dân nói chung, Việt Nam cần tập trung xây dựng giá trị vào thương hiệu cho sản phẩm.
GTNfoods đang làm và nỗ lực hết mình để thực hiện điều này. Với Sữa Mộc Châu, chúng tôi không chỉ làm ra những sản phẩm để xuất khẩu mà còn đáp ứng cho cả sự phát triển lâu dài của dân số với những sản phẩm ngon và dinh dưỡng, chất lượng sữa tốt cho sức khỏe của gia đình và cộng đồng, đến từ đàn bò của chúng tôi.
Thương hiệu là yếu tố cơ bản. Đưa ra sản phẩm chất lượng, đạt được hiệu quả cao về mặt sản xuất với kênh phân phối tốt là các yếu tố then chốt. Tất cả những yếu tố đó đều xoay quanh chiến lược thương hiệu.
Như tôi đã trả lời trước đó, chúng tôi đang thực hiện cả 2 mô hình: B2C và B2B và chiến lược thương hiệu của chúng tôi phục vụ cho cả 2 mô hình này. Mong muốn của chúng tôi là các bà mẹ dù ở Hà Nội hay Hải Phòng, khi chọn sữa cho gia đình đều có thể thể nhận biết Sữa Mộc Châu là sữa tươi được tạo ra từ những con bò nuôi trên cao nguyên Mộc Châu chứ không phải sữa pha từ nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này cũng sẽ đúng với một người tiêu dùng tại Luân Đôn khi họ mua sản phẩm trà xanh hay đen của Vinatea vì họ tin vào chất lượng tuyệt vời của chúng tôi.
GTNfoods vừa công bố kết quả kinh doanh bán niên với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc và theo lý giải của công ty thì đây là “trái ngọt” từ M&A mấy năm qua công ty theo đuổi. Ông có thể chia sẻ các dấu mốc quan trọng trong quá trình biến GTNfoods từ công ty đầu tư đa ngành thành một công ty nông nghiệp?
Thật sự, ở Việt Nam rất ít quan tâm về an toàn, hiệu quả và phát triển nông nghiệp bền vững – Việt Nam cần phát triển mạnh hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng. Hiện tại, tại Việt Nam chưa mấy doanh nghiệp quan tâm về chất lượng tốt và bền vững. GTNfoods hiện đang trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành. Chúng tôi kinh doanh trong lĩnh vực trà (Vinatea) và thịt lợn (Vilico), và thông qua Vilico, chúng tôi tự hào khi bước chân vào thị trường sữa bằng việc sở hữu Sữa Mộc Châu. Dân số Việt Nam trẻ, thông minh và đang được trang bị kiến thức tốt. Mọi người đang dần thấy được tầm quan trọng của thực phẩm an toàn, sạch và truyền thông đến thế hệ đi trước.
Với việc tập trung vào nông nghiệp, đây cũng là một việc tương đối thuận lợi vì nông nghiệp đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Ở Việt Nam, phần lớn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm hơn các lĩnh vực khác, nhiều người ở nông thôn hơn thành thị. Mặc dù hơn 50% dân số Việt Nam tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng giá trị thặng dư đóng góp cho nền kinh tế chỉ bằng một nửa con số đấy bởi vì sự kém hiệu quả của mảng nông nghiệp so sánh với các nước phát triển. Nông dân thì vẫn tiếp tục nghèo và sản phẩm thì không đạt chất lượng tốt và vòng xoay cứ tiếp tục nếu không thay đổi.
Theo chia sẻ của ông, có vẻ như GTNfoods đã có những định hướng rõ ràng dài hạn. Tuy nhiên, nông nghiệp là ngành cần thời gian rất lâu mới có thể chứng minh được hiệu quả rõ ràng chứ không như lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, tài chính hay xây dựng. Vậy đâu là cơ hội cho nhà đầu tư khi lựa chọn cổ phiếu GTN?
Thứ nhất, GTNfoods may mắn khi mua được doanh nghiệp tốt, tài sản tốt.
Thứ hai, Mộc Châu Milk và Vinatea là những thương hiệu có tầm quốc tế.
Thứ ba: Chúng tôi có kinh nghiệm trong tái cơ cấu kể cả tập đoàn mẹ đến các công ty con.
Việc thay đổi diễn ra nhanh, theo đúng lộ trình chiến lược. Việt Nam cũng là một trong những điểm đến thu hút đầu tư đối với nhà đầu tư quốc tế và chúng tôi là một trong những doanh nghiệp phù hợp vì đáp ứng được cả tiêu chí trong nước và đang dần chuyển hóa theo hướng quốc tế.
Chúng tôi cũng đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước có lịch sử lâu đời, thường là có thương hiệu tốt hoặc có quản trị ổn định. Chúng tôi có kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu và hiện đại hóa một số mảng sản xuất kinh doanh và tăng hiệu quả của quản trị cũng như hợp nhất. Bây giờ là thời điểm lịch sử của Việt Nam cho nông nghiệp và những mảng khác của kinh tế. Chúng tôi biết làm thế nào để bắt kịp thời thế. Một ví dụ điển hình là chúng tôi đang thuê The Purpose Group để tái định vị thương hiệu Mộc Châu.
Cũng phải nó thêm rằng, ngành nông nghiệp tuy là ngành cần thời gian rất lâu để đầu tư và chứng minh được hiệu quả rõ ràng. Tuy nhiên, những công ty mà GTNfoods thực hiện M&A là những công ty đã có sẵn và mình tham gia tái cơ cấu tăng năng suất chứ mình không phải đi chập chững từng bước từ đầu. Thời gian chờ đợi thành quả vì thế sẽ rút ngắn lại rất nhiều.