Ngành sản xuất Nhật nên tự nhìn lại mình sau quá nhiều bê bối

Hàng loạt những vụ việc vi phạm quy định kiểm tra sản phẩm bị phát hiện mới đây tại hai hãng ô tô Nissan và Subaru, trước đó là vụ việc gian dối số liệu sản phẩm tại Kobe Steel không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi về thực trạng tuân thủ các quy định an toàn và kiểm soát chất lượng sản phẩm trong ngành sản xuất Nhật.

Người ta không khỏi đặt câu hỏi về việc liệu sự chia tách hoàn toàn giữa bộ phận quản lý và bộ phận sản xuất cũng như công nhân có phải nguyên nhân của vấn đề. Rõ ràng toàn ngành sản xuất Nhật cần phải tự nhìn nhận lại mình.

Tại hãng xe Mitsubishi Motors, những người công nhân phải nói dối về mức tiêu thụ nhiên liệu để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của nhà quản lý. Còn trong nhà máy của Kobe Steel, công nhân và nhà quản lý tại nhà máy đã gian dối số liệu về chất lượng sản phẩm để sản phẩm trông có vẻ như đáp ứng được tiêu chuẩn ngành và thời gian sản xuất.

Tại Nissan và Subaru, những kỹ thuật viên không đạt chuẩn được giao kiểm tra chất lượng ở khâu kiểm soát sản phẩm cuối cùng trước khi giao cho khách hàng, và như vậy họ không tuân thủ đúng các quy định của chính phủ.

Chủ tịch Nissan cho biết hãng xe sẽ hợp tác giải quyết vấn đề bằng cách tuyển dụng thêm các kỹ thuật viên đạt chuẩn, và điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ thừa nhận trước đây họ không có đủ kỹ thuật viên trong các dây chuyền sản xuất ô tô.

Đối với Subaru, sau khi thừa nhận việc sử dụng kỹ thuật viên không đủ chuẩn của chính phủ đã kéo dài đến 30 năm vẫn tuyên bố rằng các kỹ thuật viên đó đã trải qua quá trình đào tạo tại hãng, chính vì vậy họ có đủ kiến thức và kỹ năng để thực hiện các bài kiểm tra sản phẩm.

Tuy nhiên Subaru lại né tránh việc thừa nhận sai phạm khác, đó chính là những kỹ thuật viên đạt chuẩn cho những kỹ thuật viên không đạt chuẩn mượn dấu chứng nhận để đóng trên giấy kiểm tra sản phẩm cuối cùng, chính vì thế khi nhìn vào người ta chỉ thấy rằng sản phẩm đã được xác nhận bởi kỹ thuật viên đạt chuẩn.

Tất cả những vấn đề trên không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi liệu quản lý của các doanh nghiệp có nắm được những gì đang diễn ra tại nhà máy của họ không. Những quản lý cấp cao nhất quyết định về việc giới thiệu những sản phẩm mới và có khả năng cạnh tranh cao để đáp ứng cho nhu cầu khách hàng. Họ cũng đảm bảo cho nhà máy sản xuất có đủ nhân lực có trình độ và thiết bị.

Thế nhưng điều đó không đủ, khi những vấn đề kiểu như qua trình kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng có vấn đề, họ cần phải tìm hiểu sát sao xem vấn đề thực sự phát sinh từ đâu ra. Họ phải xem xét lại quy trình quản lý ở từng khâu và đầu tư thêm nếu cần thiết để những người làm đỡ áp lực hơn trong quá trình sản xuất. Và không chỉ riêng công ty nào, tất cả các công ty sản xuất cần phải tự điều chỉnh lại mình.

Những thiệt hại liên quan đến chất lượng sản phẩm, ví như sai phạm trong tuân thủ quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất gây ra nhiều hậu quả tồi tệ.

Trong trường hợp Nissan, dù chủ tịch hãng đã thừa nhận sai sót từ đầu tháng Mười, nhưng hãng vẫn phải ngừng sản xuất tại tất cả các nhà máy trong nhiều tuần, thu hồi 1,2 triệu sản phẩm có lỗi trong quá trình kiểm tra. Doanh số bán xe tháng Mười của hãng giảm khoảng 50%.

Subaru phải thu hồi 250 nghìn xe ô tô với chi phí 5 tỷ yên. Dù các hãng xe khác cho biết họ không gặp vấn đề gì trong hệ thống kiểm tra, những vấn đề tại Nissan và Subaru khiến người ta không khỏi hoài nghi về vấn đề tuân thủ và kiểm soát chất lượng sản phẩm trong ngành ô tô.

Theo Kobe Steel, hơn 80% trong số 500 khách hàng của Kobe Steel có tiếp nhận sản phẩm có sai sót về chất lượng sản phẩm đã xác nhận cho độ an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi hậu quả. Một số khách hàng đã yêu cầu hãng phải đổi sản phẩm hoặc hủy đơn hàng với hãng.

Công ty đã phải điều chỉnh dự báo lợi nhuận của cả năm nay và thậm chí chưa dám công bố ước tính thiệt hại sẽ lên đến mức độ nào. Những tổn thất liên quan đến uy tín của hãng sẽ chưa thể được biết đến ở hiện tại.

Đối với vấn đề vi phạm quy trình kiểm tra chất lượng tại Subaru hay Nissan, chính phủ Nhật đang cân nhắc cải tổ quy trình kiểm tra sản phẩm, quy trình hiện nay vốn đang cho phép các doanh nghiệp có quá nhiều quyền tự quyết.

Sau loạt bê bối chấn động của ngành công nghiệp Nhật Bản, một hãng xe lại mới thừa nhận lừa dối khách hàng suốt 30 năm

Bài viết mới