Vài năm qua, nhiều ngân hàng đã thực hiện mua cổ phiếu quỹ, với những cái tên nổi bật như ACB, Maritime Bank, TPBank, Techcombank… Mới đây nhất, VIB cũng lên kế hoạch tương tự.
Thông thường, việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ sẽ làm tăng niềm tin cho nhà đầu tư bởi họ kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ được đẩy lên cao khi có khối lượng gom mua lớn, đặc biệt trong bối cảnh giá đã duy trì ở mức thấp hoặc ít có biến động trong một thời gian dài. Nhưng động thái mua cổ phiếu quỹ gần đây của các ngân hàng dường như không còn phản ánh điều đó.
Techcombank chi 4.000 tỷ để mua lại toàn bộ cổ phiếu do HSBC nắm giữ
Techcombank đi tiên phong trong việc mua lại cổ phiếu quỹ trong năm nay. Theo kế hoạch ban đầu, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm khoảng 5.000 tỷ nhằm đáp ứng vốn phát triển cũng như tăng năng lực cạnh tranh, song đến phút chót nhà băng này lại bất ngờ tạm hoãn và ưu tiên mua lại số cổ phần của HSBC để làm cổ phiếu quỹ. HSBC là cổ đông lớn nắm hơn 19,4% vốn điều lệ và đã đồng hành cùng Techcombank trong một thời gian dài. 12 năm sát cánh bên HSBC, Techcombank đã bứt phá ngoạn mục với hầu hết các chỉ số chính đều tăng trưởng gấp cả chục lần so với thuở ban đầu.
Trước khi thoái vốn, HSBC cũng đã có tín hiệu “dọn đường” khi rút người khỏi Techcombank vào năm 2012. Trong quãng thời gian 5 năm chờ đến ngày chia tay chính thức, dù rằng ngành ngân hàng nói chung gặp khó khăn nhưng Techcombank lại là một trong số ít các trường hợp hiếm hoi có sự bứt tốc theo chiều thẳng đứng. Có lẽ nhờ vậy, khi có thông tin về việc thoái vốn của HSBC gần đây, nhà đầu tư chẳng những không bất ngờ mà thậm chí còn phấn khích hơn vì với tình hình hiện tại của Techcombank cùng kế hoạch niêm yết trên sàn không lâu nữa thì hơn ai hết họ là những người được lợi. Còn HSBC, chưa bàn tới việc lỗ lãi thế nào khi đổ tiền vào Techcombank, song những gì đã thể hiện với đối tác đã cho thị trường thấy được bản lĩnh của một định chế tài chính dày dặn kinh nghiệm và đáng ngưỡng mộ.
VIB cũng hoãn tăng vốn để mua cổ phiếu quỹ
Tiếp sau trường hợp của Techcombank là VIB. Ngân hàng này cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.644 tỷ lên trên 7.900 tỷ đồng bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu; cổ phiếu thưởng từ thặng dư vốn và các quỹ; và bằng cổ phiếu ESOP từ nguồn lợi nhuận sau thuế. Nhưng đến nay lại quyết định hủy tăng vốn cùng kế hoạch mới là mua lại tối đa 10,1% vốn điều lệ làm cổ phiếu quỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, dường như kịch bản Techcombank sẽ lặp lại ở VIB và cũng không loại trừ ngân hàng CBA của Úc có thể tính đến việc thoái vốn. Dự đoán ấy không hẳn là không có cơ sở, nhất là khi CBA đã thực hiện chuyển nhượng mọi hoạt động của CBA chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho VIB cách đây chưa lâu. Đồng thời, cũng có những lo ngại rằng với mức vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu hiện nay còn ở mức trung bình thấp, trong khi VIB là 1 trong 10 ngân hàng được thí điểm áp dụng Basel II, vậy VIB có đáp ứng được các chuẩn ấy không, và có đủ vốn để phục vụ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng như theo xu hướng chung của nền kinh tế hay không?
Ai cũng có lý do chính đáng
Trước khi mua lại cổ phiếu quỹ, Techcombank nói rằng động thái ấy “thể hiện sự cầu thị của Techcombank trước mong muốn của một số cổ đông muốn thu lại lợi nhuận sau 6 năm ngân hàng thực hiện chính sách không chia cổ tức để dồn vốn đầu tư cho phát triển.”
Tuy nhiên, sẽ chẳng mấy ai tin đó là lý do thực sự, và chắc chắn người ngoài cũng khó lòng biết được vì sao HSBC và Techcombank lại chia tay. Thị trường từng đồn đoán rằng, phải chăng ngân hàng ngoại không tìm thấy cơ hội lớn hơn ở Techcombank, cũng có thể Techcombank đang có một chiến lược khác mà HSBC không còn phù hợp nên đường ai nấy đi.
