Gần 34 năm công tác trong lĩnh vực sản phụ khoa, ThS.BS Lê Thị Kiều Dung – Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) có rất nhiều kỷ niệm khó quên với nghề. Đó có thể là lúc chứng kiến giây phút sản phụ đột tử bất ngờ, hay khoảnh khắc giải cứu bệnh nhân bị sập bẫy phòng khám Trung Quốc.
Chọn nghề “đỡ đẻ” vì… gần nhà
BS Kiều Dung sinh ra ở Hải Phòng, thời điểm cha mẹ bà được tập kết ra Bắc. Năm 14 tuổi, bà trở lại Sài Gòn cùng gia đình sau ngày đất nước thống nhất. Lớn lên tại vùng đất hoa phượng đỏ nên dù cả cha lẫn mẹ là người gốc Long An, nữ BS vẫn nói giọng miền Bắc.
Muốn theo nghiệp y như cha mẹ nhưng khi vào đại học, BS Kiều Dung không biết theo chuyên ngành gì. Rồi đột ngột, nữ BS chọn khoa sản.
BS Kiều Dung cùng đồng nghiệp thực hiện ca mổ.
“Lúc đó nhà tôi ở góc đường Cao Thắng – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), gần BV Từ Dũ nên nghĩ thôi học sản khoa để sau này xin vô đó làm luôn cho gần, chứ không tính toán gì xa xôi cả” – BS Kiều Dung kể.
Những ca trực muộn, chứng kiến các bà mẹ từ khi đau quặn bụng cho đến lúc ông chồng hạnh phúc ôm trong tay đứa bé vừa chào đời, vị BS yêu nghề lúc nào không hay.
Nhưng kỷ niệm không quên lúc mới vào nghề của bà lại là thời khắc chứng kiến bệnh nhân gặp biến chứng sản khoa trong tích tắc.
“Lúc đó sản phụ đang theo dõi sinh, nằm khỏe bình thường bỗng dưng lên cơn thuyên tắc ối, rối loạn đông máu, ngưng tim ngưng thở không kịp trở tay.
Chồng chị ấy là một cán bộ sĩ quan, nghe tin đã không giữ được bình tĩnh, mang theo cả xe vào, khiến BV phải nhờ cả công an và pháp y can thiệp.
Là BS, chúng tôi hiểu rằng nỗi đau mất người thân là không thể nào thay thế được. Nhưng có những sự cố y khoa dù không phải do nhân viên y tế cũng vẫn có thể xảy ra khiến khiến sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc” – BS Kiều Dung tâm sự.
BS Dung thăm khám cho bệnh nhân.
Đắn đo khi dứt mạng sống thai nhi
Nếu thời khắc đưa một sinh linh chào đời cảm động, hạnh phúc chừng nào thì khi đứng ở hoàn cảnh phải chấm dứt một sự sống còn trong bụng mẹ, BS Lê Thị Kiều Dung phải đứng trước sự căng thẳng, đắn đo tột độ.
“Ngày trước khi chưa có phá thai nội khoa thì vẫn phải hút thai. Thai nhỏ thì chỉ có túi thai, nhau, máu và nước, nhưng khi thai đã tượng hình rất ám ảnh. Do đó, gần như trước giờ tôi không phá thai lớn.
Nhưng cũng có những trường hợp buộc lòng phải phá thai để bảo đảm tính mạng, mà sản phụ thì không chịu hợp tác” – BS Kiều Dung nói.
Như trường hợp một thai phụ ở Đồng Nai. Khi BS Kiều Dung phát hiện dị tật vô sọ (không có sọ não) thì thai đã 12 tuần tuổi. Lúc này, khả năng thai khi sinh ra tử vong hoặc đứa trẻ sống đời sống thực vật là rất cao. Nhưng sản phụ và gia đình tâm niệm con cái là của trời cho nên kiên quyết giữ lại dù nữ BS đã giải thích rất rõ ràng.
Niềm vui khi một sinh linh ra đời.
Cứ thế sản phụ kéo dài thai kỳ từ ngày này sang ngày khác, sức khỏe dần suy kiệt. Quá lo sợ tính mạng bệnh nhân bị đe dọa, BS Kiều Dung tìm mọi cách liên lạc với gia đình. Mãi đến khi bệnh nhân chấp thuận bỏ, cái thai đã 25 tuần tuổi, phải đặt túi nước, đặt thuốc trong vài ngày mới có thể ra khỏi cơ thể người mẹ.
Nhưng thứ để lại ám ảnh và cả sự bức xúc với BS Kiều Dung là lúc phải tiếp nhận những trường hợp bị biến chứng sau khi vào phòng khám Trung Quốc.
