LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Phạm Thị Hoa công tác tại Sacombank hội sở gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
——————-
Nếu dùng 10 năm để nói về một mối quan hệ, chắc chắn ai cũng nghĩ nó tương đối dài. Vậy 10 năm cho một công việc, cùng 1 Ngân hàng có được cho là gắn bó, tình cảm? Câu trả lời có hay không thì tôi cũng đã gắn bó với nó 10 năm. 10 năm đó được cất giấu như một bộ phim của kí ức, có ngot ngào, có vui có buồn, có vinh quang nhưng cũng đầy thách thức… chỉ cần ai chạm nút “play” là nó được trình chiếu từng tập, từng tập một.
Với ngần ấy năm tháng, từng làm nhiều công việc khác nhau, chứng kiến nhiều sự thay đổi, giờ tôi cũng có thể kể cho bạn, những người chưa hoặc đã từng làm ngân hàng hay đang có ý định tìm hiểu về nó, biết thêm “tiếng nói” của nghề. Yêu hay ghét, vinh quang hay tủi nhục, không ai ngoài bạn tự cảm nhận và quyết định.
Ngân hàng là phải cạnh tranh để tồn tại?
Công việc của người phát triển sản phẩm như chúng tôi là phải cho ra đời được những sản phẩm cạnh tranh với thị trường, phải có những chính sách kích thích tiêu dùng, phải đảm bảo sản phẩm hoạt động tốt và doanh thu theo quy định.
Vậy bạn đã hiểu gì về đối thủ của mình? Họ đang có gì và làm gì với nó? Phản ứng của thị trường dành cho sản phẩm của họ như thế nào? Phải làm gì để sản phẩm của mình cạnh tranh được trên thị trường…? Đó là hàng loạt các câu hỏi được đặt ra, buộc chúng tôi phải trả lời bằng được mỗi khi chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho một dự án mới hay một sản phẩm mới ra đời.
Áp lực ngày càng nặng nhưng muốn duy trì được vị trí công việc hiện tại, chúng tôi hàng ngày đều phải trả lời được những câu hỏi như vậy. Cạnh tranh và cạnh tranh, phải đem được đứa con tinh thần tốt đẹp nhất của mình chiến đấu lại với thị trường nhưng vẫn phải đảm bảo ngân sách trong khả năng mình có.
Xem thêm tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Những ngày vùi đầu với những phân tích, báo cáo, số liệu, thống kê…đến quên ăn quên ngủ xảy ra như cơm bữa, đặc biệt là áp lực sắp đến hạn phải đưa ra thị trường sản phẩm của mình khiến chúng tôi đầu óc giống như trên mây nhưng tay chân vẫn không ngừng phải làm việc. Bao vất vả khổ cực của nghề chưa phải ai cũng hiểu, khác hẳn với câu nói đầy ganh tị của người khác khi biết bạn đang làm Ngân hàng: “làm Ngân hàng sướng nhỉ, tiền để đâu cho hết”.
Vừa cạnh tranh vừa phải quan tâm và hiểu tâm lý Khách hàng của mình. Khách hàng thì ngày một thông minh, luôn biết so sánh và lựa chọn cho mình sản phẩm tốt nhất. Vì thế một sản phẩm ra đời ngoài đáp ứng nhu cầu đa dạng của Khách hàng còn phải đáp ứng được sự phát triển của xã hội, phát triển của công nghệ số. Cạnh tranh càng gay gắt hơn khi Ngân hàng nào cũng muốn nắm giữ được nhiều nhất Khách hàng với những sản phẩm chuyên biệt, công nghệ, độc đáo, tiện ích… Và chúng tôi luôn đau đầu để suy nghĩ: làm sao tiên phong hay chỉ chạy theo?
Bên cạnh đó phải tính đến việc tăng doanh số từ các sản phẩm đã ban hành. Các chương trình khuyến mại nào là phù hợp, hấp dẫn với Khách hàng? Không còn khuyến mại Khách hàng còn ở lại với ta? Thế mới thấy việc tìm kiến Khách hàng mới là quan trọng nhưng quan tâm chăm sóc, giữ chân Khách hàng hiện hữu cũng là vấn đề…
Nếu bạn chọn Ngân hàng, mỗi ngày đều phải trả lời các câu hỏi như vậy, ngày qua ngày không ngừng nghỉ nếu như không muốn bị tự đào thải hay nhân lúc ta nghỉ ngơi thị trường đã vượt ta từ lúc nào không hay biết. Ngân hàng đó, bạn dám thử không?