Theo phân tích của các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán HSC, vai trò của HSBC giảm dần từ năm 2012 có thể một phần do những mâu thuẫn tiềm ẩn khi cùng là các ngân hàng hoạt động trong thị trường Việt Nam. Nhận định này có vẻ hợp lý khi HSBC đang có ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và cùng cạnh tranh trực tiếp với Techcombank trên mọi phân khúc.
Còn trường hợp của VIB, đặt giả thiết liệu VIB có đang đi những bước đi giống Techcombank hay không, mà nói thẳng ra là phải chăng cổ đông chiến lược Commonwealth Bank cũng muốn thoái vốn khỏi ngân hàng này? Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB khẳng định ngay với người viết rằng, việc mua cổ phiếu quỹ không liên quan tới đối tác chiến lược vì hai bên đã có cam kết sẽ hợp tác tiếp thêm 3 năm nữa và CBA cũng không hề có ý định thoái vốn khỏi VIB ở thời điểm này.
Đề cập đến việc có chăng VIB sẽ mua cổ phiếu từ nhóm cổ đông nào hay không, đặc biệt khi các lãnh đạo của nhà băng này và người nhà đều sở hữu một tỷ lệ không nhỏ? Đại diện ngân hàng không trả lời trực tiếp song nói rằng việc mua cổ phiếu quỹ sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về các bên tham gia mua – bán, bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận và phù hợp nhất với lợi ích của VIB.
Còn về kế hoạch tăng vốn, CEO của VIB cho biết thêm, ngân hàng sẽ hủy toàn bộ phương án tăng vốn đã trình cổ đông, và việc này cũng sẽ xin ý kiến cổ đông trong thời gian tới. Trước câu hỏi nếu vậy VIB có tính đến phương án khác là tăng vốn cấp 2 để phục vụ phát triển hay không? lãnh đạo ngân hàng trả lời rằng đã có kế hoạch từ đầu năm cho việc tăng vốn cấp 2 của ngân hàng từ các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường; Việc huy động vốn cấp 2 này sẽ giúp cải thiện hệ số CAR, đồng thời cũng đáp ứng tốt vốn cho nhu cầu tăng trưởng kinh doanh của ngân hàng.
Cũng theo ông Vũ, ngân hàng dự định sẽ thực hiện tăng vốn trong năm 2018 với việc trình cổ đông cho giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 để tăng vốn, không loại trừ việc gọi vốn từ nhà đầu tư quốc tế.
Liên quan đến việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm cho vốn chủ sở hữu giảm đi giữa bối cảnh ngân hàng đang hết sức cần vốn, lãnh đạo VIB cho rằng việc mua cổ phiếu quỹ chỉ tạm thời làm giảm số dư vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn, đổi lại ngân hàng sẽ sở hữu tài sản có giá trị hơn đó là chính cổ phiếu của ngân hàng mình!
Là bất đắc dĩ hay còn bởi điều gì khác?
Ai cũng có lý do rất chính đáng cho việc mua cổ phiếu quỹ. Nhưng bên ngoài nhìn nhận vào thì lại không hoàn toàn như vậy, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, việc ngân hàng mua lại cổ phiếu quỹ chẳng qua cũng là…cực chẳng đã. Điều này hẳn là đúng khi phía sau lưng họ còn rất rất nhiều các kế hoạch cần đến tiền khác, chưa kể nguồn vốn dư giả chẳng những không nhiều mà còn đang phải tính đến huy động thêm càng nhiều càng ít, thì việc bỗng dưng bỏ nghìn tỷ ra để mua cổ phiếu quỹ về làm của để dành rõ ràng là… phi lý.
Song có một điều chắc chắn rằng, với kế hoạch mua cổ phiếu quỹ của các ngân hàng hiện nay đều không liên quan gì đến kỳ vọng diễn biến giá cổ phiếu của nhà đầu tư như từng xảy ra trong quá khứ, mà nó chỉ đơn thuần phản ánh chiến lược của ngân hàng. Trên sàn OTC, Techcombank vẫn giao dịch bình thường, vẫn được mua đi bán lại trong vùng từ 35 – 38 nghìn đồng/cổ phiếu từ khi có tin đến nay, còn VIB cũng vẫn giao dịch trầm lắng quanh khoảng giá 21 nghìn đồng/cổ phiếu trên UPCoM.
Và dù có dự đoán thế nào về các quyết định mua cổ phiếu quỹ của những ngân hàng gần đây, là bất đắc dĩ, là theo xu hướng hay còn nguyên nhân sâu xa nào khác thì thị trường cũng sẽ chẳng bao giờ biết được chính xác khi họ không phải là người trong cuộc.