Ngân hàng “khỏe” thì dòng tiền vào – ra sẽ tốt

P.V:Thưa ông, dư luận đang quan tâm tới việc phá sản NH và mức chi trả bảo hiểm tiền gửi quá thấp. Là người từng ở vị trí quản lý cao nhất của ngành NH, ông có bình luận gì về vấn đề này?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Thực ra, phá sản NH trong Luật đã có từ trước, và đang được sửa chữa, nâng điều kiện để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Sau hàng loạt biện pháp như sáp nhập, liên doanh, mua 0 đồng… “cứu” không nổi nữa thì mới cho phá sản. Khi phá sản thì định giá, sau đó chia đều cho các đối tượng ưu tiên, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, sau đó là đến người gửi tiền.

Luật nâng mức chi trả bảo hiểm tiền gửi từ tối đa 50 triệu lên 75 triệu đồng. Hiện Quốc hội cũng đang thảo luận, nhưng theo tôi, với mức thu nhập hiện tại của đại đa số người dân thì phải tăng lên mức hợp lý hơn. Hiện, NHNN đang trình Chính phủ để trình lên Quốc hội, điều chỉnh tăng để đỡ thiệt hại đối với khách hàng.

TS. Cao Sỹ Kiêm.

TS. Cao Sỹ Kiêm.

P.V:Vậy số tiền nâng lên, theo ông bao nhiêu thì hợp lý?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Khó có thể nói chính xác con số bao nhiêu khi mà chưa có số liệu thống kê đầy đủ về mức tiền gửi của người dân. Bởi vậy, để cân đối, cần phải có sự điều tra, xác minh xem mức gửi tiền trung bình của người dân vào các NH khoảng bao nhiêu rồi mới “chốt” phương án hợp lý. Mục đích cuối cùng vẫn là đảm bảo tối đa quyền lợi cho người gửi tiền.

P.V: Nhưng nếu không có biện pháp bồi thường toàn bộ tiền gửi theo sổ tiết kiệm, thì dù có chốt ở mức nào người dân vẫn sẽ bị thiệt, vì số tiền nhận lại luôn thấp hơn (có thể nhiều lần) so với tiền gửi?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Thực ra, với thông tin hiện nay, hầu hết người dân đều biết rõ “sức khỏe” của NH mà mình đang gửi tiền. Bởi vậy, họ đã, đang và sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển dòng tiền của mình vào nơi an toàn hơn. Tất nhiên, cũng sẽ có những người vì lý do đặc biệt không thể tiếp cận các thông tin nên không biết, nhưng con số này chắc chắn không nhiều, và khi NH phá sản thì vẫn đủ tiền để bồi thường cho họ.

P.V:Nhưng nếu mức bồi thường được “chốt” tối đa thì NH sẽ vin vào đó để không trả hết tiền cho khách, và sẽ chẳng ai bảo vệ người dân?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Người dân, trước khi gửi tiền vào NH, hầu hết họ đã có sự lựa chọn của riêng mình. Với NH lãi cao thì rủi ro cũng sẽ cao hơn, NH lãi thấp thì rủi ro cũng sẽ thấp. Vậy nên rút ra hay gửi vào hoàn toàn là quyết định ở người gửi tiền, không ai ép được họ cả.

P.V:Như vậy, vô hình trung, người dân sẽ bị một số NH lớn “ép” lãi suất. Cuối cùng họ vẫn sẽ bị thiệt?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Không, theo tôi, trong hàng trăm tổ chức tín dụng, thời gian tới, khi Luật cho phá sản thì cũng chỉ có 1-2 NH “dính”, nên số còn lại vẫn cạnh tranh một cách bình đẳng. Với lại, trong thời buổi kinh tế thị trường, người dân sẽ biết lựa chọn nên các nhà băng khó có thể làm ăn kiểu chụp giật lắm.

P.V: Cứ cho là khách hàng có lựa chọn, nhưng rõ ràng khi cho NH phá sản và chi trả bảo hiểm tiền gửi thấp, thì e rằng người dân sẽ ngại giao dịch với nhà băng, sẽ “cố thủ” tiền của mình bằng cách mua vàng hoặc một kênh đầu tư nào khác?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Tất nhiên việc cho phép NH phá sản và bảo hiểm tiền gửi thấp sẽ hạn chế động lực gửi tiền của người dân. Tuy nhiên, số thiệt hại sẽ không nhiều và nó không tạo ra ảnh hưởng tới xã hội lớn như nhiều người hình dung. Như tôi đã nói, trong cả trăm tổ chức tín dụng, cùng lắm cũng chỉ có 1 đến 2 NH bị cho phá sản mà thôi. Đây là những NH quá yếu kém, kinh doanh bết bát và không có khả năng phục hồi, dù đã được NHNN tìm mọi cách “cứu” bằng các biện pháp như sáp nhập, liên doanh, mua 0 đồng…

P.V:Vậy theo ông, cốt lõi của vấn đề là gì?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Quốc hội sẽ tiếp tục bàn và đưa ra phương án cuối cùng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc nâng lên hạ xuống mức bảo hiểm tiền gửi chỉ là giải pháp ngắt ngọn. Cái quan trọng nhất là cần củng cố, cơ cấu lại ngành NH, để người dân yên tâm gửi tiền vào đó.

Với người dân, gửi tiền vào NH là 1 kênh đầu tư, còn với nền kinh tế, NH “khỏe” thì dòng tiền vào ra sẽ tốt, tức vốn chảy vào nền kinh tế cũng sẽ nhiều và “thông” hơn. Bởi vậy, cái gốc của vấn đề là giải quyết nợ xấu, sở hữu chéo…, tìm mọi cách để NH kinh doanh, phát triển tốt, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

P.V:Xin cảm ơn ông!

Cần tăng quyền cho cổ đông trong tổ chức tín dụng

Bài viết mới