Ngân hàng là có rủi ro?
Nhiều người cho người khác thấy rằng làm Ngân hàng là phải nhiều tiền lắm. Có ai biết những người không tự kiếm tiền bằng công sức chính đáng, tự nhiên giàu lên bất ngờ do đi đường tắt, ham lợi trước mắt…đều có kết cục như nhau.
Chứng kiến hàng loạt các Ngân hàng lớn nhỏ, với những cái tên tuổi ai cũng biết đến và những món tiền khổng lồ mà ai nghe cũng sợ, lần lượt được công bố bắt giữ khiến ai cũng bất ngờ. Nhiều người đặt câu hỏi làm Ngân hàng nhiều tiền nhưng sao rủi ro vậy? Dạ thưa, rủi ro là có nhưng nếu nói về các vụ việc gần đây thì không hẳn là rủi ro của nghề mà còn là do sự lựa chọn của mỗi người. Có câu nói: “làm người lương thiện khó hơn thông minh nhiều, thông minh là một loại tài năng thiên phú, còn lương thiện lại là một sự lựa chọn”. Ai vượt qua được cám dỗ khắc sẽ thấy rủi ro là do mình tạo ra hay không!
Vậy là vừa phải đối mặt với rủi ro của sự cám dỗ, Ngân hàng cũng chịu áp lực rủi ro của các yếu tố bên ngoài, do kẻ xấu tạo ra. Hàng loạt các vụ chiếm đoạt tiền từ tài khoản thẻ như đánh cắp thông tin chủ thẻ, sử dụng thẻ giả để rút tiền tại ATM và đến những vụ bị lấy tiền hàng trăm triệu trong tài khoản mà không hay biết. Điều này khiến Khách hàng ngày càng lo lắng an toàn cho tiền của mình và vô tình hay cố ý đều đẩy trách nhiệm lên nhân viên Ngân hàng. Các cuộc gọi vào Ngân hàng bày tỏ lo lắng băn khoăn ngày càng nhiều. Nhân viên tổng đài ngoài áp lực với cuộc gọi tăng, còn phải biết làm sao trấn an Khách hàng, thuyết phục Khách hàng tin vào chính sách bảo mật của Ngân hàng. Các gaiir pháp bảo mật được đưa ra để bảo vệ Khách hàng cũng chính là bảo vệ Ngân hàng. Và sự thật là sức mạnh của tập thể và của cái thiện luôn chiến thắng. Ngân hàng đó, áp lực đó, mỗi ngày đều có, bạn dám làm hay không?
Ngân hàng là sáp nhập, là cải cách?
Kinh doanh Ngân hàng luôn là món ăn béo bở mà ai cũng muốn dành phần này cho mình, thế là các Ngân hàng cứ mọc lên như nấm sau mưa. Đã đến lúc phải làm cái gì đó và tiến trình tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng được đưa ra và giải pháp sáp nhập các Ngân hàng là lựạ chọn hữu hiệu. Ngân hàng chúng tôi nằm trong số các Ngân hàng sáp nhập đó.
Và thế là các bữa tiệc farewell nhiều hơn welcome. Nhiều người lựa chọn chuyển Ngân hàng khác theo lãnh đạo, nhiều người chọn nghỉ hẳn, đổi nghề. Mỗi ngày lại có nhiều thông tin khác nhau, tin người đi người nghỉ cứ ngày một nhiều …Chứng kiến sự thay đổi lớn về mặt nhân sự đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người còn lại. Chúng tôi cũng chỉ còn biết tự an ủi và động viên lẫn nhau: “rồi mọi thứ sẽ ổn thôi”.
