Thạc sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết trong năm 2017, tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng và phi ngân hàng là 9 triệu tỉ đồng.
Trong đó, tiền gửi, bao gồm người dân, doanh nghiệp và định chế tài chính khác ở mức khoảng 7 triệu tỉ. Với số tiền như thế ngân hàng có thể cho vay và dư nợ cuối năm 2017 là 6,5 triệu tỉ.
Ông Lực cũng cung cấp thêm thông tin, trong số 7 triệu tỉ huy động vốn thì của dân cư chiếm khoảng 60%, tương đương khoảng 4,2 triệu tỉ và tổ chức là 40%.
Về vai trò của tiền gửi, ông Lực nói, tiền gửi từ dân cư giúp đảm bảo ngân hàng có lượng tiền ổn định cho vay. Đây là nguồn tiền ổn định không thể thiếu của bất kỳ ngân hàng nào.
Còn với người dân, hệ thống ngân hàng là một kênh đầu tư, người dân có thể hưởng mức sinh lời lãi suất hàng năm. Khi tạo ra lượng tiền tích kiệm người dân có thu nhập thêm để chi tiêu.
Trả lời câu hỏi nên chọn lựa ngân hàng như thế nào để gửi tiền, chuyên gia cho biết, việc gửi tiền chính là đặt niềm tin vào ngân hàng, nên trước hết người dân cần phải có lựa chọn và lưu ý tới các ngân hàng có uy tín, bề dày lịch sử.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý, người dân nên chú ý đến quá trình hoạt động của ngân hàng trong thời gian vừa có tốt hay không, chất lượng dịch vụ tiện lợi, nhanh chóng, chuyên nghiệp ra sao. Thêm một yếu tố nữa cũng nên lưu tâm là lãi suất, chi phí.
Trước vấn đề tiền gửi có khả năng bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt, ông Lực cho biết, với trình độ công nghệ thông tin như hiện nay, để bảo vệ tài sản cho chính mình một cách tối đa, người dân nên đăng ký sử dụng dịch vụ SMS cho mỗi lần chuyển tiền thanh toán hoặc gửi tiền. Đối với những người chuyên sử dụng máy tính có thể sử dụng internet banking để thường xuyên theo dõi và cập nhật về tài sản.
Ngoài ra cũng có thể yêu cầu ngân hàng gửi sao kê tài khoản, nhìn vào đó người dân có thể biết ngay trong tháng vừa qua mình đã giao dịch bao nhiêu lần và với lượng tiền như thế nào. Đối với việc sao kê, các ngân hàng thường qua email
Trong trường hợp xảy ra việc mất cắp hoặc thâm hụt tài sản, người tiêu dùng ngay lập tức báo cho tổ chức tín dụng. Hiện các ngân hàng đều có trung tâm chăm sóc khách hàng và số hotline, nên người dân có thể gọi đến và sử được giải quyết một cách nhanh chóng.