Ngân hàng ầm ầm báo lãi đậm

Mới đây Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) trong một báo cáo đã nhận định kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng năm 2017 rất khả quan, lợi nhuận sau thuế ước tăng 44,5% so với năm 2016. Tỷ suất sinh lời ROA và ROE cao hơn năm trước, ước đạt 0,69% và 10,2% (năm 2016 là 0,56% và 8,05%).

Đua nhau báo lãi vượt kế hoạch

Tại hội nghị Tổng kết hoạt động kinh doanh tuần trước, lãnh đạo Vietcombank cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trước dự phòng rủi ro năm vừa rồi đạt tới 17.206 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi trừ đi dự phòng, lợi nhuận của Vietcombank đạt 11.018 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016. Đây không chỉ là con số cao nhất của Vietcombank trong lịch sử mà còn được ghi nhận là cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt cho tới nay.

Trong khi đó, BIDV cũng báo lãi cao nhất trong lịch sử ngân hàng này. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 8.800 tỷ đồng, tăng hơn 1 nghìn tỷ đồng tương đương với 14,2% so với năm 2016.

Ngân hàng còn lại trong nhóm ngân hàng TMCP có vốn chi phối của nhà nước là VietinBank cũng báo lãi vượt kế hoạch năm, đạt 9.206 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9% so với năm 2016.

Thậm chí Agribank sau nhiều năm còn vướng mắc với vấn đề tái cơ cấu thì nay đã có lợi nhuận trước thuế đạt 5.018 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016.

Ngân hàng ầm ầm báo lãi đậm - Ảnh 1.

Trong nhóm ngân hàng TMCP, MBBank và VIB là những ngân hàng công bố báo cáo tài chính sớm nhất. Lợi nhuận trước thuế của MBBank đạt 5.355 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2016. VIB báo lãi hơn 1.400 tỷ, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 187% so với kế hoạch.

Trong buổi roadshow ở Hà Nội trước ngày cổ phiếu lên sàn, lãnh đạo HDBank cho biết, năm 2017 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 2.420 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2016. Ngân hàng này cho biết đặt kế hoạch sẽ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 37% mỗi năm từ nay đến 2021. Riêng 2018, kế hoạch sẽ lãi tới hơn 3.920 tỷ đồng.

Các ngân hàng khác như Eximbank, Sacombank, Tpbank, ACB cũng phấn khởi thông báo kết quả kinh doanh đầy ấn tượng. Trong đó, Eximbank đạt hơn 1.118 tỷ đồng lợi nhuận, gấp hơn 2,5 lần năm 2016. TPBank báo lãi 1.250 tỷ đồng, LienvietpostBank cho biết chỉ đến tháng 11, ngân hàng đã vượt mốc 1.700 tỷ đồng lợi nhuận đề ra theo kế hoạch.

Ấn tượng không chỉ là lợi nhuận

Điểm đáng nói, không chỉ lãi đậm mà trong cơ cấu thu nhập từ tín dụng của các ngân hàng đã có dấu hiệu chuyển dịch rất tích cực khi tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ và giảm dần tín dụng bán buôn.

Dư nợ tín dụng của Vietcombank năm vừa rồi đạt 553.053 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng bán buôn/ bán lẻ đã có sự chuyển dịch đúng hướng khi gia tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ và giảm dần tín dụng bán buôn. Tỷ trọng tín dụng bán buôn/bán lẻ tương ứng là 59,2%/40,8%; trong khi 2016 cơ cấu là 66,9%/33,1%.

Báo cáo tài chính của VIB cũng cho thấy, tỷ trọng bán lẻ của ngân hàng đã tăng từ 38% năm 2016 lên trên 50% năm 2017.

Bên cạnh thu nhập từ lãi cho vay, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của nhiều ngân hàng cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. VietinBank cho biết, tổng thu phí dịch vụ của ngân hàng năm qua đạt tới gần 4.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.

Còn lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MBBank tăng tới 34% so với năm trước, đạt 531 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu được giải quyết nhanh hơn cũng là một trong những yếu tố giúp hoạt động kinh doanh của các ngân hàng được sáng hơn nhưng năm trước. Theo NFSC, năm 2017 toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống cuối năm 2017 khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016.

Kỳ vọng nhiều vào năm 2018

Với những gì đạt được trong năm 2017, nhiều ngân hàng đã sớm đặt ra kế hoạch lãi cho năm 2018. Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo, thống kê NHNN, 92,6% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2018 sẽ tăng trưởng dương so với năm 2017, mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống đạt 19,33% cao hơn nhiều so với mức bình quân kỳ v ọng 13,4% của các TCTD tại cuộc điều tra cùng kỳ năm trước.

NFSC cũng dự báo, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2018 sẽ có nhiều khả quan do tín dụng giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định như năm 2017; nợ xấu được kì vọng xử lý nhanh hơn và tăng thu nhập của các TCTD thông qua hoàn nhập dự phòng nợ xấu.

Vì sao lợi nhuận ngân hàng tăng… đột biến?

Bài viết mới