Việc thay đổi bộ máy nhân sự lãnh đạo kéo theo thay đổi hàng loạt các vấn đề từ thói quen đến quy định, chính sách… buộc mọi người phải điều chỉnh, tìm hiểu, học tập để cùng thích ứng. Vấn đề cần quan tâm hơn nữa là bù đắp nhân sự thiếu hụt. Công việc vẫn phải làm mà nhân sự lại không đủ, vậy là những buổi tiệc welcome người mới ngày càng nhiều. Thử thách lại đến không chỉ cho người mới mà cả người cũ bởi cũng từng ấy công việc nhưng chỉ có phân nửa nhân sự làm. Vạn sự khởi đầu nan. Lại phải bắt đầu lại từ đầu, đào tạo và thử thách. Ngân hàng đó, mỗi ngày đều có biến động, bạn dám thử thách hay không?
Ngân hàng là gắn liền với KPI?
KPI – Key Performance Indicators, là một hệ thống công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả công việc được thể hiện qua số liệu, tỷ lệ, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ánh hiệu quả hoạt động của các tổ chức hoặc bộ phận chức năng hay cá nhân. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng chỉ số này để làm mục tiêu đánh giá theo quý thậm chí theo tháng. Đã là nhân viên Ngân hàng thì càng không tránh khỏi việc thực hiện theo quy định này.
Vậy là công việc phải tính toán từng ngày từng tháng, nhằm đạt KPI. Đang chay KPI tháng này lại phải lo KPI tháng sau, quý sau rồi lo cả năm đạt hay không. Đối với một nhân viên kinh doanh thẻ tín dụng Ngân hàng, việc chạy KPI là rõ nét nhất. Nó thể hiện trên từng chiếc thẻ mà chúng tôi bán được. Việc liên hệ được Khách hàng, đặt được lịch hẹn đã là thành công một nửa, hề hấn chi việc trời nắng hay mưa, điểm hẹn xa hay gần, thâm chí trong giờ hành chính hay cả tối muộn cũng không sao. Tưởng đã hẹn gặp được Khách hàng, đã nhận hồ sơ đầy đủ rồi là có thể thở phào nhẹ nhõm nhưng không phải, trông gai vẫn còn đó. Có những lần chúng tôi nhận về rất nhiều hồ sơ Khách hàng, tưởng đã đủ KPI cho cả tháng nhưng không ngờ, hồ sơ bị từ chối quá phân nửa với rất nhiều lý do mà chỉ có sau khi thẩm định mới biết được như nợ xấu, nhiều khoản vay… Vậy là lại phải cày, cày tiếp, lại lên kế hoạch cho các lịch hẹn và các cuộc gặp gỡ…Ngân hàng đó, phải không ngừng tìm cách đạt được mục tiêu theo quy định, bạn đã sẵn sàng “chiến” chưa?
Tạm kết cho một câu chuyện
Còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện tôi chưa thể liệt kê hết được nhưng tôi chắc chắn với bạn một điều dù bạn đang làm nghề gì, vị trí nào thì thách thức đều có nhưng đi qua cay đắng luôn là ngọt bùi đang đợi. Chỉ cần bạn yêu và muốn sống hết mình với nó, hạnh phúc luôn chờ bạn ở cuối con đường.
Nghề Ngân hàng cũng vậy, cạnh tranh, rủi ro, thách thức là như thế… nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục cống hiến với nghề, bởi quen lắm những bận bịu lo toan, những áp lực chồng chất thử thách bản thân để đến khi một ai đó nghỉ việc mới thấy: “làm chỗ khác nhàn quá, em không quen được!”
Kết quả của những thách thức trên là những vinh danh, khen ngợi, phần thưởng… sau mỗi dự án, mỗi quý vượt KPI đến những bữa tiệc chúc mừng thành công của cả Ngân hàng sau mỗi năm do các tổ chức công nhận … là những phần thưởng vô giá mà chúng tôi nhận được. Mỗi lúc như vậy thì bao vất vả cực nhọc đều tan biến hết. Hạnh phúc và tự hào biết mấy khi bản thân mỗi người là một phần góp lên thành công của cả một tập thể.
Ngân hàng đó, nghề của chúng tôi, sau mỗi thử thách là vinh quang đang chờ đợi.