Năm nay Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI). Khảo sát hàng năm về chỉ số GRDI của A.T.Kearney cho biết, năm nay Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn nhất là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Việt Nam cũng đã vượt qua các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí thứ 8), Thái Lan (vị trí thứ 30), Philippines (thứ 18),…
Mặc dù thị trường có quy mô tương đối nhỏ với doanh thu hàng năm chỉ vào khoảng 90 tỷ USD (năm 2016), thu nhập khả dụng không quá cao nhưng Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên là một thị trường bán lẻ quan trọng. Triển vọng này nhờ vào lực lượng dân số trẻ chiếm hơn một nửa dân số và thu nhập hàng năm kỳ vọng tăng nhanh trong trung hạn.
Dù vậy, bán lẻ được nhận định là một ngành rất đặc thù với những biến đổi không ngừng xuất phát từ những hành vi và thói quen thay đổi liên tục của người tiêu dùng. Chính vì thế, để cạnh tranh, phát triển, một thách thức lớn mà các doanh nghiệp bán lẻ đều đau đầu tìm lời giải chính là bài toán nhân sự.
Hồi giữa năm 3 ông lớn bán lẻ ở Việt Nam là Lazada, Tiki và Bibo Mart đã đồng loạt kêu chuyện tuyển nhân sự bán lẻ giỏi “khó như lên trời”.
Bà Trịnh Lan Phương, CEO chuỗi cửa hàng Bibo Mart cho biết thực tế doanh nghiệp của bà muốn tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm, trình độ cao vào làm việc nhưng tìm không ra.
CEO của Lazada Việt Nam là Alexandre Dardy và ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng giám đốc Tiki.vn cũng đồng tình với vấn đề khó khăn trong tuyển dụng nhân sự cho ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Theo ông Sơn, thực tế một số doanh nghiệp bán lẻ có sự tăng trưởng nhanh như Lazada hay Tiki đều gặp thách thức về nhân sự. Tốc độ tuyển dụng nhân sự, đào tạo nhân sự chất lượng cao không theo kịp tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp có thể khắc phục khó khăn về công nghệ, về trình độ quản lý, về chất lượng dịch vụ khách hàng, nhưng khó có thể khắc phục được vấn đề nhân sự”, ông Sơn nói.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự đầu vào, các công ty bán lẻ cũng phải đối mặt với tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao. Đây là một thách thức lớn nhất đối với các nhà tuyển dụng bán lẻ, theo Navigos Search.
Theo thống kê từ phía các nhà tuyển dụng, 28% nhà tuyển dụng cho rằng ứng viên không cam kết lâu dài và thường xuyên thay đổi công việc. 49% người nhận định các ứng viên trong ngành dễ dao động khi đối thủ cùng ngành tiếp cận và mời họ làm việc.
Số liệu này cũng tương đồng khi nhìn về chiều tiếp cận với các ứng viên khi 60% trong số họ chia sẻ thời gian làm việc tại một công ty của họ chỉ từ 2 – 3 năm.
Nguyên nhân khiến cho người lao động nhảy việc là bởi mối quan tâm của doanh nghiệp và bản thân họ không tương đồng. Đơn cử như văn hoá doanh nghiệp là thứ được ứng viên quan tâm hàng đầu thì nhiều nhà tuyển dụng vẫn còn coi nhẹ.
Cụ thể, có đến 99% ứng viên ngành bán lẻ tham gia khảo sát cho biết, họ quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp thông qua môi trường làm việc – yếu tố con người – tầm nhìn của doanh nghiệp, tương ứng với 30% – 33% và 29%.
Trong khi đó, ở phía doanh nghiệp, mặc dù có 51% nhà tuyển dụng coi sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp là yếu tố bắt buộc khi tuyển dụng, thì cũng có tới 40% nhà tuyển dụng còn lại cho biết việc ứng viên chưa phù hợp văn hóa doanh nghiệp cũng không phải là vấn đề lớn.
Để giải bài toán nhân sự, như bà Lan Phương chia sẻ thì phải “lập trình” lại nhận thức, thôi thúc tình yêu nghề và đầu tư rất nhiều vào khâu đào tạo, đồng thời tạo dựng một văn hoá doanh nghiệp mạnh. Còn như bà Nguyễn Phương Mai, CEO Navigos Search thì phải chú trọng hai yếu tố: phát triển một đội ngũ lãnh đạo với kỹ năng quản lý con người và thường xuyên cung cấp những khóa đào tạo để phát triển nguồn nhân lực.