Trung, dài hạn vẫn gian nan
Báo cáo 9 tháng của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn bình quân của hệ thống TCTD khoảng 33,4% – giảm nhẹ so với cuối năm 2016 (34,5%). Việc giảm tỷ lệ này, dù chưa nhiều, là nỗ lực không nhỏ từ phía nhà điều hành cũng như bản thân các NH. Tuy nhiên, Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng cho biết, tỷ lệ này ở một số TCTD cao sát mức trần quy định 50% tại Thông tư 06. Việc “lấy ngắn nuôi dài” là việc cực chẳng đã của NHTM khi phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn rót vào những khoản vay dài, để rồi lo nguy cơ thiếu hụt thanh khoản…
Tín dụng nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi sự tính toán chi tiết và trường vốn
Một chuyên gia tài chính cho rằng nếu chỉ nhìn ở bình diện tỷ lệ chung thì rất khó đánh giá thực chất của vấn đề. Bởi việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mỗi NH là không giống nhau. 9 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn tiếp tục xu hướng giảm khi chỉ tăng 10,7% (cùng kỳ năm 2016 tăng 14,9%), chiếm 54% tổng tín dụng (cùng kỳ năm 2016 là 55,6%).
Theo chia sẻ của TS. Bùi Quang Tín: Có một thực tế là kể cả có huy động được vốn dài hạn, nhưng rất nhiều trường hợp khách hàng rút tiền trước kỳ hạn, thì khi đó vốn dài cũng trở thành vốn ngắn. “Thậm chí cũng có NH cho khách hàng hưởng lãi suất đối với kỳ hạn gần nhất. Ví dụ kỳ hạn gửi là 2 năm, nhưng đến 6 tháng thì khách hàng rút tiền thì NH vẫn cho hưởng lãi ở kỳ hạn 6 tháng. Đó là lý do tôi cho rằng nguồn vốn trung, dài hạn ở các NH không những hiếm mà đâu đó còn chưa mang tính ổn định. Ở các NH nước ngoài, nếu gửi trung dài hạn mà rút trước kỳ hạn chắc chắn sẽ bị phạt khá nặng, còn ở Việt Nam thì chưa có quy định như vậy”, vị này cho biết.
NHNN đã hoàn thành xong việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi lần 2 Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Một trong những nội dung được quan tâm là việc giãn lộ trình thực hiện giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các TCTD. Theo dự thảo thông tư sửa đổi, từ đầu 2018, giới hạn này sẽ giảm từ 50% xuống còn 45% đối với NH, chi nhánh NH nước ngoài. Mức 40% được quy định tại Thông tư 06/2016 sẽ lùi lại thời hạn áp dụng sang đầu năm 2019. Với tình hình hiện nay nhiều ý kiến cho rằng sẽ rất khó khăn cho các NH khi phải tuân thủ quy định này. Vì nếu bị hạn chế sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tất yếu NH phải tăng huy động nguồn vốn kỳ hạn dài.
Một gợi mở khác cho các NH là kêu gọi vốn ở các tổ chức tài chính nước ngoài. Nhưng để thu hút được vốn cũng không phải chuyện đơn giản, vì phụ thuộc phần lớn vào uy tín, tín nhiệm của mỗi nhà băng. Đó còn chưa nói tới lãi suất cho vay của những tổ chức nước ngoài không rẻ. Ví dụ, hiện các đơn vị vay ngoại tệ trên thị trường quốc tế với lãi suất ngắn hạn rơi vào khoảng 2-3%, vay trung dài hạn nhiều khi lên đến 4-5%. Chưa kể cộng với biến động tỷ giá, nếu như không mua các hợp đồng phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá thì lãi suất sẽ tương đối cao. Trừ khi NH được tài trợ theo một dự án lớn của Nhà nước như: hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao…
Chậm, nhưng phải chắc
Theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính, ở NH Việt Nam, có điểm lợi là không có lãi suất cố định dài hạn, mà lãi suất điều chỉnh, không có rủi ro nhiều. Ngay cả đối với những món vay trung, dài hạn các NH cũng có thể điều chỉnh lãi suất từng thời kỳ. Còn đối với các quốc gia khác, như ở Mỹ, với những món vay trung, dài hạn 3 – 5 năm thì lãi suất là cố định. Vấn đề của NH Việt cần lưu tâm là thanh khoản. Do vậy, để cân đối được nguồn vốn và thu hút thêm vốn trung, dài hạn thì không gì khác ngoài việc phải tiếp tục huy động vốn kỳ hạn dài. Song việc này có hai mặt, bởi khi mời chào khách hàng gửi vốn dài hạn, rất dễ trở về “bệnh” chạy đua lãi suất.
Bên cạnh đó, TS. Tín cũng thấy cần có cơ chế từ phía NHNN đối với trường hợp khi khách hàng rút tiền trước kỳ hạn. “Tới lúc phải dùng biện pháp hành chính, chứ không phải cái gì cũng chỉ dựa vào thị trường. Thêm nữa, các NH chỉ nên tập trung cho vay trung, dài hạn nhắm vào những dự án tốt, hạn chế các dự án bất động sản mang tính đầu cơ”, chuyên gia này cho hay.
Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cũng nhấn mạnh mỗi NH cần tiết giảm chi phí, kiểm soát chất lượng dư nợ một cách tốt nhất, tiết giảm chi phí, trích lập dự phòng rủi ro nhằm mục tiêu ít nhất duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay, phấn đấu giảm tiếp lãi suất với những khách hàng tốt. “Chỉ đạo của Chính phủ cũng như NHNN đã nêu rõ tập trung vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Những lĩnh vực trên đều đã được Vietcombank tập trung nguồn vốn từ rất nhiều năm trước. Đến nay, riêng lĩnh vực ưu tiên dư nợ của Vietcombank chiếm khoảng gần 50%. Lĩnh vực bất động sản là 8%, cho vay với BOT, BT khoảng dưới 1%”, ông Dũng chia sẻ.
Việc tìm nguồn vốn nước ngoài tuy khó, nhưng cũng không phải là không làm được. Quan trọng là nỗ lực từ phía các NH trong việc nâng cao chỉ số xếp hạng tín nhiệm của mình, giữ cam kết vay trả đúng thời hạn… Đề xuất NHNN tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống NH trên thị trường liên NH với lãi suất thấp như hiện nay, có thể hạn chế tỷ lệ dự trữ bắt buộc để NH có thêm nguồn vốn cung ra cho nền kinh tế trong ba tháng cuối năm 2017 cũng được phần lớn các chuyên gia tham vấn.
“Cho phép NH phát hành chứng chỉ tiền gửi và có thể chấp nhận lãi suất cao hơn một chút là một trong những cách để huy động nguồn vốn trung, dài hạn, nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Chính sách tiền tệ gắn chặt với chính sách tài khoá. Muốn lãi suất giảm, nhưng nếu lãi suất trái phiếu Chính phủ cao thì rất khó để đẩy lãi suất trên thị trường 1 xuống. Đòi hỏi NH phải huy động vốn trung, dài hạn với lãi suất thấp thì quá nan giải cho NH”, chuyên gia chia sẻ.