“Tôi nhớ mãi trường hợp một nữ bệnh nhân đã có hai người con lại ngoài 40 tuổi, thời điểm bắt đầu rối loạn tiền mãn kinh nên không phát hiện thai sớm. Tại BV, chúng tôi khuyên chị hãy giữ lại đứa con, vì thai đã 17 tuần tuổi.
Không biết vì hoàn cảnh gì, chị này không chịu rồi nghe lời của cò mồi, tìm đến một phòng khám Trung Quốc cách BV không xa.
Họ gắp thai ra thế nào lại khiến bệnh nhân thủng tử cung, thủng luôn cả đại tràng, nhiễm trùng nặng. Chúng tôi phải mổ cấp cứu, cắt bỏ tử cung và mời cả BS ngoại khoa của BV Chợ Rẫy đến làm hậu môn tạm để cứu bệnh nhân thoát chết” – BS kể.
“Với những áp lực và rủi ro dồn dập, phải yêu nghề lắm mình mới có thể theo được”
“Nếu đây là người nhà, mình có chỉ định điều trị như vậy không?”
Hết lòng là vậy nhưng có lúc, nữ bác sĩ không khỏi chạnh lòng trước áp lực, rủi ro và sự bạc bẽo của nghề.
“Gần đây tôi nghe thông tin bác sĩ bị hành hung khá nhiều. Như trường hợp một bác sĩ ở Thái Bình bị đâm tử vong.
Bệnh nhân nhiều khi thấy BS chậm trễ không cần biết lý do gì cũng có thể nổi nóng, thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Họ không hiểu đã đành nhưng pháp luật đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bảo vệ thầy thuốc tốt.
Dĩ nhiên tôi biết vẫn có thầy thuốc làm sai nhưng đó không phải là tất cả. Với những áp lực và rủi ro dồn dập, phải yêu nghề lắm mình mới có thể theo được. Bệnh nhân và người nhà hãy hiểu, đừng đánh BS nữa” – BS Kiều Dung tâm sự.
BS Dung nói, có những ca thầy thuốc không làm sai nhưng bị hành hung, rồi cuối cùng pháp luật vẫn không can thiệp kịp thời. Như ca ở Thái Bình là án mạng, theo pháp luật là phải xét xử nhưng tới giờ này vẫn chưa thấy xử.
Khi làm công việc giảng dạy, nhận thấy BV Từ Dũ và BV Hùng Vương (TP.HCM) là hai cơ sở thực tập cho sinh viên sản khoa chính nhưng đã quá tải, nữ BS ấp ủ ước mơ có thêm một cơ sở học tập, phát triển nghề cho sinh viên lẫn những bác sĩ sản khoa mới ra trường.
Nguyện vọng này của BS Kiều Dung được lãnh đạo BV ĐHYD hết mình hỗ trợ. Khi BV xây thêm toà nhà mới, hai tầng 3-4 ở dãy nhà A được trích ra để phục vụ điều trị sản phụ khoa. Năm 2016, khoa Phụ sản của BV ĐHYD chính thức đi vào hoạt động.
Với 13 phòng bệnh, vỏn vẹn 26 giường nhưng bằng sự tận tuỵ, gần 2 năm qua nơi đây đã cứu chữa, đỡ đẻ cho hàng ngàn lượt sản phụ, là nơi thực hành cho nhiều bác sĩ lành nghề.
Nhận xét về cấp trên, BS Nguyễn Thị Tố Thu, khoa Phụ sản BV cho biết: “Cô vừa là người dạy kiến thức, vừa là người dìu dắt về chuyên môn nên khi gặp khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, mình luôn gọi cho cô để xin ý kiến. Cô rất nhiệt tình trong giúp đỡ đàn em, học trò.
Có một lần mình gặp một ca rất nặng, sản phụ đã mổ xong nhưng bị đái tháo đường thai kỳ không được phát hiện sớm khiến tử cung rò mũ, nhiễm trùng nặng. Mặc dù hôm đó không phải ca trực nhưng khi được mình nhờ hỗ trợ, cô bỏ phòng mạch chạy lên cùng mổ từ 19-20 giờ tối đến 2 giờ sáng. Nhờ vậy tính mạng bệnh nhân mới được cứu“.
Còn BS Dung tâm sự, lúc nào mình cũng nghĩ phải làm những gì tốt nhất cho bệnh nhân chứ không chỉ vừa đủ. Khi dạy sinh viên, luôn hướng họ phải thật cẩn thận, kỹ lưỡng, làm sao để cho bệnh nhân ít bị đau, phục hồi sớm nhất chứ không phải chỉ may cho dính đường rạch lại là xong.
“Đã chọn nghề y phải có cái tâm. Ngay cả khi ra một chỉ định điều trị, viết một toa thuốc cũng luôn luôn phải nghĩ: Nếu đây là người nhà của mình, mình có làm như vậy hay không” – BS Kiều Dung tâm niệm.
BS Dung: Đã chọn nghề y phải có cái tâm.