Trước đây, khi đi mua nhà, khách hàng thường chỉ quan tâm tới cách bố trí bên trong căn hộ, hệ thống cơ sở hạ tầng đi kèm, cách bố trí các tiện ích xung quanh… mà ít quan tâm tới hệ thống kỹ thuật chung hay thiết kế kỹ thuật tổng thể dự án. Sau những sự cố cháy nổ gần đây, vấn đề này mới thực sự được nhìn nhận nghiêm túc.
Chị Mai Anh (Quận Hà Đông) cho biết gia đình đã tích cóp nhiều năm qua để mua căn hộ nhưng nếu trước đây tiêu chí chọn dự án theo giá cả, diện tích, tiện ích được đưa lên hàng đầu thì thời gian gần đây, chị quan tâm nhiều đến độ an toàn: “Tôi đang tìm những dự án hệ thống PCCC hiện đại, có hệ thống PCCC tự động. Đặc biệt, phải là những dự án được phát triển bởi những chủ đầu tư uytín, đơn vị quản lý chuyên nghiệp để đảm bảo về vấn đề an toàn cháy nổ”.
Ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc bộ phận đầu tư của Savills khẳng định tâm lý lo lắng của người dân đối với phân khúc căn hộ là điều hiển nhiên. Yếu tố an toàn PCCC đang là ưu tiên số một của người tiêu dùng khi xem xét mua nhà. Thị trường đang chuyển dịch thận trọng không chỉ ở phía người dân mà còn ở góc độ chủ đầu tư và sàn giao dịch.
“Không chỉ người mua, các chủ đầu tư và đơn vị môi giới cũng rất băn khoăn khi chào sản phẩm mới. Họ phải nghĩ cách làm thế nào để thuyết phục khách hàng tin tưởng vào khả năng đảm bảo an toàn PCCC của dự án”, ông Khương nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, nắm bắt được yêu cầu này của khách hàng, công tác PCCC tại các công trình chung cư được các chủ đầu tư quan tâm nhiều hơn. Đơn cử như tại Dự án Anland (Hà Đông) của Tập đoàn Nam Cường. Dự án có hệ thống phòng cháy chữa cháy chia làm hệ thống báo cháy tự động – báo khói, báo nhiệt đến từng căn hộ. Ngoài ra còn có hệ thống chữa cháy Sprinkler kết hợp họng chữa cháy vách tường, trụ chữa cháy ngoài nhà, màn nước ngăn cháy ở khu tầng hầm…
Tại Anland, tủ trung tâm báo cháy và hệ thống bơm chữa cháy có 2 nguồn điện độc lập, đảm bảo hoạt động ngay khi mất điện nhờ nguồn máy phát dự phòng, duy trì liên tục trong 12 tiếng ở chế độ thường trực và 1 tiếng ở chế độ báo động. Điểm khác biệt với hầu hết các dự án đang vận hành, Anland được thiết kế hệ thống thang máy chống cháy nổ tốc độ cao có hệ thống tăng áp chống tràn khói. Mỗi tòa nhà có 1 thang máy cứu hộ có thể vận hành bằng tay để ứng cứu kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
Bên cạnh đó, Ban quản lý các cụm chung cư trong khu đô thị liên tục cho kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC như hệ thống báo cháy tự động, hệ thống quạt tạo áp hút khói chống khói xâm nhập trên các tòa nhà, hệ thống chữa cháy tự động, bình cứu hỏa cơ động… để đảm bảo hệ thống luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.
Ngoài Anland, hiện nay nhiều dự án chung cư cũng đã được các chủ đầu tư chú trọng đến công tác PCCC. Đặc biệt có những dự án dùng cả công nghệ 4.0 để PCCC. Có thể kể đến như một số dự án Saigon Intela, High Intela và West Intela tại Sài Gòn. Tại những dự án này, chủ đầu tư sử dụng hệ thống cảm biến tự động tại khu vực gửi xe, cảm biến trong căn hộ để cảm biến nhiệt độ, ánh sáng và đo khí thải trong hầm gửi xe. Điều này giúp ngăn chặn nguy cơ cháy nổ từ sớm đảm bảo an toàn.
