Người Hàn Quốc “cuồng” Bitcoin tới mức nào?

Cũng giống như hàng ngàn người Hàn Quốc khác, Moon Sung-bae đang bị cuốn vào “cơn sốt” tiền ảo Bitcoin.

Nhà phân tích tài chính 35 tuổi kể với phóng viên của hãng tin Bloomberg rằng anh lần đầu tiên mua Bitcoin cách đây 1 năm, trước khi đồng tiền ảo tăng giá bùng nổ và trở thành một trong những câu chuyện đầu tư “hoang đường” nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Đến cuối tháng trước, giá trị số Bitcoin mà Bae nắm giữ đã chiếm tới một nửa tài sản của anh.

“Lúc đầu khi mua Bitcoin, tôi cũng cảm thấy sợ”, Bae nói. “Nhưng rồi tôi nhận ra, ồ, nó thực sự có hiệu quả đấy chứ”.

Chính phủ lo ngại

Đúng là cho tới thời điểm này, khoản đầu tư vào Bitcoin của Bae đã mang lại hiệu quả. Ngày 7/12, giá Bitcoin đã vượt qua ngưỡng 14.000 USD, chỉ một ngày sau khi chinh phục mốc 12.000 USD. Nhưng việc Bitcoin và các đồng tiền ảo khác sẽ đi về đâu đang là chủ đề của một cuộc tranh cãi nảy lửa, nhất là ở Hàn Quốc – nơi đang nổi lên thành một tâm điểm của cơn sốt tiền ảo toàn cầu.

Có nhiều người Hàn Quốc mua Bitcoin đến nỗi Thủ tướng nước này gần đây cảnh báo rằng tiền ảo có thể làm hỏng thế hệ trẻ của đất nước . Thậm chí, tại xứ kim chi, Bitcoin đang được giao dịch với mức giá cao hơn 23% so với giá trên thị trường quốc tế.

Trong vòng 24h tính đến buổi tối ngày thứ Tư theo giờ Seoul, 21% giao dịch Bitcoin bị áp phí trên toàn cầu là giao dịch được thực hiện bằng đồng Won Hàn Quốc, dù Hàn Quốc chỉ chiếm 1,9% nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc ngày càng trở nên lo ngại về khả năng cơn sốt Bitcoin có thể đi quá xa, nước này có thể trở thành một tâm điểm chú ý đối với giới giao dịch Bitcoin trên khắp thế giới.

Hồi tháng 9, cơ quan giám sát tài chính cao nhất của Hàn Quốc đã khiến thị trường tiền ảo rúng động khi ban lệnh cấm đối với các vụ huy động vốn thông qua phát hành tiền ảo (ICO). Tuần này, cơ quan này lên tiếng bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về tình trạng đầu cơ quá nóng tiền ảo đang diễn ra, đồng thời đã thành lập một nhóm chuyên trách với sự tham gia của các cơ quan chính phủ hữu quan nhằm tăng cường giám sát đối với tiền ảo.

“Xét tới quy mô của thị trường Bitcoin, nhà chức trách Hàn Quốc đang đứng trước yêu cầu ngày càng lớn phải sớm có biện pháp nào đó”, ông Thomas Glucksmann, trưởng bộ phận marketing của sàn giao dịch tiền ảo Gatecoin, nhận định.

Chưa có một sự lý giải xác đáng nào cho việc vì sao Bitcoin lại được người Hàn Quốc ưa chuộng đến vậy, nhưng giới phân tích ở nước này đã đưa ra một số nguyên nhân liên quan địa chính trị và văn hóa.

Nhân tố Triều Tiên

Việc Bitcoin không chịu sự quản lý của một ngân hàng trung ương nào là yếu tố hấp dẫn đối với nhiều người Hàn Quốc đang ngày càng lo ngại về tiền tiết kiệm của họ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên do chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng – theo bà Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý thuộc Đại học Quốc gia Seoul.

Bà Kwak nói rằng nền chính trị thiếu ổn định trong nước cũng có thể đã làm gia tăng thêm sức hấp dẫn của Bitcoin đối với người Hàn Quốc. Hồi tháng 3 năm nay, Tổng thống Park Geun-hye đã bị phế truất do vụ bê bối tham nhũng có sự dính líu của một loạt công ty thuộc hàng lớn nhất nước này.

“Mọi người muốn tìm kiếm sự an tâm ở một thứ gì đó ở bên ngoài đất nước”, bà Kwak nói.

Các nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc từ lâu đã rất ham thích những sản phẩm tài chính có mức độ rủi ro cao, theo ông Tai Ki-lee, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Tài chính Hàn Quốc.

Các sản phẩm chứng khoán phái sinh rất phổ biến ở Hàn Quốc, một phần bởi chúng cho phép các nhà đầu tư dùng đòn bẩy nợ. Thị trường quyền chọn chỉ số cổ phiếu (stock-index options) của Hàn Quốc từng sôi động nhất thế giới nếu xét trên số hợp đồng, cho tới khi Chính phủ nước này siết quản lý đối với hoạt động đầu cơ vào năm 2011.

Kim Do-young, một nhà sản xuất âm thanh 34 tuổi ở Seoul, cho biết anh bị Bitcoin thu hút bởi việc mở tài khoản giao dịch rất dễ dàng và đây có vẻ như là một cơ hội kiếm tiền nhanh. “Bạn có thể chốt lãi siêu nhanh”, Kim nói.

Hầu như tuần nào Kim cũng mua thêm Bitcoin và khoảng 20 loại tiền ảo khác trong danh mục đầu tư của mình, và bán chốt lời mỗi khi cần tiền để trả tiền nhà.

Hiện chưa rõ nhóm chuyên trách về tiền ảo của Hàn Quốc sẽ có những biện pháp như thế nào, nhưng Chính phủ nước này đang thể hiện ý định hành động. Hãng thông tấn Yonhap News hôm thứ Ba nói rằng cơ quan thuế của Hàn Quốc đang tính đánh thuế đối với lợi nhuận từ giao dịch tiền ảo, trong khi Thủ tướng Lee Nak-yon tháng trước cảnh báo tiền ảo có thể trở thành cửa ngõ cho những mô hình lừa đảo dạng kim tự tháp và các hoạt động phi pháp khác nếu không có sự quản lý.

Bae – người mua Bitcoin lần đầu tiên vào tháng 11/2016 để trả tiền chuộc cho những tay hacker đã tấn công máy tính của anh – cho rằng giá Bitcoin sẽ giảm do nhà chức trách sẽ tăng cường giám sát. Anh đã bán phần lớn lượng Bitcoin nắm giữ vào hôm 29/11.

Tuy nhiên, Bae nói anh sẵn sàng mua lại Bitcoin một khi giá giảm. Sau khi nghiên cứu các cuốn sách và bài báo về Bitcoin và công nghệ blockchain, Bae tin rằng tiền ảo rồi sẽ trở thành một kênh lưu trữ giá trị.

Về rủi ro đến từ các quy chế giám sát, Bae lạc quan trước việc Bitcoin đã không “hề hấn” gì sau khi Trung Quốc cấm các vụ ICO và buộc các sàn giao dịch Bitcoin ở nước này phải ngừng hoạt động cách đây ít lâu.

“Giờ tôi chỉ có 1 đồng Bitcoin”, Bae nói, và tiết lộ anh kiểm tra giá Bitcoin khoảng 10 lần mỗi ngày. “Nhưng chắc chắn là tôi sẽ lại mua tiếp”.

Đi tìm giá trị thực của đồng tiền số hot nhất thế giới – bitcoin

Bài viết mới