Nghịch lý đằng sau đà tăng giá phi mã của đồng tiền số ripple

Những ngày cuối năm 2017, ripple đã trỗi dậy mạnh mẽ để vượt qua ethereum trở thành đồng tiền số lớn thứ hai thế giới. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đà tăng này là thông tin công ty đứng đằng sau nó đang làm việc với các định chế tài chính lớn về việc sử dụng đồng ripple trong thanh toán, mang đến cho đồng tiền này tính chính thống và gần gũi với thực tiễn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực tiền số lại cho rằng đó là một biểu hiện của tập trung hóa (centralization) – điều trái ngược hoàn toàn với thứ mà các đồng tiền kỹ thuật số đang hướng đến.

Theo Erik Voorhees, CEO của sàn giao dịch tài sản số ShapeShift và cũng là 1 tiếng nói có trọng lượng ủng hộ bitcoin như 1 phương tiện để tách bạch hệ thống tiền tệ với các Chính phủ, “lý do khiến ripple tăng giá quá mạnh như vậy đơn giản chỉ là nó là 1 quả bong bóng”. “Thử nghiệm với các ngân hàng chẳng có nghĩa lý gì. Ý tưởng của tiền số là bạn chẳng cần đến ngân hàng nào cả”.

“Đó không phải là 1 thông tin thú vị nếu xét theo khía cạnh cải tiến hệ thống tài chính”, Voorhees nói.

Mới chỉ 5 năm tuổi, Ripple – startup có trụ sở đặt tại San Francisco – thực sự đang phát triển một hệ thống thanh toán cho các định chế tài chính, và XRP là tên của đồng tiền mà những người tham gia hệ thống này có thể sử dụng để giao dịch. Hồi tháng 10 năm ngoái, Ripple tuyên bố hơn 100 định chế đang sử dụng mạng lưới của nó theo một vài cách. Hãng kể ra một vài cái tên như Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Mizhuho, Credit Agricole và SEB, 1 ngân hàng ở Bắc Âu.

Đến tháng 11, Ripple tiếp tục thông báo hai ngân hàng American Express và Santander sẽ sử dụng mạng lưới của hãng để thực hiện các giao dịch thanh toán xuyên biên giới giữa Mỹ và Anh. Trong khi đó tờ Nekkei đưa tin một vài ngân hàng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm hệ thống của Ripple. Nếu mọi chuyện thuận lợi, cuối cùng các ngân hàng này sẽ sử dụng XRP.

Theo Michael Graham, chuyên gia phân tích tại Canaccord Genuity, người đã nghiên cứu sâu về các cổ phiếu internet từ cuối những năm 1990, nhận xét công dụng của đồng XRP khá rõ ràng và đó là điều tạo nên sự khác biệt lớn so với các đồng tiền số khác.

Khi được hỏi công ty nào đang sử dụng XRP, một đại diện của Ripple nhắc đến thông báo hồi tháng 10 rằng 1 ngân hàng có tên là Cuallix đã trở thành định chế tài chính đầu tiên sử dụng XRP và trong trường hợp này là thực hiện các giao dịch giữa hai đầu Mỹ và Mexico. Không có cái tên nào khác được kể ra. Cuallix đặt các văn phòng chính ở Mexico, Mỹ và Hồng Kông, theo thông tin trên website của ngân hàng.

Bitcoin – đồng tiền số lớn nhất thế giới xét theo giá trị vốn hóa – đã tăng giá hơn 1.500% trong 12 tháng qua và tăng 25% kể từ đầu năm 2018. Trong khi đó ripple tăng 35.000% trong năm ngoái và gần 67% kể từ đầu năm đến nay, lên mức cao nhất mọi thời đại 3,84 USD hôm thứ 5 trước khi giảm sâu về mức gần 3 USD vì sàn Coinbase thông báo chưa thêm XRP vào danh sách có thể giao dịch.

Dan Ciotoli, kỹ sư phần mềm và là chuyên gia blockchain tại Bespoke Invest, cho rằng rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ nghĩ rằng bằng cách đầu tư vào XRP họ sẽ có thể sở hữu một phần Ripple, nhưng sự thật không phải như vậy vì các đồng XRP chẳng phải là cổ phiếu. Chuyên gia này còn dự đoán XRP sẽ không được các ngân hàng sử dụng.

Xuất hiện trong chương trình “Squawk Alley” của CNBC hôm 27/12, CEO Brad Garlinghouse của Ripple đã nói rằng “một trong những điều mà chúng ta luôn phải ghi nhớ là giá trị của 1 token trong dài hạn sẽ được quyết định bởi công dụng của nó”.

Cho đến nay thì XRP vẫn chưa chạm đến cột mốc thực sự được sử dụng phổ biến trong đời thực. Và đó cũng là thực trạng chung của thế giới tiền số, kể cả bitcoin.

Ripple – Đồng tiền số không những tăng trưởng gấp 5 lần bitcoin mà còn là startup fintech có tiềm năng đe dọa ngành ngân hàng toàn cầu

Bài viết mới