Nghiên cứu chuyển gói hỗ trợ 2% lãi suất sang cho vay nhà ở xã hội

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo phương án thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất và xem xét chuyển sang cho vay nhà ở xã hội.

Việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% bị chậm với số tiền giải ngân thấp nên Chính phủ yêu cầu nghiên cứu phương án điều chuyển vốn sang chính sách khác – Ảnh: TH.L

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tháng 2; thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước sớm báo Thủ tướng phương án phù hợp thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất với các khoản vay tại các tổ chức tín dụng trong khuôn khổ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Giải ngân nhỏ giọt, kết quả thực hiện thấp

Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá kỹ khả năng giải ngân để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án điều chuyển nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất sang hình thức, chính sách khác. Trong đó, phương án được xem xét là chuyển sang cho vay nhà ở xã hội, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai gói này là rất chậm, khi đến cuối 2022 gói hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt 134 tỉ đồng. Dự kiến năm nay gói này giải ngân thêm được 2.345 tỉ đồng. Như vậy, sẽ còn dư 37.521 tỉ đồng dự kiến không giải ngân hết.

Trả lời cử tri Bình Thuận về phản ánh gặp khó khăn trong quá trình làm hồ sơ vay vốn hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đưa ra nhiều giải pháp để hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ này.

Mặc dù đánh giá đây là chính sách mà ngành ngân hàng thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhất “từ trước tới nay”, nhưng Ngân hàng Nhà nước thừa nhận kết quả thực hiện gói này thấp, chưa được như kỳ vọng.

Nguyên nhân do bối cảnh nền kinh tế đã khác so với khi đề xuất xây dựng chương trình phục hồi kinh tế. Mặt khác, tâm lý e ngại của khách hàng và ngân hàng thương mại với các thủ tục thanh tra, kiểm toán sau này cũng như e ngại khi đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng.

Khách hàng không muốn vay vốn hay sợ thanh kiểm tra?

Vướng mắc chính của gói chính sách này là điều kiện vay với khách hàng, trong đó quy định đưa ra phải đánh giá được khách hàng “có khả năng phục hồi”. Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có phương án xử lý, sửa đổi nghị định 31 và ngành ngân hàng quyết tâm thực hiện chương trình này.

Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế từ ngân hàng thương mại, khách hàng, mức độ hấp thụ, giải ngân và kết quả hỗ trợ lãi suất vẫn phụ thuộc lớn vào tâm lý khách hàng, họ không muốn tham gia.

Qua khảo sát và báo cáo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh thành, trong số khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, có khoảng 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu.

Cũng theo thông báo kết luận của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước được giao xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém. Bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới.

Tăng cường thanh tra, giám sát; và có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, các thị trường khác.

Bài viết mới