Chiều 19/9, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (trước là Hãng Phim truyện Việt Nam) tổ chức cuộc họp trả lời những bức xúc của các nghệ sĩ về tình hình hãng sau khi cổ phần hóa. Chủ trì cuộc họp là ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Vận tải Thủy (VIVASO) – đơn vị đã mua lại Hãng phim truyện Việt Nam.
Hình ảnh xập xệ, tồi tàn của Hãng phim truyện Việt Nam.
Buổi đối thoại diễn ra trong không khí căng thẳng và biến thành cuộc cãi vãi khi ông Nguyên và các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam liên tục phản bác ý kiến của nhau. Sau nhiều giờ đồng hồ, cả hai bên vẫn chưa thống nhất được quan điểm và cách làm việc.
Trả lời câu hỏi về định hướng phát triển công ty sau cổ phần hoá, ông Nguyên cho biết : “Về đầu ra thì phải đi tìm nhà đặt hàng kể cả ở các tỉnh, huyện, xã, cho đến các tập đoàn, công ty để làm phim. Kể cả viết kịch bản thuê, làm phim truyền thống, phim về dòng họ, làm chân dung nhân vật… Về thị trường, xem cái gì “hot” nhất bây giờ thì đầu tư. Sẽ mời những đạo diễn, diễn viên nổi tiếng của Pháp, Hollywood về để giao lưu, quảng bá. Không làm phim mấy chục tỷ thì làm phim bé cũng được để đảm bảo cuộc sống”. Ông cũng khẳng định đã có kế hoạch dài hơi về hạ tầng, xây các rạp chiếu, làm phim thị trường về các chủ đề được khán giả quan tâm.
Không khí căng thẳng của buổi đối thoại.
Trước băn khoăn về việc phải chăng VIVASO mua lại đơn vị với giá rẻ không phải để làm phim mà thực hiện các mục đích kinh doanh khác, ông Nguyên khẳng định: “Chúng tôi kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, điện ảnh chỉ là một phần. Hôm nay điện ảnh có thể ăn khách và trở thành chiến lược, ngày mai có thể chỉ là ngành phụ. Nếu làm phim mà lãi tiền tỷ thì ai cũng làm, bây giờ cạnh tranh rất là khó. Các rạp chiếu phim hiện tại thì toàn chiếu phim nước ngoài. Mà chúng ta mạnh về phim chiến tranh nhưng giờ có ai đóng đâu, mà đóng có ít người xem”.
Ông Nguyên cũng đưa ra dẫn chứng năm 2015 hãng lỗ hơn 7 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 11 tỷ, nửa năm đầu 2017 lỗ 4,7 tỷ. Phim Sống cùng lịch sử (2014) kinh phí lên tới 21 tỷ nhưng vô cùng ế ẩm.
Ông Nguyên khẳng định VIVASO kinh doanh nhiều lĩnh vực, điện ảnh chỉ là một phần.
Ông Nguyên thừa nhận VIVASO là công ty đường thủy, không có kinh nghiệm làm phim: “Chúng tôi vẫn chưa có giám đốc, cần một lãnh đạo biết nghề, có kiến thức để phát triển. Chúng tôi mới tiếp quản có hai tháng nên chưa có định hướng lẫn lộ trình phát triển rõ ràng”.
Trả lời câu hỏi của các nghệ sĩ về việc chậm lương, trả lương thấp, ông Nguyên nêu nguyên tắc của công ty là “có làm mới hưởng”. Đồng thời “Không phải một mình tôi mà là cả tập thể, các đạo diễn, diễn viên cùng kiếm việc để làm. Trả lương thấp tôi cũng đau xót chứ. Cái đó tôi rất trăn trở nhưng chúng ta phải đoàn kết mà làm. Chứ các nghệ sĩ không thể suốt ngày kêu cứu, như chạy xuống ao đến nơi rồi được”.
Nhiều ý kiến cho rằng việc định giá hãng phim 19 tỷ đồng là quá thấp, chưa tính đến giá trị thương hiệu và nhiều diện tích đất vàng của đơn vị. Ông Nguyên cho biết các mảnh đất của hãng phim là đất thuê của nhà nước và hãng thậm chí còn nợ 21 tỷ đồng. Việc định giá hãng phim là “làm theo luật và có sự giám sát của Chính phủ”. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao thấy vô vàn những khó khăn bất cập của Hãng phim truyện Việt Nam mà VIVASO vẫn nhảy vào, ông chỉ trả lời vắn tắt: “Chuyện chúng tôi mua là có kế hoạch chiến lược, đây là bí mật kinh doanh của công ty”.
NSND, đạo diễn Thanh Vân bỏ ra ngoài khi buổi đối thoại chưa kết thúc. Với vẻ chán nản, ông cho biết những câu chuyện ngày hôm nay, chuyện cánh cửa, kho đạo cụ, chuyện chậm lương, lương thấp… chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tất cả các câu hỏi quan trọng của các nghệ sĩ như lộ trình phát triển Hãng phim, việc cho thuê mặt bằng bán chân gà, cà phê…đều được ông Nguyên trả lời rất vòng vo. “Mục đích ban đầu của công ty đường thuỷ này là gì? Có theo điện ảnh hay không? Những sai phạm trắng trợn như vậy trong 2 tháng qua thì làm sao tôi tin được vào những câu trả lời của ông Nguyên”.
Đạo diễn Thanh Vân: “Việc tìm kiếm cổ đông chiến lược mua cổ phần là sự minh bạch một cách dối trá”.
Đạo diễn Thanh Vân cũng bức xúc khi chỉ ra việc tìm kiếm cổ đông chiến lược mua cổ phần của Ban lãnh đạo công ty là “minh bạch một cách dối trá” khi “thông báo chỉ được đăng trên một tờ báo địa phương, in cỡ chữ nhỏ và chỉ được đăng trong khoảng chục ngày”./.