Tới nay, mùa báo cáo tài chính quý III/2017 đã gần như hoàn tất, trừ một số doanh nghiệp xin gia hạn thời gian công bố. Với các công ty nhiệt điện niêm yết trên hai sàn gồm CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC), CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (Mã: BTP), CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (Mã: NBP), CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2), quý III và 9 tháng đầu năm đã khép lại với bức tranh kinh doanh đầy khác biệt.
Trong quý III, duy nhất PPC tăng trưởng tốt về cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế với doanh thu tăng 18% và lợi nhuận đạt 151,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 0,6 tỷ đồng). Mức lợi nhuận này đạt được do sản lượng điện sản xuất tăng 19%, giá bán điện bình quân cũng cao hơn so với cùng kỳ. Thêm vào đó, PPC lãi chênh lệch tỷ giá 7,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 84,6 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Các doanh nghiệp BTP, NBP và NT2 đều có lợi nhuận quý III giảm, trong đó BTP lỗ 33,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 0,3 tỷ đồng. NBP và NT2 lợi nhuận giảm lần lượt 83% và 79%, đạt 1,5 tỷ đồng và 34,3 tỷ đồng. Trong đó, NBP lãi giảm tháng 7 – 8, Công ty chưa ký được hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn điện lực Việt Nam và mới tạm tính doanh thu theo nhà máy Điện Ninh Bình. Còn NT2 lãi giảm do đại tu nhà máy hơn 1 tháng và lỗ tỷ giá.
Đơn vị: tỷ đồng
Lũy kế 9 tháng, PPC và NT2 có doanh thu tăng trưởng dương còn NBP và BTP tăng trưởng âm. Trong đó, BTP doanh thu giảm 41% cùng kỳ năm trước.
Đơn vị: tỷ đồng
Về lợi nhuận, PPC có lợi nhuận đạt 745 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 300 tỷ đồng. Chịu ảnh hưởng từ tỷ giá và đại tu nhà máy nên lợi nhuận NT2 cũng giảm 43%, đạt 491 tỷ đồng.
BTP có lợi nhuận âm sau 9 tháng, lỗ 51 tỷ đồng và là doanh nghiệp duy nhất lỗ trong nhóm ngành nhiệt điện.
Xét về hệ số lợi nhuận sau thuế/doanh thu, PPC đạt giá trị lớn nhất 16%. Trong khi đó, NBP là 14% còn NT2 chỉ 10%.
Đơn vị: tỷ đồng
So với kế hoạch năm về chỉ tiêu lợi nhuận, chỉ PPC vượt 22% trong khi NBP hoàn thành 49%, NT2 hoàn thành 71% còn BTP vẫn ở rất xa con số 85 tỷ đồng.
Trong số các doanh nghiệp này, NT2 có số vay nợ lớn nhất với 1.058 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và 3.141 tỷ đồng vay dài hạn. Toàn bộ khoản vay này NT2 vay từ Hermes, Cir, Nexi và Citibank, được Chính phủ bảo lãnh. Tổng nợ gốc của khoản vay tại ngày 30/9 lần lượt là 89,6 triệu USD và 81,1 triệu Euro. Do đó, trong 9 tháng, NT2 có khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện lên tới 237 tỷ đồng, gấp 17 lần cùng kỳ năm trước.
PPC có 1.387 tỷ đồng nợ ngắn hạn, không có nợ dài hạn. NBP không vay nợ ngân hàng trong khi BTP vay hơn 500 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh trên cũng phần nào phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu. Tính từ đầu quý III tới nay, cổ phiếu PPC tăng 5% trong khi NT2 tăng 7%. Còn lại BTP giảm 19%, NBP chỉ tăng nhẹ 1%.
Chốt phiên sáng 6/11, cổ phiếu NT2 về mức giá 30.100 đồng/cổ phiếu, PPC là 20.600 đồng/cổ phiếu, NBP là 15.500 đồng/cổ phiếu giao dịch giá thấp nhất 10.300 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu ngành nhiệt điện từ tháng 7 tới nay (Nguồn: VND)