LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Đặng Văn Hậu công tác tại Sacombank Hàm Giang chi nhánh Trà Vinh gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
———————-
Cách đây khoảng 1 năm, tôi là Sinh Viên năm cuối chuyên ngành Quản trị kinh doanh, trong lúc đang loay hoay tìm nơi thực tập, may mắn tôi được biết đến Chương trình Thực tập viên tiềm năng của ngân hàng Sacombank. Sau thời gian tìm hiểu, tôi được biết đây là chương trình chuyên tiếp nhận và đào tạo những Sinh viên năm cuối thuộc khối ngành Kinh tế như tôi, có cơ hội được học tập và tiếp cận với môi trường công việc thực tế, không ngần ngại tôi liền nộp hồ sơ ứng tuyển. Trải qua 3 vòng tuyển chọn gắt gao, tôi chính thức được nhận vào thực tập ở chi nhánh Trà Vinh. Trong qua trình thực tập, nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ và chỉ dạy tận tình của các anh chị tại cơ quan, cùng với sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng của bản thân, tôi được lãnh đạo đánh giá khá cao và được tuyển vào với chức danh Chuyên viên khách hàng.
Ngày nhận quyết định tuyển dụng chính thức, tôi như vỡ òa trong niềm hạnh phúc, hạnh phúc với cái “mác” nhân viên ngân hàng, hạnh phúc vì mọi cố gắng của bản thân đã được đền đáp. Và hơn thế nữa, tôi hạnh phúc chính vì sự vui mừng của gia đình và sự ngưỡng mộ của bạn bè, hàng xóm,…
Không lâu sao, tôi được chuyển về nhận việc tại một Phòng giao dịch gần nhà – PGD Hàm Giang. Tuần đầu tiên, tôi phải nghiên cứu lại những kiến thức cơ bản về ngân hàng, về chính sách tín dụng, về nghiệp vụ, sản phẩm, về cách tiếp thị và tư vấn khách hàng,…Tuần thứ hai, tôi được giao địa bàn quản lý và tiến hành khảo sát làm quen địa bàn. Và rồi đến tuần thứ 3, mọi thứ dường như đã sẵn sàng, tôi bắt đầu được giao kế hoạch kinh doanh như các anh chị đồng nghiệp. Với tôi, những con số gọi là chỉ tiêu lúc bấy giờ như đang hò hét, nhảy múa trong đầu. Bởi vì, lúc này tôi đang rất háo hức, nhiệt huyết và muốn công hiến hết mình. Tôi tin rằng, bản thân mình không những làm được mà còn làm rất tốt. Thế là, tôi bắt đầu bắt tay vào công việc thực tế.
Xem thêm tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Nhưng mọi thứ không như những gì tôi thường nghĩ khi ngồi trên ghế Giảng đường. Khi va chạm vào công việc thực tế, tôi bắt đầu gặp không ít rắc rối. Để thực hiện chỉ tiêu ngày nào tôi cũng phải đi ngược về xuôi để tìm kiếm khách hàng, lúc đầu thì tìm đến người thân, bạn bè, sau đó thì “lân la” đến người thân của người thân, bạn bè. Khi hết nguồn thì tiếp cận đến từng hộ dân, ấy vậy mà tôi chẳng nhận được gì ngoài sự hờ hững, thái độ lạnh lùng, thậm chí là những lời xua đuổi.
Thế là 1 tuần, rồi lại 2 tuần trôi qua, chưa bao giờ thời gian với tôi lại trôi qua nhanh đến vậy, tôi vẫn cứ loay hoay đi hết hẻm nọ, ngõ kia để tiếp thị, tìm kiếm khách hàng, tôi đã mất dần những buổi chiều rong chơi, hay những buổi tối la cà quán bụi mà thay vào đó là vô vàn những deadline cần phải hoàn thành. Thời gian vẫn đang âm thầm đếm ngược, những ngày cuối tháng đã cận kề. Còn tôi, tôi vẫn chưa hoàn thành kế hoạch, lúc này tôi bắt đầu thấu được cảm giác áp lực chỉ tiêu, bắt đầu cảm thấy lo lắng, tôi lo đến mức ăn không ngon, ngủ không yên. Và thật, không nói quá ngay cả trong mơ tôi cũng nghĩ đến kế hoạch thực hiện chỉ tiêu.
