Ngân hàng tuần qua: NHNN sửa cách tính LDR, nhiều nhà băng thay đổi nhân sự cấp cao

TIN MỚI

NHNN sửa quy định về cách tính tỷ lệ LDR

Ngày 31/12/2022, NHNN đã ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ 31/12/2022.

Theo đó, Thông tư 26/2022/TT-NHNN cho phép ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn Kho bạc Nhà nước khi tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) và có lộ trình giảm dần. Cụ thể:

(i) Từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến 31/12/2023: trừ 50% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước (ii) Từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2024: trừ 60% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước (iii) Từ ngày 1/1/2025-31/12/2025: trừ 80% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước (iv) Từ 1/1/2026: trừ 100% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước.

NHNN vẫn giữ nguyên quy định về trần tỷ lệ LDR áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 85%. Đồng thời, cách tính tổng cho vay không thay đổi.

Giới phân tích đánh giá, Thông tư 26 sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi có khoảng 50% tiền gửi Kho bạc Nhà nước có kỳ hạn tại các Ngân hàng thương mại (ước tính khoảng hơn 150 nghìn tỷ đồng, dựa trên số liệu báo cáo tài chính Quý 4/2022), sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống. Theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Nhóm phân tích cho rằng Thông tư 26 sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước. Vietcombank, BIDV, VietinBank sẽ được hưởng lợi khi tỷ lệ LDR mới giảm đáng kể.

Nhiều ngân hàng thay đổi nhân sự cấp cao

Tuần qua ghi nhận nhiều quyết định thay đổi nhân sự cấp cao tại một số ngân hàng.

Tại Vietcombank , ông Nguyễn Thanh Tùng vừa được bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 tại kỳ họp đại hội cổ đông bất thường, sau đó được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc ngân hàng từ ngày 30/01/2023.

Cùng thời điểm, tại ABBank , Hội đồng quản trị ngân hàng này công bố quyết định giao bà Lê Thị Bích Phượng đảm nhận nhiệm vụ quyền hạn Tổng Giám đốc thay ông Nguyễn Mạnh Quân kể từ ngày 30/01/2023. Ông Quân sẽ tiếp tục tham gia công tác điều hành ở vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực ABBank.

Ngày 30/1,  Sacombank cũng công bố quyết định cho ông Lê Văn Ron thôi nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc ngân hàng kể từ ngày 01/02.

Mới nhất, Hội đồng quản trị OCB thông báo miễn nhiệm ông Anrban Roy – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Công nghệ và chuyển đổi số từ ngày 1/2/2023.

Loạt ngân hàng lãi lớn trong năm 2022

Đến đầu tuần qua, toàn bộ 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường UpCom đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022. Trong đó, đã có 6 ngân hàng đạt mức lợi nhuận trên 20.000 tỷ trong năm 2022.

Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân với lợi nhuận trước thuế cao nhất lịch sử đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm trước. Hai ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank và BIDV cũng có kết quả kinh doanh khả quan, đều hoàn thành kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông đề ra. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank đạt hơn 21.113 tỷ đồng, cao hơn 20% so với năm 2021. BIDV tăng trưởng ấn tượng (tới 70%), lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 23.058 tỷ đồng.

Bên nhóm tư nhân, lợi nhuận hợp nhất trước thuế Techcombank đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước và đứng thứ hai toàn hệ thống.

Đứng sau Techcombank, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MB đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2021.

VPBank là cái tên tiếp theo góp mặt trong danh sách lãi trên 2 vạn tỷ với lợi nhuận lũy kế cả năm đạt 21.219 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2021.

Về mức tăng trưởng, hầu hết ngân hàng đều có lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2022. Trong đó, Eximbank là ngân hàng có mức lợi nhuận tăng mạnh nhất so với năm 2021 là 208%. Chỉ có 4 ngân hàng có lợi nhuận giảm so với năm ngoái là Kienlongbank, NCB, OCB và ABBank.

MB soán ngôi “vua” CASA của Techcombank

Báo cáo tài chính quý IV/2022 cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong bảng xếp hạng về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Trong đó, 5 ngân hàng đứng đầu vẫn là MB, Techcombank, Vietcombank, MSB, ACB. Tuy nhiên, thứ hạng thì có sự xáo trộn.

Cả Techcombank và MB đều bị sụt giảm tỷ lệ CASA trong năm vừa qua, tuy nhiên sự sụt giảm mạnh tại Techcombank đã khiến nhà băng này để mất ngôi “vương” sau 2 năm liền.

Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank liên tục giảm kể từ quý 2/2022, khiến tỷ lệ CASA từ mức kỷ lục 50,5% giảm về còn 37% vào cuối năm 2022. Theo giải thích của ngân hàng, bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm, do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.

Tương tự, MB cũng ghi nhận CASA sụt giảm, từ 48,7% (cuối năm 2021) xuống 40,6% (cuối năm 2022). Mức sụt giảm này nhẹ hơn so Techcombank, giúp MB quay lại vị trí TOP 1 sau nhiều năm bị “vượt mặt”.

12 ngân hàng Việt Nam lọt Top500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới

Công ty tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance vừa công bố bảng xếp hạng 500 ngân hàng đứng đầu thế giới về giá trị thương hiệu năm 2023. Trong đó, Việt Nam có 12 ngân hàng lọt vào bảng Banking 500 2023 Ranking là : Vietcombank (137), Agribank (159), BIDV (161), Techcombank (163), VietinBank (171), VPBank (173), MB (230), ACB (273), Sacombank (354), HDBank (400), SHB (420) và VIB (492).

Trong 12 ngân hàng này, chỉ có duy nhất Agribank giảm hạng từ 157 xuống 159; 10 ngân hàng khác tăng hạng; còn VIB lần đầu lọt vào danh sách này.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh

Tuần qua, sắc đỏ chiếm chủ đạo trong diễn biến cổ phiếu ngân hàng với 19/27 mã giảm giá.

Trong đó, MSB là cổ phiếu giảm mạnh nhất, mất 10,7% với 4/5 phiên chìm trong sắc đỏ và phiên còn lại đứng giá tham chiếu. Nhiều mã khác giảm trên dưới 7% gồm VPB (-7,4%), LPB (-7,3%), ACB (-7%), TCB (-6,7%), SSB (-6,6%).

Cổ phiếu có vốn hoá lớn thứ 2 thị trường là BID cũng giảm 2,7% trong tuần này. Trong khi cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất là VCB đi ngang, kết tuần với giá 93.000 đồng/cp, không thay đổi so với cuối tuần trước.

Ở chiều ngược lại, một số mã ngân hàng vẫn tăng giá trong tuần qua như OCB (3,7%), VIB (4,1%), HDB (4,8%). Đặc biệt, PGB tăng tới 21,9% lên 19.500 đồng/cp.

Thanh khoản toàn ngành đạt hơn 14.500 tỷ đồng trong tuần qua, tương đương hơn 2.900 tỷ đồng/phiên. Trong đó, STB vẫn là cổ phiếu được giao dịch sôi động nhất, giá trị giao dịch đạt 2.800 tỷ đồng tuần qua. Tiếp đến là VPB (2.400 tỷ), TPB (1.300 tỷ), MBB (1.200 tỷ),…

Ngân hàng tuần qua: Cổ phiếu ”khai xuân” tích cực, cuộc đua lãi suất hạ nhiệt

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

Bài viết mới