Nghịch lý doanh nghiệp vừa muốn gửi tiền với lãi suất cao, lại vừa muốn vay vốn giá rẻ

TS. Ngô Ngọc Quang

Chuyên gia hoạch định tài chính, Đại học Ngoại Thương
8 bài viết

  • Áp lực của các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cũng sẽ có thể khiến lãi suất điều hành trong nước nhích nhẹ lên trong đầu năm nay. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn sẽ cố gắng ổn định tình hình trong nước.

    Tại: Lãi suất sẽ xuống vùng 8%/năm trong quý 1/2023?

  • Lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua chủ yếu là do 2 yếu tố: 1) Sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch và 2) Những tác động của lạm phát.

    Tại: Vì sao các ngân hàng mải miết tăng lãi suất huy động?

Lãi suất tiết kiệm tăng cao, doanh nghiệp ùn ùn gửi tiết kiệm

Theo tổng hợp mới đây của BVSC, lãi suất huy động (LSHĐ) trung bình trong tháng 1/2023 tiếp tục tăng nhẹ so với hồi cuối năm 2022.

Cụ thể, lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng trung bình ở mức 8,49%, tăng 268 điểm cơ bản so với cùng kỳ.

Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động trung bình ở mức 7,92%, tăng 292 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước.

Mức LSHĐ hiện tại đã thiết lập một mặt bằng cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Trên thực tế, cuộc đua lãi suất đã bắt đầu từ hồi tháng 3/2022, từ sau khi FED có động thái tăng lãi suất lần đầu tiên. Các ngân hàng sau đó đã nhanh chóng tăng tốc và đỉnh điểm đã từng có lúc lãi suất huy động tiền gửi lên đến 12-14%năm.

Cuộc đua lãi suất không chỉ thu hút lượng lớn tiền gửi ở khối dân cư mà cả ở các doanh nghiệp. Tại thời điểm cuối tháng 11/2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 5.809 nghìn tỷ đồng, trong khi con số này ở các hộ gia đình là 5.745 nghìn tỷ. Như vậy số tiền gửi của doanh nghiệp vào ngân hàng lấy lãi còn cao hơn so với của dân cư.

Nghịch lý doanh nghiệp vừa muốn gửi tiền với lãi suất cao, lại vừa muốn vay vốn giá rẻ - Ảnh 1.

Lãi suất cho vay nhích lên, doanh nghiệp lại than vãn

Không ít doanh nghiệp đã chọn lãi suất tăng là một trong những lý do để lý giải cho việc lợi nhuận kinh doanh năm 2022 bị sa sút.

Chẳng hạn năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di Động đạt 4.102 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2021. Công ty giải trình, lãi suất tăng dẫn đến chi phí tài chính tăng mạnh trong năm 2022 là một trong những lý do làm giảm hiệu quả hoạt động.

CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (UPCOM: AGF) thì báo lỗ 7,3 tỷ đồng, với nguyên nhân chính do dịch bệnh tại Trung Quốc nên nhu cầu xuất khẩu bị suy giảm, điều này làm cho doanh thu xuất khẩu và gia công hàng Fillet đông lạnh của công ty bị suy giảm nghiêm trọng. Các nhà máy sản xuất không đủ công suất thiết kế nên giá vốn tăng, cộng thêm tác động của việc tăng lãi suất tiền vay làm cho chi phí tài chính tăng….

Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, được tổ chức tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước ngày 08/02 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Hưng Thịnh cũng nói rằng, lãi suất hiện nay đang ở mức rất cao. Điều này đã khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài đã tạm dừng các hoạt động đầu tư và có tâm thế chờ đợi. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao cũng ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm được đưa ra thị trường. Vì thế tập đoàn đề xuất NHNN và các ngân hàng thương mại nghiên cứu về lãi suất để có một mức phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền cho người dân.

Đại diện của SunGroup tại hội nghị cũng cho biết, hiện nay có một số doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng phải đi vay vốn với lãi suất lên đến 14-17%/năm. Điều này dẫn đến các đơn vị này không có hiệu quả hoạt động.

Trước nhiều ý kiến đề xuất giảm lãi suất, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị ngày 8/2 đã phải nói rằng, Ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên các doanh nghiệp bất động sản cần thấu hiểu hơn, có góc nhìn công bằng hơn với ngành ngân hàng. Bà cũng nói thẳng, khi doanh nghiệp gửi tiền thì muốn lãi suất cao trong khi đi vay muốn lãi suất thấp.

Chuyên gia nói gì?

Theo chuyên gia hoạch định tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, TS.Ngô Ngọc Quang, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng lượng tiền gửi của doanh nghiệp nhiều hơn so với lượng tiền gửi của dân cư trong năm qua.

Thứ nhất, năm 2022, vì có nhiều biến động về kinh tế vĩ mô và lãi suất, nhiều doanh nghiệp kinh doanh có thặng dư tiền mặt đã có tâm lý thận trọng hơn với việc tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Không ít đơn vị đã chọn gửi tiền vào ngân hàng để chờ đợi cơ hội.

Ngoài ra, lãi suất huy động tăng cao cũng là một trong những động lực khiến cho các doanh nghiệp muốn tối ưu lợi nhuận của mình thông qua tiền gửi tiết kiệm.

Về việc doanh nghiệp muốn gửi tiền với lãi suất cao nhưng lại muốn đi vay với lãi suất thấp, chuyên gia cho rằng đây là một trong những nguyên lý kinh tế bình thường.

“Về mặt nguyên tắc, dòng tiền sẽ tìm đến nơi lãi suất cao để đầu tư. Với hoạt động vay vốn, các nguồn vốn giá rẻ sẽ luôn được người đi vay ưu tiên”, ông Quang nhận định.

Tuy nhiên, xem xét trong bức tranh vĩ mô, tăng trưởng kinh tế phải có hài hòa với khống chế lạm phát. Năm vừa qua, “bão giá” trên toàn cầu đã có nhiều chuyển biến phức tạp. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng năm 2022 cũng đã lên đến hơn 14%, mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, nhà điều hành đã có nhiều biện pháp bao gồm cả tăng lãi suất để phòng ngừa rủi ro lạm phát.

Chuyên gia cũng nói thêm, hệ thống ngân hàng mặc dù đang phải gặp áp lực về thanh khoản và phải huy động vốn với lãi suất cao, song các định chế tài chính này cũng đã đồng hành cùng chính phủ và doanh nghiệp trong các chương trình tái cơ cấu nợ, hỗ trợ miễn giảm lãi suất.

“Việc các doanh nghiệp mong muốn vay vốn giá rẻ là không sai. Tuy nhiên, mọi việc phải được xem xét trong một bối cảnh kinh tế phù hợp”, ông Quang đánh giá.

Văn Tuệ

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới