Theo các chuyên gia, các DN cần phải “cải tổ” nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để có giá thành cạnh tranh.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước vào khoảng 30 triệu tấn/năm. Cụ thể, ở mặt hàng phôi thép là 12 triệu tấn/năm, thép cán 12 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu 5 triệu tấn/năm, thép ống 3 triệu tấn/năm. Với quy mô này, ngành thép Việt Nam được đánh giá đang đứng đầu các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước, nguồn cung đang vượt xa cầu. Do đó, hiện nay ngành thép mới chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất. Như vậy, nếu nói về số lượng, rõ ràng Việt Nam không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đang dư thừa công suất, đặc biệt là mặt hàng thép xây dựng.
Theo bà Nguyễn Thị Dung – Chủ tịch HĐQT Tổ hợp công nghiệp xây dựng Nam Hải, vấn đề đặt ra là giá thép Việt Nam cao hơn so với thép Trung Quốc nhập khẩu cùng chủng loại. Điều này, phản ánh năng lực sản xuất và cạnh tranh của ngành thép trong “sân chơi” hội nhập. “Thực tế, do năng lực tài chính hạn chế nhiều DN chỉ đầu tư dây chuyền với quy mô nhỏ, công nghệ lò điện cũ, tiêu tốn nhiên liệu và chi phí cao dẫn đến các sản phẩm không có tính cạnh tranh” – bà Dung chia sẻ.
Đánh giá về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lê Hoa – Viện Năng suất Việt Nam- chia sẻ: Hiện quy mô, trình độ công nghệ của nhiều DN còn hạn chế dẫn đến giá thành, chất lượng sản phẩm chưa thực sự cạnh tranh, hiệu suất sử dụng chưa đạt yêu cầu. Để giải quyết tận gốc những bất cập của thị trường thép Việt Nam phải xuất phát từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thép.
Thời gian qua, ngành thép trong nước đã rất chật vật để đối phó với một khối lượng lớn thép Trung Quốc giá rẻ nhập khẩu (NK) ồ ạt vào Việt Nam. Theo các chuyên gia, giá thành sản xuất của thép Trung Quốc rất cạnh tranh, về lâu dài, sức ép của thép NK vẫn rất lớn. Đây được xem là hồi chuông cảnh báo để các DN ngành thép phải quan tâm đến bài toán chi phí sản xuất để có sự cải tổ, thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Lê Hoa, cùng với việc đổi mới công nghệ, các DN thép Việt Nam cần phải đổi mới phương thức quản lý nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất. Hiện trong ngành Thép đã có nhiều DN thành công trong hoạt động nâng cao năng suất chất lượng nhưng chủ yếu là DN lớn như: Tổng công ty Thép Việt Nam, Hoa Sen Group, Hòa Phát Group, Công ty Thép miền Nam, Công ty Thép Vicasa. Những hệ thống, công cụ chủ yếu mà các doanh nghiệp này đang áp dụng là: TQM, ISO 9001-2008; ISO 14001-2004; OHSAS 18001-2007… đem lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh đáng khích lệ.
Nhà nước cần tạo ra môi trường, điều kiện cho các thành phần kinh tế bình đẳng có thể tiếp cận thị trường, đảm bảo việc quản trị của DN hiệu quả hơn, quản trị nguồn lực quốc gia tốt hơn, tránh lãng phí, sử dụng không hiệu quả các nguồn vốn và tài nguyên của đất nước.