Theo Tổng cục Hải quan, tháng 11/2017, lượng điều xuất khẩu đạt 32,4 nghìn tấn, trị giá 326 triệu USD, giảm 3,3% về lượng và giảm 2,6% về trị giá so với tháng trước; tăng 9,3% về lượng và tăng 21,9% về trị giá so với tháng 11/2016. Trong 11 tháng năm 2017, lượng điều xuất khẩu đạt 324 nghìn tấn, trị giá 3,21 tỷ USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Tháng 11/2017, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng điều ở mức 10.026 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng năm 2017, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt điều ở mức 9.926,3 USD/tấn, tăng 22,3% so với 11 tháng năm 2016.
Trong tháng 11/2017, xuất khẩu hạt điều tới Mỹ và Trung Quốc tăng trong khi xuất khẩu sang Hà Lan giảm. Xuất khẩu hạt điều tới thị trường Mỹ đạt 111,5 nghìn tấn, trị giá 1,124 tỷ USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 27% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2018, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục thành công khi nhu cầu tiêu thụ hạt điều thế giới được dự báo sẽ tăng khá cao, nhiều đơn hàng đã được ký cho đến giữa tháng 4 năm 2018.
Hiện, hạt điều Việt Nam chiếm thị phần cao trong nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam là nguồn cung mặt hàng hạt điều lớn nhất tại thị trường Mỹ, chiếm 75,4% thị phần trong 10 tháng năm 2017, tăng nhẹ so với 75,3% thị phần trong 10 tháng năm 2016 và tăng khá mạnh so với 68,9% thị phần trong 10 tháng năm 2015.
Nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam tại thị trường Trung Quốc chiếm tới 98,2% thị phần trong 10 tháng năm 2017, tăng so với 94,3% thị phần trong 10 tháng năm 2016.
Tại Mỹ, hạt điều được đánh giá là đồ ăn nhẹ lành mạnh, đang dần được chế biến để trở thành sản phẩm thay thế cho bơ và sữa. Ở Ấn Độ, thị trường tiêu dùng hạt điều lớn nhất, một bộ phận tầng lớp trung lưu ngày càng tăng cũng ưa thích việc thêm hạt điều vào bánh và đồ ngọt phục vụ cho đám cưới và sinh nhật.