KhaiSilk nhập khẩu lụa từ Trung Quốc rồi ghi tên thương hiệu của mình cùng dòng chữ “made in Vietnam” là câu chuyện ồn ào cả tuần nay. Thế nhưng câu chuyện phía sau không ầm ĩ nhưng lại diễn ra hàng chục năm nay là ngành dâu tằm tơ Việt Nam cũng không có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Theo Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, chỉ khoảng 70% nhu cầu của khâu ươm tơ được đáp ứng, 1.000 tấn tơ nữa phải nhập khẩu để làm gia công. Trong đó, Trung Quốc đang là địa chỉ cung cấp rất nhiều nguyên liệu và sản phẩm cho ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Trứng tằm, cây dâu, máy ươm tơ, tơ,… đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Báo cáo năm 2014 của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương cho thấy, giống dâu Trung Quốc chiếm tới 16,01% tổng diện tích trồng dâu trên cả nước. Tây Bắc và Đông Bắc là những nơi trồng nhiều loại dâu này. Tuy có năng suất lá tương đương giống dâu Trung Quốc (trung bình 25-35 tấn/ha), nhưng giống chọn tạo trong nước chỉ chiếm 23,37% diện tích. 60,62% diện tích còn lại trồng giống dâu địa phương với năng suất trung bình đạt 20-25 tấn/ha.
Năng suất cao cũng là lý do khiến nông dân Việt “thích” nuôi giống tằm từ Trung Quốc. Ngay tại đại phương có diện tích nuôi trồng lớn như tỉnh Lâm Đồng, giống tằm Trung Quốc cung được nuôi phổ biến. Đây là giống tằm lưỡng hệ, cho từ 750 – 800 mét tơ/ký kén. Trong khi đó, giống tằm đa hệ, cổ truyền từ xưa tới nay chỉ cho 280 – 300 mét tơ/ký kén.
Việc tự chủ nguồn giống đã từng được nhắc đến nhưng vẫn chưa có nhiều tiến triển. Không nhiều giống tằm thuần chủng được lưu giữ để tạo ra các giống lai. Rất ít doanh nghiệp làm dịch vụ cung ứng trứng giống tằm. Các hộ nuôi phải mua trứng giống tằm Trung Quốc từ những thương nhân nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Đã có lúc nông dân phải chịu thiệt hại lớn vì giống không có nguồn gốc rõ ràng và chưa qua kiểm dịch.
Trả lời báo chí, Giám đốc công ty TNHH Tơ tằm Phú Cường chia sẻ rằng, một lượng lớn máy móc ươm tơ dư thừa ở Trung Quốc đã được chuyển vào trong nước. Thậm chí doanh nghiệp Trung Quốc đã trực tiếp đầu tư và thu mua nguyên liệu với giá cao, khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn. Trước đó, với các mặt hàng khác, thương nhân Trung Quốc đã từng thu mua nguyên liệu với giá cao rồi đột ngột ghìm giá khiến doanh nghiêp và nông dân đều chịu thiệt hại.
Trao đổi với báo Trí thức trẻ, ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp dâu tằm tơ Trung Quốc đã đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng. Việc tăng nhanh số lượng máy móc ươm tơ đã khiến tình trạng mất cân đối giữa máy móc với việc phát triển nguồn nguyên liệu. Ngay lúc này cần có biện pháp yêu cầu doanh nghiệp tăng diện tích trồng dâu tương ứng với lượng máy móc nhập khẩu.
Thực tế, hai mâu thuẫn cơ bản trong ngành vẫn chưa được giải quyết trong suốt thời gian dài: Một là, mâu thuẫn giữa nhu cầu tơ chất lượng cao phục vụ cho dệt lụa và khả năng cung cấp tơ chất lượng trung bình và thấp do điều kiện tự nhiên, khí hậu và trình độ kỹ thuật của người nuôi tằm cũng như công nghệ ươm tơ. Hai là, mâu thuẫn giữa tính chất sản xuất hàng hóa cao với tính chất sản xuất thủ công quy mô nhỏ.
Người dệt lụa vẫn phải nhập tơ chất lượng cao từ Trung Quốc để tự đáp ứng nhu cầu dệt của mình. Đa số người ươm tơ sản xuất tơ chất lượng trung bình và thấp sau đó bán cho các cơ sở dệt thủ công trong nước. Việc sản xuất thủ công thể hiện đậm nét ở tất cả các khâu từ chăm sóc, thu hái dâu, cho tằm ăn, thay phân cho đến thu hoạch kén. Vì vậy, năng suất lao động thấp và dẫn tới hiệu quả của sản xuất thấp.
Với bệ đỡ yếu, ngành tơ lụa Việt Nam khó có thể tạo ra thương hiệu đủ sức vươn ra thị trường toàn cầu. Để phát triển, ngành dâu tằm tơ cần thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các bên. Còn hiện tại, “ngành dâu tằm tơ của Việt Nam chưa được đầu tư đồng bộ” – Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam nhận định.