Nghị định quản lý phân bón: Còn bóng dáng nhiều giấy phép con

Sau nhiều lần lấy ý kiến doanh nghiệp và sửa chữa bổ sung Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón thì mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2017 NĐ-CP ngày 20/9/2017 thay thế Nghị định 202 về quản lý phân bón cùng các văn bản kèm theo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nghị định này cũng còn những quy định gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong xu thế hội nhập với thế giới, quốc gia khởi nghiệp và các thành phần kinh tế khởi nghiệp, Chính phủ đã tạo ra nhiều cơ chế chính sách cởi mở, thông thoáng cụ thể là bãi bỏ nhiều giấy phép con.

Tuy nhiên, Nghị định 108/2017 NĐ-CP, theo phản ánh của một số chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, lại có bóng dáng của nhiều giấy phép con.

Lấy ví dụ, một công ty nhập khẩu sản phẩm phân bón từ Mỹ về Việt Nam phải thực hiện các bước, gồm: 1. Xin giấy phép nhập khẩu phân bón về khảo nghiệm; 2. Hợp đồng khảo nghiệm; 3. Hội đồng xét duyệt đề cương khảo nghiệm của Cục Bảo vệ Thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép thực hiện; 4. Sau 2 năm có kết quả khảo nghiệm phải gửi kết quả khảo nghiệm đến Cục Bảo vệ Thực vật để thành lập Hội đồng xét duyệt kết quả; 5. Sau khi được Hội đồng xét duyệt, công ty làm đơn xin Cục Bảo vệ Thực vật các sản phẩm đó được phép lưu hành tại Việt Nam; 6. Sau khi sản phẩm được phép lưu hành ở Việt Nam, công ty nhập khẩu về phải xin đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước; 7. Sau khi sản phẩm được kiểm tra nhà nước, công ty phải thuê một đơn vị chứng nhận hợp quy; 8. Sau khi sản phẩm được chứng nhận hợp quy, công ty lại đưa hồ sơ đó lên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin công bố hợp quy.

Một công ty hàng đầu về phân bón ở Mỹ có văn phòng tại Tp.HCM đã cho biết, họ muốn nhập khẩu 6 sản phẩm phân bón từ Mỹ về thị trường Việt Nam thì phải qua 8 bước trên, riêng chi phí khảo nghiệm 6 loại phân bón theo quy định trong Nghị định 108 thì đã phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để thuê các đơn vị khảo nghiệm trong thời gian 2 năm. Ngoài ra còn nhiều chi phí khác không thể liệt kê ra được.

Nhìn ra các nước trong khu vực, có thể thấy Thái Lan, quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, có hẳn luật về quản lý sản xuất sản phẩm phân bón: “Luật Phân bón (Số 2) B.E. 2550”.

Luật này quy định: doanh nghiệp đăng ký giấy phép kinh doanh (1 tuần làm việc); doanh nghiệp đăng ký mã số thuế (1 tuần làm việc); đăng ký môi trường nơi sản xuất (2 tháng). Trước khi sản xuất, doanh nghiệp chỉ cần đưa mẫu phân muốn sản xuất nộp lên Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan để được cấp giấy sản xuất, hàm lượng và thiết kế bao bì phải giống với tên gọi và nội dung đăng ký trước đó. Nếu thay đổi mẫu bao hay tên gọi sản phẩm thì đăng ký lại (thời gian khoảng 6 tháng).

Khi nhận giấy phép chứng nhận được phép kinh doanh sản phẩm, doanh nghiệp phải bỏ chi phí đăng ký một công thức khoảng 500 USD (hơn 10 triệu đồng); về nhập khẩu sản phẩm: doanh nghiệp đăng ký giấy phép kinh doanh (công ty Thái Lan khoảng 1 tuần, nước ngoài từ 1 đến 3 tháng). Doanh nghiệp nộp 5 kg phân mẫu dự định nhập về để tiến hành kiểm tra cấp chứng nhận nhập khẩu. Trong hồ sơ đăng ký phải đăng ký rõ tên sản phẩm, hàm lượng từng chất dinh dưỡng, bao bì, màu sắc hạt, kích cỡ hạt, độ ẩm, tên và địa chỉ nhà máy sản xuất, mô tả quy trình sản xuất, đánh giá các tác động môi trường của sản phẩm. Sau khi kiểm tra các yếu tố sản phẩm hợp lệ sẽ được cấp giấy chấp thuận nhập khẩu (thời gian cả quá trình khoảng 6 tháng, các sản phẩm cho cây lúa có thể lên đến 1 năm).

Sau khi có giấy đồng ý nhập khẩu doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận kinh doanh sản phẩm. Mỗi lần nhập khẩu hải quan sẽ căn cứ vào giấy đăng ký để tiến hành kiểm tra. Riêng đối với phân trộn NPK thì không cần phải khảo nghiệm mà doanh nghiệp chỉ cần kê khai tiêu chuẩn và gửi mẫu đi phân tích, nếu đúng, đủ như mẫu phân tích là được cấp phép lưu hành.

Tuy nhiên, các sai phạm về quản lý phân bón ở Thái Lan đều bị xử lý rất nghiêm, nếu vi phạm có thể bị xử lý hình sự và án phạt tù đối với người vi phạm. Các quy định về phí và mức phí được quy định rõ ràng, thông thường khoảng 1.000 USD/sản phẩm đăng ký.

Trong khi đó, Malaysia rất thoáng về tiêu chuẩn, thời gian khảo nghiệm đối với phân hữu cơ cũng chỉ mất 6 tháng, thủ tục giấy tờ cũng rất đơn giản. Nhưng mỗi lần bán hàng cho khách hàng họ đều tự lấy mẫu gửi đến trung tâm kiểm định chất lượng, nếu hàm lượng thiếu, không đúng theo hợp đồng họ sẽ kiện bắt đền bù và có khả năng phá sản doanh nghiệp nếu kinh doanh không đúng với công bố chất lượng. Tại Indonesia, các thủ tục cũng gần giống như ở Thái Lan, nhưng chỉ có thêm điều khoản đăng ký 1 sản phẩm mới phải nộp cho nhà nước phí khoảng 30.000 USD…

Bắt giữ 50 tấn phân bón không rõ nguồn gốc ở vùng biển Tây Nam

Bài viết mới