Loài cá này cắn đứt hết dây câu khi ngư dân vừa bủa. Nhiều tàu thiệt hại vài chục triệu đồng sau mỗi chuyến đi biển. Tình hình này đã kéo dài nhiều tháng khiến sản lượng đánh bắt thủy sản của địa phương năm nay giảm mạnh so với những năm trước. “Năm nay, cá nóc xuất hiện nhiều và kéo dài hơn so với các năm khác” – ông Phước nhìn nhận.
Vừa mới trở về sau chuyến biển, ông Trần Văn E (ngụ thị trấn Thuận An) phải chi gần 20 triệu đồng mua cước, lưỡi câu, huy động hơn 4 nhân công trong 4 ngày mới khắc phục xong toàn bộ dàn câu trên tàu bị cá nóc cắn mất.
Cá nóc xuất hiện nhiều trên vùng biển Thừa Thiên – Huế gây thiệt hại cho ngư dân
Ông E cho biết tàu của ông có 9 lao động, hành nghề câu cá hố ở vùng biển khơi. Từ đầu năm đến nay, biển xuất hiện rất nhiều cá nóc. Trong 5 chuyến ra khơi gần đây, tàu mất khá nhiều lưỡi câu do cá nóc cắn, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Chuyến ra khơi vừa rồi, cả bộ ngư cụ trên tàu với hàng ngàn lưỡi câu đã bị cá nóc cắn sạch. “Tôi bủa chỗ nào thì cá nóc vây kín chỗ đó, chỉ ít phút sau, cả bộ câu bị cá cắn hết” – ông E nói.
Theo anh Trần Văn Lộc, người đi theo tàu câu của người thân, năm nay cá nóc ở vùng biển Thừa Thiên – Huế nhiều hơn mọi năm. “Trước đây, mỗi chuyến đi bạn, tôi được vài triệu đồng, còn bây giờ may lắm chỉ được vài trăm ngàn đồng. Nhiều lúc chủ tàu lỗ do câu bị cá nóc cắn hết” – anh Lộc tâm sự.
Ông Trần Thanh Hữu – Tổ trưởng tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An – nhận định năm nay những người làm nghề lưới rất được mùa, ngược lại những người hành nghề câu thiệt hại nặng do bị cá nóc cắn phá. Tổ dân phố Hải Tiến có trên 110 tàu hành nghề trên biển thì có hơn 50% tàu câu nên thiệt hại lớn. Do thu nhập thấp nên một số lao động đi bạn trong vùng tạm thời chuyển sang đánh cá bằng tàu gần bờ.
Cụ Trần Thảo, người gắn cả đời mình với biển, dự đoán: “Theo kinh nghiệm của tôi thì phải có một đợt bão hoặc mưa lớn mới giảm mạnh cá nóc”.
Không chỉ thị trấn Thuận An, ngư dân các xã ven biển huyện Phú Vang, như Phú Thuận, Phú Hải… cũng bị thiệt hại nặng do cá nóc.