Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – MBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2017.
Theo đó đến 31/12/2017, ngân hàng đạt tổng tài sản hơn 313.877 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cuối năm 2016.
Dư nợ cho vay khách hàng ở mức 182.062 tỷ đồng, tăng 22,4% so với đầu năm, còn nếu tính dư nợ nói chung (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp…) thì tín dụng tăng 22,15% đạt dư nợ hơn 188.000 tỷ đồng. Huy động vốn khách hàng của MB năm 2017 đạt hơn 220.176 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2016.
Đáng chú ý, MB đã hoạt động rất tích cực trên liên ngân hàng trong năm qua. Riêng khoản tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác đã tăng gần gấp đôi lên mức hơn 52.000 tỷ đồng, trong đó khoản tiền gửi bằng vàng và ngoại tệ không kỳ hạn tăng mạnh gấp gần 4 lần, khoản tiền gửi có kỳ hạn bao gồm cả VNĐ, ngoại tệ và vàng tăng gấp hơn 2 lần. Đồng thời các khoản tiền gửi và vay của TCTD khác tại MB cũng tăng gần gấp đôi so với năm 2016, ở mức hơn 46.000 tỷ đồng.
Trong hoạt động kinh doanh, lãi thuần của MB trong quý 4 năm nay đạt 3.245 tỷ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm 2017 cũng tăng trên 40,6% đạt hơn 11.218 tỷ.
Tuy nhiên các khoản khác như lãi thuần từ dịch vụ và ngoại hối quý 4 lại giảm đáng kể. Riêng lãi thuần từ dịch vụ giảm gần 58% chỉ đạt 94 tỷ trong khi lãi từ ngoại hối giảm 9,7% xuống 65 tỷ đồng. Nhưng nhờ hoạt động kinh doanh hai mảng này 3 quý đầu năm đều tăng ấn tượng nên lũy kế cả năm vẫn đạt mức tăng trưởng lần lượt là 65,7% và 77,9% so với năm 2016.
Lãi từ hoạt động khác của MB quý 4 đạt 465 tỷ đồng, xấp xỉ mức cùng kỳ năm 2016 nhưng cả năm tăng 26,6% đạt trên 1.100 tỷ.
Tổng thu nhập từ hoạt động của ngân hàng quý 4 đạt 3.855 tỷ và cả năm là hơn 13.867 tỷ đồng, tăng lần lượt 26,2% và 40,7% so với cùng kỳ 2016.
Tuy nhiên do chi phí và dự phòng rủi ro tăng mạnh trong quý cuối năm, trong đó riêng chi phí tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ 2016, nên dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm đáng kể. Lợi nhuận trước thuế quý 4 chỉ đạt 613 tỷ đồng, giảm 28,9% so với cùng kỳ, khiến cho lợi nhuận cả năm chỉ còn tăng 26,4% và đạt 4.615 tỷ đồng.
Về sự sụt giảm lợi nhuận, theo giải thích của ngân hàng thì sự thay đổi chủ yếu xuất phát từ chính sách xử lý triệt để nợ xấu quá khứ và do tuân thủ quy định về hạch toán lợi nhuận với trường hợp thoái vốn tại công ty con. Trong quý 4, ngân hàng đã trích lập 1.316 tỷ đồng cho dự phòng, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước.
Và với việc mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, MB đã hoàn thành trích lập 100% giá trị trái phiếu đặc biệt của VAMC. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt ở mức chưa đến 1,2% trên dư nợ, giảm so với mức 1,31% đầu năm.
Một điểm đáng lưu ý nữa là khi so sánh giữa hai bản báo cáo là hợp nhất và ngân hàng riêng lẻ thì thấy lợi nhuận của MB hợp nhất lại thấp hơn so với ngân hàng mẹ tới 615 tỷ đồng. Theo giải thích của ngân hàng, đây chính là khoản lợi nhuận đến từ việc bán một phần vốn góp từ Công ty Tài chính TNHH Một thành viên MB cho Ngân hàng Shinsei Bank (bán 49% vốn – PV) được hạch toán thẳng vào vốn chủ sở hữu thay vì kết quả kinh doanh trong kỳ theo quy định tại Thông tư 202/2014/TT-BTC.
Tính hết năm 2017, sau khi đã chi trả ròng gần 1.055 tỷ đồng tiền cổ tức cho cổ đông, vốn chủ sở hữu của MB vẫn đạt hơn 29.601 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ hơn 18.155 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu hoạt động của ngân hàng MB riêng lẻ và ngân hàng MB hợp nhất