Ngân hàng- Nghề không đùa với rủi ro

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Phạm Xuân Hòe – Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân Nhà nước Việt Nam gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

————

Tôi vào ngành ngân hàng từ thời bao cấp của những năm thập niên 80. Thoáng một cái đã 33 năm trôi qua. Ngày đầu khởi nghiệp, tôi là cậu sinh viên Cao đẳng ngân hàng ra trường được phân về chi điếm ngân hàng huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, chính quê của mình. Chừng ấy năm tôi vẫn gắn bó với nghề và trải qua những thăng trầm ở nhiều vị trí khác nhau từ vi mô (tác nghiệp kinh doanh) lên vĩ mô (nghiên cứu xây dựng chính sách), rồi ngược lại.

Qua thực tế làm việc và trao đổi cùng đồng nghiệp, bạn bè thì điều đúc kết, chiêm nghiệm trong tôi, quả đúng ngân hàng là nghề kinh doanh trên rủi ro. Ở các nước kinh tế thị trường phát triển cái nghề trung gian “buôn tiền”, cung ứng sản phẩm dịch vụ, nhất là dịch vụ tư vấn tài chính được xem như nghề của tầng lớp trung lưu. Oai chứ, tự hào chứ. Nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tại ở Việt Nam khi các vụ đại án ngân hàng đang lần lượt đưa ra xét xử chủ tịch của 2 ngân hàng cổ phần như ông Hà Văn Thắm, ông Phạm Công Danh … cũng như nhiều cán bộ cấp cao của ngân hàng khác mới thấy nghề ngân hàng đòi hỏi những chuẩn mực khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức và cái tâm với nghề.

Làm nghề này không thể đùa với rủi ro. Ngân hàng thương mại (NHTM) với vai trò trung gian huy động nguồn vốn tạm nhàn rỗi từ doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế để cho vay với khách hàng thiếu vốn. NHTM cũng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, với chỉ 1 đồng vốn vốn tự có và coi như tự có nhưng đi huy động vốn gấp đến 18-20 lần, cũng vì thế lợi ích của người gửi tiền luôn được pháp luật bảo vệ hàng đầu.

Xem tất cả các bài viết dự thi

NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG

tại đây

Vậy nên, ông chủ nhà băng không thể ỷ vào cái giấy phép cho vị thế trung gian để huy động vốn từ người gửi tiền mà cho vay các doanh nghiệp sân sau của mình hay cho vay tập trung quá mức vào ngành hàng rủi ro cao. Cái kết cục lạm dụng đó ai cũng thấy bài học nhãn tiền. Chẳng những thế khi lây lan, nó có thể gây đổ vỡ cả hệ thống, nợ xấu bùng phát gây khủng hoảng tài chính ở cấp quốc gia, khu vực, thậm chí toàn cầu. Khủng hoảng tài chính của Thái Lan 1997 lan ra cả khu vực ASEAN; khủng hoảng hệ thống tài chính của Mỹ cũng như thế giới từ 2008 đến nay vẫn còn dư âm khiến cả nền kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi chậm chạp.

Rủi ro từ cái nhỏ nhất

Bạn là cán bộ kiểm ngân. Xin đừng nghĩ đơn giản là công việc chỉ là đếm tiền, đóng gói, nhận tiền, chi trả tiền mặt, rồi đi nạp tiền ATM… làm gì có rủi ro?. Đừng lầm nghĩ như vậy. Hãy thử thống kê vài rủi ro như: tiền giả, séc du lịch giả, hay thiếu hụt chênh lệch quỹ một đồng cũng phải toét mắt tìm bằng xong, kể cả để tồn quỹ cuối ngày quá cao gây lãng phí vốn cũng phải trừ điểm, trừ lương.

Một trăm đô la giả ở mức tinh vi mà bằng mắt thường, kinh nghiệm cũng không thể nhận ra, chỗ làm việc lại thiếu máy soi hiện đại thì chắc là bạn đi tong ít nhất 1/3 tháng lương rồi. Cá biệt bạn có thể đối mặt với loại rủi ro đặc biệt nguy hiểm là bọn cướp nhà băng có vũ khí như đã xảy ra ở một vài phòng giao dịch của NHTM… Đó là những rủi ro người làm kiểm ngân phải đối mặt.

