LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả N.T.T.B (độc giả xin phép không ghi rõ tên) đang công tác tại Ngân hàng PGBank gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
———————-
“Vinh quang” là một khái niệm trừu tượng, tùy theo cách nhìn nhận và suy nghĩ của mỗi người mà “vinh quang” có những hình thái khác nhau. “Vinh quang” có luôn nhất thiết phải được đánh giá dựa trên tiền tài, danh vọng? Mỗi nghề, mỗi nghiệp đều có cái “vinh quang” riêng của nó. Những ai đã và đang làm việc trong ngành tài chính ngân hàng đều hiểu để đạt đỉnh “vinh quang” sẽ phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt.
Khi nhắc đến hình ảnh nhân viên ngân hàng, ắt hẳn mọi người sẽ liên tưởng đến hình ảnh những nam thanh, nữ tú chỉn chu trong bộ trang phục công sở lịch thiệp, sang trọng, nơi làm việc là những tòa nhà cao tầng, điều hòa mát lạnh, lương thưởng thì cao ngất. Tôi cũng như bao người khác, khi ngồi trên ghế nhà trường, luôn mơ ước được một lần bước chân vào ngân hàng. Nhưng khi ước mơ thành sự thật thì mới vỡ lẽ: đằng sau hình ảnh hào nhoáng được tâng bốc quá mức là những áp lực nặng nề, những căng thẳng đè nặng tâm trí mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu.
Sau khi ra trường, tôi được nhận vào một trong những ngân hàng cổ phần hàng đầu với vị trí nhân viên Phòng Marketing. Do công việc Marketing không liên quan nhiều đến chuyên môn tài chính – ngân hàng đã được học và công việc cũng khá nhàn hạ nên tôi xin chuyển sang Phòng tín dụng cá nhân để học hỏi nhiều hơn và có cơ hội cọ xát với môi trường thực tế. Thật sự tôi đã không thể lường hết những khó khăn, vất vả mà một cán bộ tín dụng phải đối mặt, nhất là những rủi ro luôn chực chờ mà trách nhiệm của người cán bộ tín dụng là nặng nề nhất.
Xem tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Thời điểm đó, ngân hàng của tôi đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tín chấp, một mảng tín dụng đem lại lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro. Hàng ngày, tôi nhận được hàng chục bộ hồ sơ tín dụng từ đội ngũ kinh doanh chuyển sang với quy định thời gian giải quyết mỗi hồ sơ không quá 3 ngày. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải xác minh thông tin kê khai trong hồ sơ vay như: mức lương, chức vụ, thời gian công tác của khách hàng… có chính xác hay không, sau đó là công đoạn ra quyết định cho vay.
Do là một trong những ngân hàng tiên phong mở rộng cho vay tín chấp nên hồ sơ đề nghị vay vốn gửi về ngân hàng rất nhiều. Công việc đòi hỏi tốc độ xử lý phải thật nhanh để kịp deadline. Khách hàng thì đủ các thành phần, thượng vàng hạ cám. Chúng tôi phải luôn đối mặt với những rủi ro từ những hồ sơ giả mạo, gian lận. Nhiều hồ sơ giả mạo từ sao kê ngân hàng, địa chỉ cư trú, cơ quan công tác, đến cả giấy tờ tùy thân… Ngoài sức ép từ khách hàng, chúng tôi còn chịu sức ép từ bộ phận kinh doanh, sức ép từ chỉ tiêu của Ban Giám đốc về thời gian xử lý và chất lượng của các khoản vay… Công việc của phòng tôi trở nên quá tải. Cả phòng tôi phải thường xuyên làm ngoài giờ đến 8-9 giờ đêm, kể cả thứ 7 nhưng vẫn không giải quyết xuể.
Riêng tôi, thời điểm đó được phân công phụ trách bộ phận nên còn phải chịu trách thêm về công tác quản lý nhân sự trong bộ phận, phối hợp với các phòng ban để hoàn thiện chính sách tín dụng, quy trình thẩm định, tham gia các buổi hội họp dự án… nên áp lực lại càng tăng gấp nhiều lần. Có những đêm về đến nhà thì cậu con trai nhỏ đã ngủ ngon lành mà chưa kịp “good night” mẹ, những hôm bài vở ở trường không hiểu con cũng không có cơ hội được mẹ chỉ dạy, hay những ngày cuối tuần cũng không được mẹ dẫn đi chơi vì đó là ngày mẹ cần nghỉ ngơi để lấy năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo.
