Năm 2011, Ron Johnson – 1 trong những bộ não đằng sau Apple Store đã được thuê về để làm sống lại chuỗi cửa hàng JCPenney của Mỹ. Lúc đó, tôi được sếp giao viết một bài báo phân tích liệu Johnson sẽ thành công hay thất bại trong nhiệm vụ nặng nề này.
Ở thời điểm đó, tôi cho rằng anh ấy sẽ thất bại – không phải bởi vì anh ấy không hiểu mình cần phải làm gì và càng không phải do thiếu năng lực hoặc sự hiểu biết. Anh ấy sẽ thất bại vì khách hàng, cổ đông và cuối cùng là ban điều hành JCPenney. Họ sẽ không chấp nhận điều mà Johnson sẽ làm bởi muốn cứu vãn công ty, anh ấy chỉ còn cách cho một JCPenny cũ chết đi và một JCPenny mới được ra đời.
Đã 6 năm trôi qua và toàn bộ ngành bán lẻ của Mỹ đang phải chịu một tình cảnh tương tự. Thương hiệu bán lẻ nào cũng từng nói về nhu cầu phải thay đổi và cải tiến nhưng hầu hết đều dừng lại trước khi mọi thứ trở thành hiện thực. Được dự đoán, trong năm 2017 có đến 8.642 cửa hàng bán lẻ sẽ đóng cửa ở Bắc Mỹ. Cái chết của ngành bán lẻ không chỉ còn là sự lo lắng, mà là tương lai ở ngay sát sườn.
Thương mại điện tử sẽ sớm chiếm lĩnh phần lớn doanh số bán lẻ. Tốc độ tăng trưởng của bán lẻ trực tuyến đang ở mức 12-35%, phụ thuộc vào nơi bạn làm kinh doanh. Ví dụ ở Mỹ, thậm chí nếu không có gì thay đổi, thương mại điện tử sẽ chiếm 25% tổng doanh thu bán lẻ trong vòng 6 năm. Ở Anh, con số này có thể sẽ vượt mức 30%. Trong vòng 3 năm tới, 3 gã khổng lồ thương mại điện tử là Amazon, Alibaba và eBay sẽ kiểm soát 40% hoạt động thương mại điện tử trên toàn cầu. Nhưng các chuyên gia nhận định tất cả mới chỉ là bước khởi đầu và trong vòng 15 năm tới, thương mại điện tử sẽ thống trị thị trường bán lẻ tại các quốc gia phát triển.
Cuộc cách mạng tiếp theo sẽ đến khi mà nhà, xe ô tô, đồ dùng trong gia đình được kết nối và giao tiếp với nhau. Túi đồ ăn cho chó của bạn sẽ tự biết cách mua hàng khi nó đã hết và sẽ có người mang đến tận cửa nhà mà bạn không cần phải tự tay tham gia vào bất cứ một giao dịch nào. Nếu chiếc đèn trong nhà bạn chuẩn bị cháy, nó sẽ tự đặt hàng một sản phẩm thay thế và tất nhiên không cần bạn bận tâm đến chuyện đó. Thậm chí, có thể nó sẽ giúp bạn gọi luôn thợ đến thay bóng đèn nếu bạn quá bận. Trong tương lai, hàng trăm loại hàng hóa sẽ có khả năng tự thay thế và sửa chữa mà gần như không cần có sự can thiệp của con người. Tất cả đều được tự động động hóa theo một lập trình ban đầu và đến 20 năm nữa việc mất hàng giờ đồng hồ mỗi tuần chỉ để đẩy xe hàng qua lối đi của một cửa hàng tạp hóa và siêu thị sẽ trở nên buồn cười.
Trong khi phần lớn nhu cầu hàng ngày của con người đến từ những đồ dùng cơ bản, chẳng mấy chốc các cửa hàng sẽ không còn là nơi để bán hàng hóa. Thay vào đó, chúng sẽ là nơi cung cấp trải nghiệm hàng hóa cho các thương hiệu. Khách hàng sẽ được truyền cảm hứng, nhìn và thử sản phẩm mới. Hơn nữa, không chỉ mua bán, người mua hàng đến đây còn được giải trí, giáo dục, kết nối và trò chuyện với nhau. Hãy để các cửa hàng được chết và nó sẽ sống trở lại với một sứ mệnh, hình hài khác.
Bán lẻ là ngành thâm dụng nhiều lao động nhất ở Mỹ với 4,6 triệu công nhân làm việc trong ngành này. Amazon đã chứng minh một cửa hàng hoàn toàn có thể hoạt động mà không cần có nhân viên thu ngân và nhân viên bảo vệ. Ước tính kể từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 5 năm nay, 89.000 người lao động trong ngành bán lẻ đã phải nghỉ việc. Robot và AI đang ngày càng có khả năng thay thế nhiều kiểu công việc hơn. Ngay cả quản lý cửa hàng cũng sẽ được thay thế bằng AI. Tất cả những lao động con người không tạo ra giá trị thặng dư, sức sáng tạo, trí tuệ và sử dụng trực giác thì đều sẽ bị thay thế.
Nếu bạn đủ may mắn bán một sản phẩm nào đó mà không một ai trên trái đất làm giống bạn, thì có lẽ bạn nên đừng đọc bài viết này. Nếu không, tốt hơn hết hãy sớm quên đi những cửa hàng bán lẻ. Bởi vì mô hình bán buôn – bán lẻ đang đi đến hồi kết thúc. Các thương hiệu đang loại bỏ ranh giới giữa bán buôn và bán lẻ, thay vào đó công nghệ sẽ giúp các nhãn hàng tiếp cận trực tiếp với khách hàng và người tiêu dùng cũng yêu thích điều đó.