Bạn là kế toán viên (Teller). Mỗi ngày cũng phải đạt 70 – 80 món hạch toán. Xin đừng lầm tưởng tác nghiệp này ít rủi ro. Thử tưởng tượng vào một ngày không tỉnh táo, bạn đánh nhầm số tiền của khách hàng chuyển đi từ 140 triệu thành 1,4 tỷ đồng mà người kiểm soát vẫn cứ cho đi. Ôi thôi, chỉ nhầm một số 0 mà vô cùng nguy hiểm. Món chuyển tiền trong hệ thống, ngay khi phát hiện có thể báo thu hồi, nếu đã ra ngoài hệ thống ngân hàng mình thì rất rách chuyện. Khi bạn may mắn thông qua các mối quan hệ để thuyết phục được khách hàng nhận tiền thừa trả lại, trường hợp họ tiêu việc khác hoặc cố tình chiếm dụng thì lại phải ra cơ quan pháp luật.

Bên cạnh đó còn nhiều thứ rủi ro như chuyển nhầm tài khoản, thu phí, lãi, thiếu thừa, tiếp khách hàng không niềm nở chu đáo, bị bấm nút ở mức phục vụ không tốt vài lần thì vị trí của bạn cũng lung lay.

Rủi ro danh mục cho vay và hệ thống

Bạn là cán bộ tín dụng. Đây là công việc lúc nào cũng rủi ro. Chẳng thế khi tôi còn là Giám đốc chi nhánh NHTM cổ phần có vốn chi phối của Nhà nước, nhiều vị chức sắc có con thi đỗ ở hội sở phân về chi nhánh khi gặp tôi đặt thẳng vấn đề anh xem bố trí cho cháu vào nghiệp vụ kế toán chứ làm tín dụng rủi ro lắm.

Tôi mỉm cười đáp lại, nghề ngân hàng chỗ nào cũng có rủi ro, không rủi ro tín dụng thì rủi ro vận hành cũng mất tiền như chơi. Hàng trăm ngàn người đang làm trong toàn ngành nếu cứ sợ thì bỏ hết chăng!? Quan trọng mỗi chúng ta có bén duyên với nghề không, có đủ năng lực, có tâm trong sáng, không tư lợi cá nhân, vay ké, không lợi dụng ví trí đặt điều kiện riêng cho mình, đi liền là hồ sơ đầy đủ, chặt chẽ, thì dù khách hàng vay có gặp khó khăn, nguy cơ phát sinh nợ xấu, thì vị thế ngân hàng bạn vẫn rất cao trong mọi trường hợp đàm phán xử lý nợ.

Trong nghề tín dụng tuân thủ pháp luật, đúng quy trình cho vay, hồ sơ đầy đủ chặt chẽ… không có nghĩa là mọi việc đều xuôi chèo, mát mái. Tôi đã từng viết bài báo “đứng cho vay, quỳ thu nợ”. Để thấy rất cần nhìn nhận chia sẻ với nghề tín dụng ngân hàng trong môi trường kinh tế của nước ta khi thông tin chưa thực sự minh bạch mà mọi nguồn cơn của rủi ro tín dụng lại dồn đến từ thông tin bất cân xứng. Khi muốn được vay vốn, khách hàng nào cũng đều đưa thông tin tốt, có lợi cho mình. Nhưng ngân hàng lại đối mặt với việc điều tra và kiểm chứng thông tin, phân tích thẩm định tín dụng đầy khó khăn. Bên cạnh là áp lực chỉ tiêu giao, rồi đối thủ cạnh tranh… nếu may mắn bạn làm việc trong một môi trường tốt, sếp thấu hiểu, đồng nghiệp giúp đỡ, nắm rõ được khẩu vị rủi ro, khách hàng mục tiêu hướng đến thì còn đỡ. Nếu chậc lưỡi, bạn cứ cố gắng chạy theo thành tích về chỉ tiêu tăng trưởng thì hậu quả sẽ khôn lường.

