Năm 2017, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt mức 8 tỷ USD, thị trường trong nước đạt 1,47 tỷ USD, nâng tổng giá trị sản phẩm toàn ngành lên 9,47 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Con số 1,47 tỷ USD là thấp so với tốc độ phát triển của Việt Nam. Do vậy, ngành gỗ cần chú trọng đến thị trường nội địa thì mới có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa và 10 tỷ USD xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ vào năm 2020 theo kế hoạch giai đoạn 2014-2020”.
Nhiều thuận lợi và cơ hội
Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 1/2018 đạt 709 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), cho biết, trong vài năm gần đây các khu vực sản xuất đồ gỗ đều không tăng, ngoại trừ châu Á – Thái Bình Dương.
Áp lực cạnh tranh toàn cầu không tăng, tiềm năng doanh nghiệp còn nhiều vì xuất phát điểm của ngành thấp, khả năng tăng thị phần cao, lao động phù hợp, năng lực cạnh tranh toàn ngành tốt.
Trung Quốc bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ khiến đồ nội thất của nước này giảm sức cạnh tranh. Nhu cầu đồ gỗ nội thất trên thế giới tăng trưởng, trong khi sản xuất đồ nội thất là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, những thuận lợi về Luật Lâm nghiệp, các Hiệp định FTA mới được ký sẽ nâng mức thuế xuất khẩu nông sản thô, sự ổn định về chính sách và sự quan tâm của Nhà nước đến ngành gỗ và lâm sản sẽ thúc đẩy ngành gỗ tiếp tục phát triển.
“Chúng ta có đầy đủ thuận lợi để phát triển ngành gỗ. Nếu bỏ lỡ thì các nước như Indonesia, Malaysia chắc chắn sẽ vượt qua Việt Nam để giành lấy thị trường, giành ngôi quán quân trong khu vực Asean”, ông Khanh nhấn mạnh.
Ở góc độ quản lý, ông Cường cho rằng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa và 10 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2020, ngành chế biến gỗ nói riêng cần tiếp tục phát huy những thành tựu của năm 2017.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ khâu tạo cây giống, trồng và chăm sóc đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cho ngành chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trước mắt không ít khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi, ông Khanh cũng lưu ý các doanh nghiệp cần quan tâm đến những diễn biến bất lợi.
Cụ thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, tuy vẫn duy trì ưu đãi nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đồ gỗ nhưng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ đang giảm từ 35% xuống còn 25% để hỗ trợ cho ngành sản xuất bản địa bao gồm ngành gỗ. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú ý để tránh các mặt hàng đang tăng trưởng sản xuất tại Mỹ.
Thị trường châu Âu không tăng nhập khẩu đồ gỗ, đồng Euro biến động giảm cũng gây khó khăn cho nhập khẩu từ Việt Nam. Các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc không tăng mạnh về nhu cầu.
Đặc biệt xuất khẩu các mặt hàng danh gỗ viên nén gỗ có thể biến động mạnh. Do vậy cần tìm thêm thị trường mới, xu hướng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam dưới hình thức liên doanh, liên kết để tận dụng các ưu đãi thuế tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc nhở các doanh nghiệp cần chú ý đến các chính sách về lao động, xử phạt hình sự bảo hiểm xã hội, môi trường… sự thiếu hụt nguồn gỗ có chứng chỉ và khả năng gian lận thương mại của các doanh nghiệp khi khai báo giá thấp để giảm thuế xuất khẩu sẽ tiếp tục gây bất ổn về giá nguyên liệu.
“Nhìn chung bức tranh toàn ngành gỗ năm 2018, và những năm tới vẫn có những gam màu sáng. Thị phần các nước sản xuất đồ gỗ lớn đang chuyển dần qua các ngành công nghiệp khác, thị trường thế giới sẽ có lỗ hổng về hàng hóa có chất lượng, việc các doanh nghiệp tăng thị phần xuất khẩu cũng như tăng tiêu thụ nội địa sẽ không khó”, ông Cường khẳng định.