Theo phản ánh, từ năm 2011, khi tiến hành các hoạt động cho vay, Ngân hàng hợp tác (thời điểm đó còn là Quỹ tín dụng Nhân dân) Chi nhánh Hưng Yên thực hiện thu phí ngoài các khoản vay của khách hàng trong khi Ngân hàng Nhà nước đã nghiêm cấm việc này. Mức thu phí ngoài áp dụng khá tuỳ tiện, khi thì bằng 0,5% giá trị của khoản vay, khi thì bằng 1% trên số tiền khách hàng vay. Cũng theo phản ánh, tiền chiếm hưởng được từ khách hàng không được phía phòng giao dịch chuyển vào “tài khoản ghi có” như trong phiếu thu mà được chuyển vào một số tài khoản thanh toán chuyển tiền giữa chi nhánh và phòng giao dịch (tạm thời chúng tôi chưa tiết lộ). Khi chuyển tiền, tên người nhận sẽ là một số cán bộ ngân hàng. Việc làm này nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của hệ thống ngân hàng ngành dọc. Theo nhẩm tính của người cung cấp thông tin cho phóng viên, tính trên tổng dư nợ mỗi năm của chi nhánh này, thì số tiền thu sai quy định Thông tư 05/2011 của Ngân hàng Nhà nước tại đây có thể lên hàng tỷ đồng mỗi năm. Việc thu phí ngoài diễn ra cho đến tận mới đây mới chấm dứt.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong qua điện thoại, ông Vũ Thanh Bình – Giám đốc Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Hưng Yên phủ nhận toàn bộ nội dung nói trên. Ông Bình cho rằng Chi nhánh không hề thu phí ngoài như nội dung phản ánh mà luôn chấp hành đúng quy định của pháp luật. Ông Bình nói đại ý phía chi nhánh ngân hàng cũng đã xử lý một số trường hợp vi phạm nhưng không phải là do thu phí đúng hay sai.
Tuy nhiên, theo xác minh của phóng viên Tiền Phong, việc thu phí trái với quy định xảy ra tại chi nhánh này là có thật. Phóng viên Tiền Phong trong vai một cán bộ ngân hàng tìm hiểu thông tin, một số người có tên trong phiếu thu mà chúng tôi thu thập được cũng xác nhận có nộp phí ngoài cho ngân hàng khi vay ở đây và xác nhận luôn chữ ký trong phiếu thu mà chúng tôi đưa ra là của họ.
Theo nhận định của một cán bộ pháp chế ngành ngân hàng, việc thu phí ngoài của bất cứ ngân hàng thương mại nào trái Thông tư 05 đều vi phạm pháp luật. Đây là giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật nên ngân hàng buộc phải trả lại tiền cho khách hàng, đặc biệt vụ việc có dấu hiệu hình sự cần làm rõ nguồn tiền có được do thu trái quy định của khách hàng hiện đang nằm ở đâu, ai là người chiếm hưởng?
Người cung cấp nguồn tin cho phóng viên Tiền Phong cho biết nhiều tài liệu thể hiện chứng cứ việc thu phí ngoài khoản vay có thể đã bị tiêu huỷ nhưng dấu vết trong tài khoản chuyển tiền do thu phí sai mà có được giữa phòng giao dịch (thuộc Chi nhánh) và Chi nhánh thì không thể xóa bỏ.
Đã có 20 ngân hàng cho vay dự án BOT, BT