Nghệ An quy hoạch một huyện làm trung tâm tiểu vùng phía Tây Nam, phát triển du lịch sinh thái – Quản lý content

Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch hơn 173.000ha, với tính chất là trung tâm tiểu vùng phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, phát triển trung tâm dịch vụ y tế, đào tạo nghề, du lịch…

Một góc huyện Con Cuông

UBND tỉnh Nghệ An vừa có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Con Cuông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, toàn bộ diện tích thuộc ranh giới hành chính huyện Con Cuông, các phía tiếp giáp gồm: phía Bắc giáp huyện Quỳ Châu; phía Nam giáp nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào; phía Đông giáp huyện Anh Sơn và huyện Quỳ Hợp; phía Tây giáp huyện Tương Dương.

Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 173.808,39ha, gồm 13 đơn vị hành chính (thị trấn Con Cuông và các xã: Bình Chuẩn, Bồng Khê, Cam Lâm, Châu Khê, Chi Khê, Đôn Phục, Lạng Khê, Lục Dạ, Mậu Đức, Môn Sơn, Thạch Ngàn, Yên Khê).

Thời gian lập quy hoạch giai đoạn ngắn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2050.

Khu vực lập quy hoạch có tính chất là trung tâm tiểu vùng phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, phát triển các trung tâm dịch vụ y tế, đào tạo nghề, du lịch… có vai trò thúc đẩy sự phát triển khu du lịch sinh thái gắn với bảo tồn phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới (khu dự trữ sinh quyển Pù Mát); Là huyện có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng biên giới phía Tây Nam Nghệ An.

Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 dự kiến khoảng 105.000 – 115.000 người; đến năm 2050 dự kiến khoảng 125.000 – 135.000 người.

Quy mô đất xây dựng đô thị hiện trạng 187,41ha (thị trấn Con Cuông); dự kiến đến năm 2030 tăng khoảng 500 – 600ha.

Thời gian lập quy hoạch tối đa 12 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Huyện Con Cuông nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 120 km về phía Tây Bắc, cách cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) 120km.

Theo thống kê năm 2019, huyện có diện tích 1.680,2km², dân số là 77.830 người, mật độ dân số đạt 46 người/km².

Con Cuông là huyện vùng cao, lợi thế về vị trí và điều kiện thuận lợi để phát triển nông-lâm nghiệp và du lịch, thương mại. Đây là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An và Con Cuông là lõi của khu dự trữ, với trung tâm là vườn quốc gia Pù Mát.

Bài viết mới