Cái sự không “xuôi chèo, mát mái”còn nằm ở chỗ nghề tín dụng luôn tồn tại những rủi ro hết sức khách quan xuất phát từ phía khách hàng vay vốn do họ làm ăn thua lỗ, phá sản, họ bị vướng vào tranh chấp thương mại như kiện bán phá giá là mọi việc kinh doanh đình đốn, dòng tiền không về thì nợ xấu đã “thai nghén” đến ngày sẽ “đẻ”. Thêm nữa, cũng có một nhóm nhỏ khách hàng làm ăn theo lối chụp giật, thậm chí cố tình lừa đảo, không may cho ai đó vướng vào dạng khách hàng này thì “bị một cái, vái đến già”.

Rủi ro tín dụng thậm chí phát sinh trên cả danh mục cho vay của ngân hàng khi môi trường kinh doanh đầy biến động. Nhìn lại chặng đường 2010-2011, khi đó lạm phát tăng cao, kinh tế vĩ mô bất ổn, để kiểm soát lạm phát, Chính phủ chỉ đạo siết chặt cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Lãi suất tiền gửi huy động vọt lên 18-19%/năm, lãi suất cho vay ra từ 22-25%/ năm thì doanh nghiệp nào chịu nổi. Sự đánh đổi (trả giá) tất yếu cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát về 6,81% (năm 2012) làm cho hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, số còn lại phần lớn sống lay lắt. Cho dù trước thời điểm đó, ngân hàng đều đã thẩm định bài bản, phê duyệt cho vay căn cơ thì tài giỏi đến mấy những hậu quả xấu từ nền kinh tế cũng sẽ chảy dồn về danh mục cho vay của ngân hàng mà thôi.

Năm 2012, ở chi nhánh của tôi có mấy khách hàng trong nhóm ngành xây dựng cũng đối mặt với vô vàn khó khăn. Một khách hàng vay vốn thi công công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Một khách hàng vay vốn thi công công trình làm việc của Bộ Công An. Các công trình này đều được cân đối vốn từ trái phiếu Chính phủ, lúc thẩm định, hội đồng tín dụng đều đánh giá nguồn vốn thanh toán là khá chắc chắn, rủi ro ở mức thấp. Nhưng siết tài khóa, nợ đọng xây dựng cơ bản cả nước lên trên 100 ngàn tỷ thì nhóm khách hàng này không phát sinh nợ có vấn đề và nợ xấu mới là chuyện lạ. Kết cục của tăng trưởng nóng tín dụng nhiều năm dồn lại, nợ xấu cả hệ thống tăng lên trên 17% vào tháng 9/2012 không thể loại trừ nguyên nhân từ bất ổn vĩ mô và mặt trái của chính sách.

Chưa hết, rủi ro khoản vay cũng vì chính sách quy định xung đột, bất hợp lý (điều 478 của Bộ Luật Dân sự năm 2005) cộng thêm cách hiểu, áp dụng khác nhau của cơ quan tư pháp, nhiều khi ngân hàng khóc ròng về loại rủi ro kiểu này. Điển hình như “đơn kêu cứu khẩn cấp” của VPBank về hợp đồng tín dụng cho vay giữa chi nhánh VPBank Quảng Trị đối với doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Thành Minh khi bản án phúc thẩm số 12/2014/KDTM-PT ngày 8-12-2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã phán quyết không chấp nhận lãi suất cho vay theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng giữa VP Bank và doanh nghiệp là 23% mà buộc áp dụng lãi suất cho vay trong hạn là 13,5% (bằng lãi suất cơ bản 9% x 150%), lãi suất quá hạn là 9%.

Những khoản rủi ro oan uổng, khách quan, thậm chí đến mức phi lý nêu trên có mấy ai thấu hiểu, chia sẻ cùng ngân hàng ?!

Rủi ro luôn đồng hành cùng hoạt động ngân hàng. Nhưng tôi tin với bản lĩnh, sự tinh thông nghề nghiệp, tuân thủ các chuẩn mực về chuyên môn, về đạo đức, có tâm với nghề cộng thêm yếu tố may mắn sẽ giúp mỗi chúng ta thành công.

Mời tham dự cuộc thi viết: “Nghề Tài chính – ngân hàng: Thử thách và vinh quang”

Bài viết mới