Nhiều người có nhu cầu ở thực nhưng chưa đủ tiềm lực tài chính đang chờ đợi giá nhà đất và cả lãi suất cho vay giảm để mua nhà đất. Nhiều người khác đang đắn đo nên chọn mua nhà ở xã hội hay mua đất nền vùng ven.
Tại khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc hiện có nhiều công nhân lao động đang có nhu cầu mua nhà ở, đất ở. Ảnh: Lưu Bang
Như ‘’nắng hạn đợi mưa rào’’
Cơn sốt đất kéo dài tại Đà Nẵng và các khu vực vùng ven trong thời gian qua đã khiến cho giá đất tại khu vực này bị đẩy lên cao, đồng thời cũng đẩy những người công nhân lao động có nhu cầu nhà ở thực vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” trong việc có nên vay tiền mua nhà hay tiếp tục thuê nhà.
Ở thời điểm hiện nay, mặc dù thị trường đang trầm lắng và giá đất có giảm, song nhiều người có nhu cầu ở thực chưa đủ tiềm lực tài chính vẫn phải tiếp tục chờ đợi lãi suất cho vay và giá nhà đất tiếp tục giảm mới có thể mua được nhà đất.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), khu công nghiệp Hòa Cầm (Đà Nẵng), cho biết họ vẫn đang theo dõi sát thông tin về nhà đất trên thị trường để tìm kiếm cho gia đình một chỗ an cư ổn định.
Nhiều người trong số họ cho biết, họ không dám mơ đến việc mua được nhà đất tại khu vực trung tâm thành phố mà chỉ mong sao tìm được nhà đất có mức giá phù hợp tại các khu vực vùng ven như huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng hay thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Hiện giá nhà đất tại các khu vực vùng ven nêu trên có giảm nhưng mức giá vẫn còn ở mức khá cao so với thu nhập trung bình của nhiều người cũng như tài sản mà họ đã tích lũy bấy lâu.
Đơn cử, tại khu vực mặt tiền các tuyến đường bê tông huyện Hòa Vang hay các phường vùng Đông thị xã Điện Bàn như Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Đông, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung hiện có mức giá đất trong khu dân cư dao động từ 600 đến gần 1 tỉ đồng mỗi lô khoảng 100 m2.
Trong khi đó, tại những khu vực ít có lợi thế hơn ở phía tây thị xã Điện Bàn (giáp với huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) có mức giá mềm hơn, tầm 350 – 600 triệu đồng mỗi lô 100 m2.
Anh Tuấn (đang làm việc tại khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc) cho biết, hiện vợ chồng anh có thu nhập bình quân mỗi tháng 20 triệu đồng. Nếu trừ đi các chi phí sinh hoạt hằng ngày thì mỗi tháng vợ chồng anh tích lũy được khoảng gần 10 triệu đồng.
Hiện nay, vợ chồng anh Tuấn đã tích lũy được khoảng 300 triệu đồng. Để mua được một lô đất có giá nêu trên, vợ chồng anh phải vay thêm tiền từ ngân hàng.
Điều vợ chồng anh Tuấn lo là sau khi vay tiền mua đất xong họ không biết lấy đâu ra tiền để xây nhà. Chưa hết, việc lãi suất cho vay hiện đang ở mức cao như hiện nay càng khiến vợ chồng anh thêm đắn đo, đành phải tiếp tục chờ đợi.
Một khu nhà trọ cho công nhân thuê tại khu vực phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn – giáp ranh với thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Lưu Bang
Nên mua nhà ở xã hội hay mua đất nền vùng ven?
Những công nhân, người lao động có nhu cầu ở thực chưa đủ tiềm lực tài chính vẫn đang chờ đợi giá nhà đất và cả lãi suất cho vay tiếp tục giảm để mua nhà đất. Trong khi đó, nhiều người khác có đủ tiềm lực về tài chính lại đang đắn đo không biết nên chọn mua nhà ở xã hội hay mua đất nền vùng ven.
Những đắn đo nêu trên xuất phát từ việc so sánh giá nhà đất vùng ven và cả giá bán căn hộ nhà ở xã hội, cộng với tâm lý muốn sở hữu đất nền rồi tự xây dựng nhà ở mới và cả những lợi thế khác biệt từ hai phân khúc nêu trên,…
Từ sau Tết Nguyên đán năm 2023 đến nay, giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và cả quyền lợi của người tiêu dùng.
Việc giá vật liệu xây dựng tăng cao cộng với giá nhân công cũng đang ở mức cao đã đẩy chi phí xây dựng nhà ở lên cao càng khiến cho nhiều công nhân, người lao động có nhu cầu nhà ở thực thêm lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, một chủ thầu công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tại thị xã Điện Bàn khuyên rằng, do giá vật liệu xây dựng đang ở mức cao nên người dân muốn xây dựng nhà ở thì cần chờ đợi thêm một thời gian nữa rồi hãy quyết định.
Nhiều công nhân lao động có nhu cầu ở thực đang phân vân giữa việc nên mua nhà ở xã hội hay mua đất nền vùng ven. Ảnh: Lưu Bang
Theo chia sẻ của vị chủ thầu này, trước thời điểm giá vật liệu tăng cao như lúc này, việc xây dựng một căn nhà cấp bốn có gác lửng thường có chi phí dưới 300 triệu đồng/100m2. Riêng đối với căn nhà 1 tầng lầu 1 tầng trệt thì có chi phí khoảng tầm 800 triệu đồng.
Như vậy, sau khi mua đất vùng ven mặt tiền các tuyến đường bê tông và xây dựng nhà ở mới, người dân phải tiêu tốn khoảng từ 700 triệu đồng đến hơn 1,5 tỉ đồng.
Riêng về nhà ở xã hội, mới đây Sở Xây dựng Đà Nẵng thông báo mở bán 260 căn hộ thuộc Tòa nhà CT6, Chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside.
Những căn hộ nêu trên có diện tích từ 45m2 đến 70m2 và có mức giá bán khoảng hơn 16 triệu đồng/m2. Như vậy, để mua được các căn hộ nêu trên, người dân phải chi số tiền từ 720 triệu đồng đến 1,12 tỉ đồng/căn hộ.
Trao đổi với chúng tôi, chị V, một công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp ở thành phố Đà Nẵng, cho biết bản thân chị và nhiều anh chị em công nhân khác muốn mua đất nền rồi tự xây dựng nhà ở mới hơn là mua nhà ở xã hội. Sở thích là vậy nhưng nhiều người lại đắn đo trong việc nên chọn mua nhà ở xã hội hay mua đất nền vùng ven.
“Nếu so sánh về mức giá bán, thì có thể thấy giá bán nhà ở xã hội đang dao động ở mức gần bằng với mức giá đất nền cộng với chi phí xây nhà ở mới tại các khu vực vùng ven. Do đó, rất khó để có thể quyết định việc nên mua nhà ở xã hội hay mua đất nền rồi tự xây dựng nhà ở mới, bởi phân khúc nào cũng có những lợi thế khác nhau”, chị V nói thêm.