Ngành thuế còn dư địa để cải cách

Dẫn đầu về cải thiện thứ bậc

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (MTKD) toàn cầu – Doing business 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) , mức độ thuận lợi về MTKD của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với DB 2017). Trong đó, chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Doing business 2017), và đây là năm thứ 4 liên tiếp các cải cách về thuế được ghi nhận trong Báo cáo MTKD.

Với 4 tiêu chí thành phần gồm: Số lần nộp thuế; Thời gian nộp thuế; Tổng mức thuế suất; Chỉ số sau kê khai (Postfilling Index), theo Báo cáo Doing buisiness 2018, thời gian nộp thuế là 498 giờ, giảm được 42 giờ; số lần nộp thuế là 14 lần, giảm được 17 lần; tổng mức thuế suất trên lợi nhuận là 38,1%, giảm 1,3% của thuế so với năm 2017 do tính toán (năm 2017 là 39,4%).

Ngành thuế còn dư địa để cải cách - Ảnh 1.

Năm 2017, ngành thuế có sự tiến bộ vượt bậc (Ảnh minh họa: KT)

Với điểm số này, so với các nước ASEAN, Việt Nam là nước có sự tăng bậc lớn nhất với 81 bậc, bỏ xa nước đứng thứ hai là Thailand (tăng 42 bậc). Singapore là nước đứng đầu khu vực (xếp thứ 7) nhưng cũng chỉ tăng được 1 bậc so với Doing buisiness 2017. Với xếp hạng thứ 86 về chỉ số nộp thuế, Việt Nam chỉ đứng sau 3 nước là Singapore (xếp thứ 7), Thailand (xếp thứ 67), Malaysia (xếp thứ 73).

Theo các chuyên gia, các chỉ số trên cho thấy những cải cách vượt bậc của ngành thuế trong việc cải cách thủ tục hành chính thuế, góp phần tạo thuận lợi cho DN và người nộp thuế.

“Sự cải thiện trong chỉ số thuế của Việt Nam thời gian qua rất ấn tượng. Việt Nam đang dần bắt kịp các nước thuộc Top 4 trong khối ASEAN”, ông Sebastian Eckart, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

Cải cách hành chính có chuyển biến

Theo đại diện của Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nhờ những cải cách mạnh mẽ của ngành thuế trong những năm qua mà thể chế, chính sách thuế đã từng bước được sửa đổi theo hướng đơn giản, minh bạch, rõ ràng và dễ thực hiện hơn theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với việc ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính thuế đang giúp cho các DN tiết kiệm được thời gian và chi phí. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ sản xuất trong nước.

Đơn cử, thời gian qua, cơ quan thuế đã mở ra hình thức khai và nộp thuế điện tử với những tiện ích vượt trội và được DN và người nộp thuế tham gia tích cực. Đến nay, cả nước đã có gần 100% DN kê khai thuế qua mạng và trên 95% DN đăng ký kê khai nộp thuế điện tử.

Ngành thuế còn dư địa để cải cách - Ảnh 2.

Hiện cả nước có gần 100% DN kê khai thuế qua mạng và trên 95% DN đăng ký kê khai nộp thuế điện tử.

“Thông qua ứng dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng tin học hóa và đặc biệt là kê khai nộp thuế điện tử, giao dịch điện tử đã giúp DN tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam khẳng định.

Khảo sát của VCCI trên 22.000 DN cho thấy, DN ghi nhận những thay đổi về chính sách pháp luật thuế trong thời gian gần đây đã theo hướng tạo điều kiện cho DN. So với 2 năm trước đây, vướng mắc của DN về các vấn đề liên quan đến thuế và các thủ tục thuế đã giảm đi nhiều.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng, việc giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế, giảm được số lần khai và nộp thuế giá trị gia tăng cũng như việc hiện đại hóa quản lý thuế từ phương thức truyền thống sang phương thức điện tử đã cải thiện đáng kể về mặt thủ tục, giúp DN giảm rất nhiều chi phí, thời gian và nhân lực để thực hiện thủ tục hành chính.

Các thông tin pháp luật thuế được công khai, rộng mở, minh bạch hơn, những quy định về thủ tục hành chính thuế đã dễ dàng tiếp cận hơn nên việc thực hiện cũng thuận lợi nhanh chóng hơn, đặc biệt, thái độ công chức thực thi công việc đã phần nào được cải thiện. Công tác kiểm tra thuế, thanh tra thuế đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.

“Trong vòng 2 năm trở lại đây, tôi đánh giá rất cao sự cải cách hành chính của ngành thuế. Việc giao dịch giữa DN với cơ quan thuế đã giảm đi đáng kể, giúp DN tiết kiệm phần lớn thời gian thực hiện quyết toán thuế cũng như báo cáo thuế hàng tháng. Đối với DN chúng tôi, trong hơn 1 năm vừa qua, cũng có nhiều vướng mắc về thuế nhưng đã được giải quyết nhanh chóng”, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định.

Vẫn còn nhiều dư địa để cải cách

Bên cạnh những nỗ lực của ngành thuế trong cải cách, DN phản ánh chính sách thuế của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho DN. Ví dụ như: nhiều chính sách thuế cập nhật thông tin không kịp thời, hay một số quy định còn chưa rõ ràng, cụ thể, khiến DN khó thực hiện.

Bên cạnh đó, kết nối thông tin giữa cơ quan thuế và các cơ quan liên quan vẫn còn chưa toàn diện; một số thủ tục hành chính thuế vẫn chưa được công khai và tin học hoá, do vậy DN sẽ khó chủ động trong việc kê khai, tính, nộp thuế, khiến chi phí cơ hội tăng lên do phải chờ đợi hướng dẫn của cơ quan thuế.

“Cơ quan thuế nên phân loại DN và phân loại số tiền đề nghị hoàn để quy định thời gian đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng cho từng loại DN được phù hợp hơn, bởi nếu không được hoàn thuế GTGT sẽ rất khó khăn cho DN trong việc tái đầu tư cho tài sản cố định”, ông Nguyễn Xuân Dương, đại diện Công ty TNHH Minh Phát nêu ý kiến.

Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cải cách là quá trình liên tục, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Nếu dừng lại có nghĩa là tụt hậu vì các nước khác liên tục cải cách.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ cũng như xây dựng các giải pháp tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của các DN. Để tiếp tục cải thiện chỉ số nộp thuế cho những năm tới, Tổng cục đang thí điểm hàng loạt ứng dụng điện tử đối với người nộp thuế là cá nhân, như: Tăng cường triển khai các dịch vụ điện tử phục vụ nhóm cá nhân nhằm đơn giản việc khai, nộp thuế, tiết kiệm thời gian và chi phí của người nộp thuế.

Cụ thể, ngành Thuế đã triển khai thí điểm khai nộp thuế điện tử thuế GTGT, thuế TNCN đối với cá nhân cho thuê nhà; khai và nộp thuế điện tử thuế TNCN cá nhân đối với cá nhân có chuyển nhượng bất động sản; tiếp tục triển khai thí điểm, dần dần mở rộng thực hiện nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh thông qua tổ chức nhận ủy nhiệm thu thuế; triển khai thí điểm khai thuế điện tử đối với cá nhân nộp lệ phí trước bạ… ./.

Thủ tướng: Ngành thuế phải dẹp bỏ ngay tình trạng ‘phí bôi trơn’

Bài viết mới