Thế nhưng, sự hăng say và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã nhanh chóng chóng xua đi trong tôi những áp lực và mệt mỏi. Tôi lại tiếp tục “hành trình” tiếp thị, tìm kiếm khách hàng của mình, và rồi may mắn đã mỉm cười, tôi bắt đầu tìm được những khách hàng đầu tiên.
Vẫn tưởng, khó khăn của nghề ngân hàng chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm khách hàng, nhưng không phải vậy. Khi có được khách hàng, tôi lại tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình thiết lập hồ sơ. Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ quên những bộ hồ sơ đầu tay do chính mình thực hiện, những bộ hồ sơ mà tôi phải mất gần cả tuần để hoàn thành, tính từ khâu tiếp nhận, thẩm định, đến trình ký. Khi thực hiện những bộ hồ sơ ấy, tôi cứ loay hoay sai hết sai chỗ nọ, đến sai chỗ kia, khi thì sai biểu mẫu, khi thì sai thông tin khách hàng, khi thì sai hợp đồng tín dụng,…sai rồi lại sửa, sửa rồi lại sai, khiến tôi cảm thấy hoang mang và vô cùng lo lắng vì cái nghề “buôn tiền” này, vì lỡ không may “trật con tán, bán con trâu”, “sai một li, đi một dặm”.
Nhưng khó khăn với tôi cũng trôi qua khi người phụ trách tôi thấu hiểu những gì tôi gặp phải. Sếp luôn rà soát kỹ lưỡng, chỉ dạy tận tình cho những nhân viên mới vào nghề như tôi, nếu phát hiện sai sót, sếp là người đầu tiên chỉ tôi thấy lỗi sai và “cầm tay” dạy lại cho tôi từng li, từng tí, cứ thế quen dần, tốc độ thiết lập hồ sơ của tôi ngày một nhanh hơn và chính xác hơn. Ngoài ra, tôi cũng có những đồng nghiệp thân thiệt và luôn đoàn kết, giúp đỡ những người mới rất nhiệt tình. Và tôi cũng đã có được những vị khách hàng đầu tiên vô cùng dễ tính, luôn vui vẻ, mỉm cười dù tôi có mới vào nghề còn chưa chuyên nghiệp, còn phiền họ đợi lâu, phiền họ bổ sung hồ sơ nhiều lần.
Giờ đây, sau gần 8 tháng, kể từ ngày còn bỡ ngỡ nộp hồ sơ thực tập vào Sacombank, con người tôi dường như thay đổi lạ. Tôi không còn rụt rè, nhút nhát, thay vào đó là sự tự tin, dạn dĩ. Tôi trước đây non nớt và thiếu kinh nghiệm, dù hiện tại chưa thể gọi là già dặn nhưng cũng đủ rắn rỏi để đương đầu với những sóng gió bên ngoài. Tôi cách đây 8 tháng tính hay cẩu thả, còn tôi của hiện tại tính tỉ mỉ và cẩn trọng đến từng chi tiết,…Bạn tôi, có người nhận xét tôi “dạo này thay đổi nhiều, trưởng thành và chín chắn hơn trong cả nghĩ và hành động”. Tôi cười và nói “Có lẽ ngân hàng giống như lò luyện tiên đơn, đã tôi luyện một con khỉ chân ướt chân ráo như tôi trở nên kiên cường và rắn rỏi hơn”.
Dẫu biết, phía trước còn lắm những chông gai nhưng tôi không lấy làm tuyệt vọng, tôi cảm thấy mỗi ngày đến ngân hàng là một niềm vui, là mỗi ngày tôi được học hỏi và hoàn thiện bản thân. Tôi luôn nhắn nhủ bản thân mình phải không ngừng cố gắng, không ngừng học hỏi, tích cực trau dồi kiến thức và kỹ năng. Làm tốt công việc bằng tất cả niềm đam mê và sự nhiệt huyết. Tôi sẽ phấn đấu không ngừng để trở thành chàng nhân viên ngân hàng hội tụ yếu tố đủ 3 yếu tố “Tâm – Tầm và Tài”.