Đánh giá về việc các chủ đầu tư ngày càng có ý thức ngày càng cao trong việc PCCC, nhiều chuyên gia cho biết đây là một động thái tốt trong công tác hạn chế việc cháy nổ nhà cao tầng và những thiệt hại về người khi xảy ra cháy nổ. Tuy nhiên để việc PCCC diễn ra hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả 3 bên Cơ quan PCCC – Chủ đầu tư – Người dân.
“Việc xây dựng, quản lý vận hành hệ thống PCCC CC có thể chia thành 4 giai đoạn: chuẩn bị đầu tư; đầu tư và người dân mua nhà hình thành trong tương lai; vận hành trước khi thành lập ban quản trị (BQT); vận hành sau khi thành lập BQT. Đối với mỗi giai đoạn, các cá nhân, tổ chức lại có vai trò khác nhau. Chẳng hạn, ở giai đoạn đầu thì trách nhiệm là của chủ đầu tư (CĐT) nhưng khi đã vận hành và thành lập được BQT thì đơn vị quản lý và cư dân chính là những người chịu trách nhiệm chính”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định.
Tại các buổi tập huấn, cư dân được thực hành sử dụng các thiết bị PCCC qua các tình huống cháy giả định
Cũng theo các chuyên gia việc các chủ đầu tư đã nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về PCCC là chưa đủ mà điều quan trọng là người dân sống tại những khu chung cư cao tầng phải được luyện tập PCCC để biết cách thoát hiểm trong các vụ hỏa hoạn.
Trước thực trạng này, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư cũng đã tích cực phối hợp với cảnh sát PCCC trong việc kiểm tra, rà soát hệ thống PCCC và tập huấn PCCC cho cư dân. Có thể kể đến như hang loạt cuộc diễn tập PCCC tại Khu tổ hợp Hapulico số 85 Vũ Trọng Phụng, chung cư Imperia Gardensố 203 Nguyễn Huy Tưởng, Dự án Tràng An Complex số 1 Phùng Chí Kiên…
Hay mới đây, chủ đầu tư Nam Cường đã phối hợp xuyên suốt với các Phòng Cảnh sát PCCC các quận, huyện để tổ chức các lớp tập huấn và diễn tập nghiệp vụ PCCC cho cán bộ ban quản lý bất động sản. Đồng thời, Ban Quản lý khu căn hộ thường xuyên tự tổ chức các đợt diễn tập PCCC, hướng dẫn các lực lượng tại chỗ, cư dân sử dụng các thiết bị chữa cháy, những việc cần thực hiện khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Bên cạnh đó, Ban quản lý các cụm chung cư trong khu đô thị liên tục cho kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC như hệ thống báo cháy tự động, hệ thống quạt tạo áp hút khói chống khói xâm nhập trên các tòa nhà, hệ thống chữa cháy tự động, bình cứu hỏa cơ động… để đảm bảo hệ thống luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.
Theo quy định của Bộ Xây dựng, những tiêu chí về hệ thống kỹ thuật, mức độ an toàn, hệ thống thang thoát hiểm đều khá rõ ràng. Ví dụ, theo Tiêu chuẩn QCVN 06:2010/BXD, khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào căn hộ đến lối thoát nạn gần nhất là 40m khi cửa bố trí ở giữa các buồng thang bộ và 25m khi cửa bố trí ở hành lang cụt. Bên cạnh đó, số lượng thang thoát hiểm cho mỗi khối nhà, chiều rộng thang, thiết kế buồng đệm, thiết kế cửa chính căn hộ, hệ thống chữa cháy tự động trong căn hộ… chính là những tiêu chí quan trọng mà người mua nhà cần tìm hiểu rất kỹ.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ tại chung cư như hiện nay. Trong đó, phải kể đến kiến trúc tòa nhà, sự quan tâm của chủ đầu tư và Ban Quản trị, ý thức của cư dân. Mặt khác, hiện phần lớn các vụ cháy nổ tại chung cư cao tầng, lực lượng phòng cháy chữa cháy gặp nhiều khó khăn trong việc ứng cứu, dập tắt đám cháy.
Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tắc đường kẹt xe trong giờ cao điểm hay tuyến đường quá nhỏ, không đủ lớn cho các xe cứu hỏa tiếp cận tòa nhà. Do vậy, khi thiết kế tự án, các tiêu chuẩn PCCC phải được đi kèm không chỉ bên trong toà nhà mà phải có từ những tiện ích đi kèm xung quanh.