Anh Dương kể: “Xuất phát từ ý tưởng trồng rau an toàn để phục vụ cho bữa ăn gia đình, tôi tìm tòi tài liệu từ sách, báo, internet và học tập kinh nghiệm từ các nhà vườn trồng RAT ở TP.HCM, Lâm Đồng… Sau đó, tôi thích thú và quyết tâm đi theo con đường trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh”.
Đầu năm 2014, anh Dương lắp đặt hệ thống trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh trên diện tích 250m2 theo công nghệ Israel với tổng vố đầu tư trên 200 triệu đồng. Hệ thống này gồm nhà lưới, hệ thống tưới tiêu, giàn, giá.
Giải thích về câu chuyện “công nghệ cao, giá thấp” này, anh Dương cho biết: “Chủ yếu là mình sáng chế thiết bị”. Với bản tính hay tìm tòi, sáng tạo, anh Dương không chấp nhận bê “nguyên xi” 100% linh kiện, vật liệu nhập ngoại mà tận dụng vật liệu có sẵn tại địa phương (nhựa, kim loại), anh xây lắp hệ thống giá trồng rau thủy canh… Nhờ đó, anh tiết kiệm được vốn đầu tư, đồng thời hệ thống “tự chế” của anh vẫn đạt hiệu quả sản xuất, độ bền.
Sản phẩm đầu tiên “ra lò” tươi ngon… Sau khi được mời ăn thử, nhiều người quen đến hỏi mua. Anh phải thêm vốn, mở rộng diện tích trồng. Từng bước vừa làm, vừa lắng nghe tư vấn của cán bộ nông nghiệp, vừa rút kinh nghiệm. Qua nhiều lần mở rộng sản xuất, đến nay, diện tích rau an toàn thủy canh đã lên đến 1.000m2 với tổng vốn 1 tỷ đồng.
Hiện, mô hình trồng rau thủy canh của anh Dương trồng nhiều loại rau như: Cải ngọt, cải xanh, cải bẹ dúng, xà lách, rau muống… cho thu hoạch mỗi ngày từ 40- 50kg với giá bình quân 40.000 đồng/kg. Mặc dù giá thành cao hơn so với giá rau trồng bằng phương pháp truyền thống, nhưng người dùng vẫn rất ưa thích.
Theo tính toán, mỗi tháng mô hình trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh của anh Dương cho lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Tuy chưa nhiều, nhưng bước đầu cho thấy, hướng đi mà anh chọn lựa đã mang lại hiệu quả.