Ngành kế hoạch và đầu tư và những chuyển động ‘ngầm’ mạnh mẽ

Đây là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại buổi chia sẻ tầm nhìn năm 2018 nhân ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Ngành kế hoạch và đầu tư và những chuyển động ngầm mạnh mẽ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, nếu như các bộ khác có các nội dung chuyên môn riêng của mình thì công việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, gần như cái gì cũng liên quan. Các công việc từ các Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội, giải pháp điều hành vĩ mô, các chính sách luật pháp cụ thể như thu hút đầu tư nước ngoài, quản lý đầu tư công, công tác quy hoạch… đến soạn thảo các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, trình Quốc hội v.v… đều cần có sự tham gia của Bộ. Những nội dung công việc của ngành luôn luôn mới, đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng thể chế cải cách đều có sự đụng chạm, có các ý kiến trái chiều.

Có 2 lý do việc cải cách hay vấp phải sự phản đối. Thứ nhất, nhiều cá nhân, đơn vị, cơ quan của Việt Nam vẫn muốn làm việc theo thói quen, lề lối cũ, ngại thay đổi, đôi khi máy móc. Các công chức vẫn có thói quen căn cứ vào pháp luật quy định để đưa ra quyết định.

Ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, lãnh đạo luôn yêu cầu các cán bộ không chỉ nắm rõ pháp luật mà còn phải biết căn cứ vào thực tế, nếu cần phải thay đổi để phù hợp thực tiễn hơn. Trước mỗi quyết định, cần phải nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị điều chỉnh thủ tục, văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp hơn với thực tiễn, có lợi cho người dân và đất nước, đồng thời phải có lý giải vững chắc.

“Nếu cán bộ làm chính sách mà chỉ mở luật, văn bản ra nói cái này làm được hay không thì ai cũng làm được, không thể là cơ quan kiến tạo, không đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trở ngại thứ hai của người tham gia cải cách đó là quyền lợi, vì việc cải cách chắc chắn luôn ảnh hưởng tới lợi ích của một bộ phận nào đó. Thực tế hiện nay, có không ít cán bộ công chức lầm tưởng giữa chức trách của mình được giao, với quyền lực của mình, do đó người làm cải cách phải vượt qua được những trở ngại từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản đối, thậm chí cả lợi ích của chính mình.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện nay, trong bộ máy công quyền, ở các bộ ngành, địa phương vẫn có những người biến quyền lực nhà nước, thực chất là quyền của nhân dân, thành quyền lực của cơ quan, đơn vị hay cá nhân mình. Thậm chí, một số cán bộ, dù ít, đang dùng quyền lực đó để sách nhiễu, vòi vĩnh tiêu cực.

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư khẳng định, nhiệm vụ chính của Bộ là tập trung vào vấn đề chiến lược, quy hoạch, có tầm nhìn, cập nhật những xu hướng phát triển mới mẻ, hiệu quả trên thế giới để làm, đồng thời giảm các hoạt động liên quan đến phân bổ vốn. Toàn bộ máy phải chuyển sang các hoạt động nghiên cứu chiến lược, không giải quyết phân bổ các dự án cụ thể.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nếu như trước đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia phân bổ vốn cụ thể, và bị nghĩ là nắm “siêu quyền lực”, thì hiện nay Bộ đã không làm công việc này nữa.

Thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ thực hiện các nhiệm vụ được giao, thông qua xây dựng các nguyên tắc và tiêu chí, phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả đúng hướng, báo cáo Chính phủ, Quốc hội thông qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ là đơn vị “gác cổng”, tổng hợp rà soát các tiêu chí, nếu đạt thì trình lên cấp trên.

Sau đó, căn cứ vào kế hoạch được duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện phân bổ nguồn lực theo thời gian (ví dụ 5 năm) tới các bộ, ngành, địa phương, theo nguyên tắc, tiêu chí đã có. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương xem xét thực tiễn để quyết định phân bổ đầu tư, dự án nào triển khai, sao cho hiệu quả.

“Tôi vẫn nói rõ với các cán bộ, chúng ta chỉ là người được giao làm nhiệm vụ và phải làm tròn, các đồng chí và tôi đều không có quyền đồng ý cho người này người kia. Rõ ràng từ bỏ công việc phân bổ vốn có thể ảnh hưởng lợi ích người nào đó, nhưng cái nào đúng vẫn cần phải làm để đạt hiệu quả chung”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu dẫn chứng tiếp theo về cải cách trong công tác kế hoạch hoá. Nếu như mọi năm, khoảng tháng 6-7, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hay lãnh đạo địa phương về gặp, trao đổi trực tiếp tình hình triển khai vốn trong năm và năm tiếp theo. Đến nay, để tránh việc gặp mặt họp hành nhiều nhưng hiệu quả thấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai tập trung theo 3 vùng, từng vùng trao đổi tình hình, tập trung vào những vướng mắc, khó khăn, tìm định hướng phối hợp với các địa phương, thời gian chỉ tốn 1 ngày.

Không chỉ thay đổi về phương thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin. Riêng lĩnh vực quản lý vốn, trước đây làm thủ công bằng bảng tính Excel phải mất vài tháng để tổng hợp, xây dựng kế hoạch cho các bộ, ngành, địa phương, cán bộ phải làm ngày đêm để chỉnh sửa cập nhật, nhưng hiệu quả không cao. Đến nay, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý bằng phần mềm, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí rất nhiều. Quan trọng hơn nữa, việc áp dụng công nghệ mang lại chính xác tuyệt đối và khách quan hơn, can thiệp của con người, chỉnh sửa vào hệ thống sẽ khó hơn và đều theo dõi được chặt chẽ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng cải cách theo hướng chuyên nghiệp hiệu quả, phát huy đúng vai trò của mình, để công việc hiệu quả hơn, qua đó sự đồng thuận cũng cao hơn.

“Tôi yêu cầu anh em cứ đúng mà làm, thẳng mà tiến, giờ anh em đã hiểu đó là con đường tất yếu để phát triển, phát huy đúng vai trò của cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược. Hãy nói ít, làm nhiều, đáp ứng tinh thần của Chính phủ kiến tạo, hành động”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu bốn tỉnh “lười” cải thiện môi trường kinh doanh

Bài viết mới