Chúng ta thường mặc định rằng trường học là nơi tạo ra những sinh viên ưu tú, giỏi giang và biết vâng lời. Xã hội cần những công dân biết vâng lời, tuân thủ pháp luật và không bao giờ nghi ngờ chính sách.
Nhà lãnh đạo cần những nhân viên biết vâng lời, làm theo lệnh và không bao giờ đặt câu hỏi. Cha mẹ cần những đứa con biết vâng lời, đi theo con đường đã định và không bao giờ cãi lại… Vô hình chung, chúng ta đã tạo nên một xã hội mà ở đó “vâng lời” trở thành chuẩn mực.
Tuy nhiên, thế giới hiện đại biến động không ngừng và những thay đổi của môi trường kinh doanh đã không cần đến những công nhân chỉ biết vâng lời nữa. Thế giới cần những nghệ sĩ, người sáng tạo, hacker và nhà phát minh – những người dám nghĩ khác và làm khác.
Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, những người dám nghĩ khác, làm khác để thay đổi thế giới lại không phải là những sinh viên xuất sắc; mà là những sinh viên cá biệt, hay còn gọi là sinh viên điểm C.
Vì sao sinh viên điểm C lại giỏi hơn ở trường đời?
Họ dám thử thách
Sinh viên điểm C không bám mình vào hệ thống giáo dục, họ cũng không nhất thiết tuân thủ quy định của công ty sau khi bước vào trường đời. Họ biết rằng trường lớp không phải là nơi duy nhất để học hỏi và tích luỹ kiến thức. Họ không sợ phải thử thách bản thân với những điều mới lạ. Đó là lý do vì sao các sinh viên điểm C thường là những người làm chủ, mở doanh nghiệp, thay vì đi làm thuê và nghe lệnh sếp như những sinh viên giỏi khác.
Họ không chấp nhận phục tùng
Sinh viên điểm C luôn nghĩ đến bản thân trước tiên. Họ không bao giờ đi bộ dọc con đường mà không đặt câu hỏi về sự tồn tại của những vạch kẻ đường. Thay vì để cho người khác ra lệnh, họ lựa chọn tự đặt ra lịch trình cho mình và không bao giờ đi theo con đường của người khác.
Họ không cố gắng để lấy lòng giáo viên hay sếp
Sinh viên điểm C không nỗ lực dành hết cả thời gian và năng lượng để gây ấn tượng với giáo viên hay cấp trên. Khi còn đi học, họ cũng rất yêu quý và kính trọng thầy cô giáo, nhưng họ không tôn thờ và tuân thủ mọi yêu cầu của giáo viên. Đối với họ, mọi thứ đều có quan điểm đúng – sai rõ ràng. Lời khuyên nào hữu ích thì họ sẽ thực hiện ngay; nhưng lời khuyên nào không cần thiết, họ sẽ bỏ qua.
Họ biết nghĩ lớn
Trong khi những người bạn điểm A và B đang lo lắng cho kỳ thi với những dãy số toán học khô khan thì người điểm C lại theo đuổi giấc mơ của họ. Đó có thể là một chiến lược kinh doanh tạm thời hoặc kiếm một công việc làm thêm phù hợp với chuyên ngành sau này. Họ không đợi cho đến khi tốt nghiệp mới bắt đầu nghĩ lớn.
Họ tự định nghĩa thành công
Nếu như các sinh viên điểm A và B định nghĩa thành công là bảng điểm đẹp với những con số tròn trĩnh, thì sinh viên điểm C lại cho rằng trải nghiệm mới là yếu tố quyết định thành công. Họ biết mình là ai và tiêu chuẩn thành công của mình là gì. Họ không chạy theo đám đông và cũng không quan tâm xem người khác định nghĩa thế nào về thành công. Người điểm C tự vạch ra con đường đi đến thành công cho chính mình.
Họ biết tận dụng khả năng của người khác
Trong khi các sinh viên điểm A và B luôn cố gắng tự làm mọi thứ một mình thì sinh viên điểm C lại xây dựng một đội ngũ nhân tài xung quanh mình. Những người này có thể bổ sung điểm yếu cho họ và giúp họ bất cứ lúc nào. Người điểm C đã quen với việc mình không phải là kẻ xuất chúng, vì thế họ cũng chẳng ngần ngại khi phải thừa nhận mình không biết điều gì đó.
Họ thích tự nghiên cứu
Sinh viên điểm C thường thích tự tìm tòi và nghiên cứu. Họ muốn tự đưa ra suy nghĩ cho riêng mình thay vì nghe theo ý kiến của người khác. Họ không cố gắng ép buộc bản thân phải giỏi trong tất cả các lĩnh vực, họ lựa chọn theo đuổi đam mê.
Họ không cầu toàn
“Sự hoàn thành tốt hơn hoàn hảo”. Đây là triết lý sống của những người điểm C. Với họ, tập trung vào kết quả quan trọng hơn tìm mọi cách để loại bỏ những thứ “râu ria” xung quanh. Họ biết rằng cầu toàn sẽ dẫn đến sự trì hoãn. Họ thích học hỏi và bước qua sai lầm để trưởng thành, chứ không phải đứng im một chỗ để không bao giờ mắc sai lầm.
Họ không lãng phí năng lượng một cách vô ích
Sinh viên điểm C thường bị coi là những kẻ lười biếng bởi họ không muốn dành quá nhiều thời gian vào học tập những thứ vô ích. Đây cũng chính là lý do mà rất nhiều doanh nhân giỏi thường “vật lộn” ở trường học. Họ chỉ muốn tập trung vào niềm đam mê và mục tiêu chính của mình, vì thế họ cũng thường tìm ra cách dễ nhất để giải quyết vấn đề cho đỡ phải suy nghĩ nhiều.
Họ có ước mơ
Trong khi các sinh viên điểm A và B lắng nghe chăm chú để hiểu bài thi nói gì thì những sinh viên điểm C thường nhìn qua cửa sổ để… ngắm mây trời. Họ đặt ra những vấn đề lớn và ước mơ lớn trong đầu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi về nhà, họ cũng không dành thời gian để làm bài tập mà sẽ tập trung nghĩ đến ước mơ và lập kế hoạch để thực hiện ước mơ đó.