Những hy sinh cho công việc không thể nào tả xiết nhưng bù lại tôi được Ban Giám đốc tin tưởng, cấp dưới tôn trọng, tiếng nói của tôi trong cơ quan được trọng dụng. Tôi đã đạt được những gì hằng mong ước, vị trí cao, thu nhập tốt, được tập thể công nhận… Tôi ngỡ mình đã chạm tay vào đỉnh vinh quang của nghề ngân hàng, tôi hình dung mình còn tiến xa hơn nữa trên con đường sự nghiệp. Công việc càng nhiều thì tôi càng hăng say cống hiến, cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng, chỉ với một chữ nhưng mà mọi thứ thay đổi rất nhanh. Ngân hàng thay đổi bộ máy tổ chức, hồ sơ gian lận ngày càng tinh vi khiến cho công tác thẩm định gặp nhiều khó khăn. Nhân viên kinh doanh vì áp lực chỉ tiêu lại cố tình gây áp lực cho phòng tín dụng, kể cả lên Ban Giám đốc khi hồ sơ họ mang về bị từ chối nhiều. Những buổi giải trình, tranh cãi tại cơ quan, những xung đột trong chuyện cá nhân khiến mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi…. Tôi đã không chịu đựng được nữa….Tôi đã không vượt qua áp lực công việc, không vượt qua được chính bản thân mình … Tôi chấp nhận buông tay trong khi còn nhiều tâm huyết dang dỡ…
Giờ đây khi không còn làm ở ngân hàng cũ nữa nhưng tôi vẫn luôn nhớ lại những đắng cay của những tháng ngày làm tín dụng đã qua. Tôi luôn nghĩ giá như mình cứng rắn hơn, sáng suốt hơn thì tôi đã không đánh mất chính mình. Giá như tôi không cầu toàn, không ôm đồm công việc thì mọi thứ đã khác…Bao nhiêu chữ “giá như” đã khiến tôi có nhiều suy nghĩ sâu sắc hơn về nghề ngân hàng. Tôi ngộ ra được một điều là trên “đỉnh cao vinh quang” xin hãy coi chừng bên dưới là “vực thẳm”. Nghề ngân hàng quá nhiều rủi ro, bất trắc. Nếu không đủ bản lĩnh, bình tĩnh, sáng suốt thì khó vượt qua được những cạm bẫy, thử thách của nghề ngân hàng, nhất là trong lĩnh vực tín dụng.
Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng cảm ơn những khó khăn, thử thách của những tháng ngày làm công tác tín dụng đã giúp tôi trưởng thành và vững vàng hơn trong công việc và cuộc sống. Tôi sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách mà trước đây tôi nghĩ mình không bao giờ làm được. Tuy không còn làm việc trong lĩnh vực tín dụng nữa nhưng nhờ biến cố xảy ra mà tôi có cơ hội theo đuổi niềm đam mê khác của tôi đó là nghiên cứu và phân tích lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Tôi đưa ra những mục tiêu mới để tiếp tục phấn đấu và sẽ không bao giờ từ bỏ lĩnh vực mình yêu thích từ ngày còn ở giảng đường đại học.
Sau tất cả, tôi muốn nhắn gửi đến những ai đang và sẽ gặp những khó khăn như tôi đã từng trải qua thì đừng bao giờ cảm thấy bế tắc vì “Phía cuối đường hầm luôn là ánh sáng”, “Khi cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra”. Nghề ngân hàng luôn đầy chông gai, thử thách nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội cho những ai biết nắm bắt. Cứ đi rồi sẽ đến. Cứ làm ắt sẽ thành công. “Vinh quang” không nhất thiết phải là tiền tài, danh vọng. “Vinh quang” chính là những thành quả, giá trị mà mỗi con người cống hiến cho gia đình và xã hội. Tôi tin rằng đường đến đỉnh “vinh quang” sẽ có nhiều cách, hãy chọn cho mình con đường chân chính nhất để không bao giờ cảm thấy hổ thẹn với bản thân.