Nếu không lo xây văn hóa nội bộ, người tài sẽ bất mãn bỏ đi, công ty sẽ chỉ còn toàn thành phần “nổi loạn”!

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series “Văn hóa công ty”. Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngày nay, kỹ năng giao tiếp trong doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là điều kiện phụ để thăng tiến, mà nó dần trở thành điều kiện tiên quyết, đưa con người tới những thành công trong công việc và cả cuộc sống. Nhiều khi, kỹ năng giao tiếp làm thay đổi số phận của cả một doanh nghiệp.

Cũng cần nhớ rằng, không chỉ người lãnh đạo hay quản lý mới cần kỹ năng giao tiếp mà thậm chí bất cứ ai đã ở trong công ty đều cần kỹ năng này. Đó có thể chỉ là người công nhân bình thường, hay người tạp vụ, người làm các công việc văn phòng hay phục vụ đơn giản.

Kỹ năng giao tiếp tốt của nhân viên công ty sẽ thay đổi bộ mặt của cả công ty chứ không phải cho riêng một cá nhân nào. Điều này chúng ta có thể nhận thấy rõ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, khi ngay cả người công nhân cũng được đào tạo cẩn thận kỹ năng giao tiếp với nhau và khi có đối tác đến tham quan.

Xin kể ra một câu chuyện để bạn đọc tham khảo.

Khi tôi trong đoàn công tác đi thăm các doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi đã chọn hai công ty tư nhân có tình hình sản xuất kinh doanh tương đối tốt, đó là công ty chế biến thực phẩm đóng hộp và công ty sản xuất nấm.

Tất nhiên, lãnh đạo của cả hai công ty đều đón tiếp chúng tôi rất niềm nở và trình bày cặn kẽ tình hình sản xuất kinh doanh của công ty mình. Đến phần tham quan nơi sản xuất, khi đến xưởng của công ty chế biến thức phẩm đóng hộp, các công nhân làm việc rất chăm chỉ, tình hình vệ sinh sạch sẽ khiến chúng tôi hài lòng.

Tuy nhiên, khi một người trong đoàn công tác hỏi một công nhân về sản phẩm họ đang làm, công nhân này đưa ra câu trả lời không đầu không cuối, mà chúng ta hay gọi là “cộc lốc”. Hỏi anh ta bình thường một hộp thì có bao nhiều miếng thịt, anh này trả lời luôn: “Hai miếng”. Điều đó đã làm chúng tôi không có thiện cảm về văn hóa doanh nghiệp của công ty này.

Còn ở công ty sản xuất nấm, tuy phải làm việc ngoài trời, nhà để nấm thì hơi chật hẹp, mùi nấm xộc lên nhưng người công nhân ở đó đã niềm nở giải thích với chúng tôi rằng sở dĩ nơi làm nấm khá chật do đây là môi trường thích hợp để cho nấm phát triển. Câu trả lời của công nhân làm nấm gọn gàng, đầy đủ, có thưa gửi đàng hoàng, do vậy chúng tôi có cảm tình với công ty làm nấm và đánh giá công ty này đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp tốt hơn.

Tất nhiên, văn hóa doanh nghiệp không chỉ được thể hiện bởi hành động của một hay hai người công nhân. Nó được hình thành và phát triển bởi không khí sản xuất kinh doanh và môi trường làm việc của doanh nghiệp đó trong một thời gian dài. Thứ văn hóa này được kết tinh trong các hoạt động bình thường nhất của nhân viên doanh nghiệp, chứ không phải nhất thiết là các hoạt động ngoại giao của chủ doanh nghiệp. Trong đó, chủ doanh nghiệp nhất thiết phải là đầu tàu trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp tuy có năng lực, nhưng do người đứng đầu không chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hoặc chính ông ta là người thiếu văn hóa nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng đi xuống. Do không chú trọng xây dựng văn hóa nội bộ, người lao động dần bất mãn, dãn đến thiếu hụt nhân sự do lao động lo bỏ đi, doanh nghiệp chỉ còn lại toàn thành phần “nổi loạn”.

Để giữ vững văn hóa doanh nghiệp trong một tổ chức, nhất thiết người chủ doanh nghiệp, và cả những người trong ban giám đốc phải như một trọng tài. Điều này nghe có vẻ giống với các cơ quan nhà nước, nhưng thực sự các doanh nghiệp cần điều đó vì các vụ tranh cãi và mâu thuẫn âm ỉ mới là thứ phá hoại doanh nghiệp mạnh nhất. Cần có hệ thống kiểm soát thông tin tốt trong nội bộ người lao động để biết sớm những mâu thuẫn phát sinh trong đội ngũ lao động, qua đó giải quyết sớm, tránh để lan thành ngọn lửa mâu thuẫn lớn, tạo điều kiện cho kẻ xấu hoặc đối thủ cạnh tranh lợi dụng.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực xây dựng một không khí làm việc văn minh và đề ra văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc của riêng mình thì vấn đề giao tiếp trong doanh nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết. Đó là việc không của riêng ai, không của riêng ban lãnh đạo doanh nghiệp, mà của tất cả những thành viên trong công ty, cho dù là người lao động có vị trí thấp nhất.

Cũng nên nhớ rằng, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ những hoạt động giao tiếp hằng ngày, chính vì vậy một doanh nghiệp muốn xây dựng nét văn hóa riêng mang bản sắc của mình thì phải tích cực luyện tập kỹ năng giao tiếp cho nhân viên ngay từ khi mới bắt đầu tuyển dụng. Đó chính là tiền đề để có một không khí làm việc năng động, hiệu quả.

Việc này nghe có vẻ đơn giản, thậm chí một số người còn nói “chúng tôi tuyển vào thì tất nhiên phải phỏng vấn rồi, ai giao tiếp tốt mới nhận vào chứ”, nhưng thật ra, đó mới chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Đã là người thì có vô vàn tính cách khác nhau. Một người có thể nói giỏi trước người này nhưng lại nói kém trước người khác, chính vì thế, tạo dựng một không khí giao tiếp thân ái trong công ty là nhiệm vụ quan trọng của chính doanh nghiệp đó, trước khi nghĩ đến việc tạo ra lợi nhuận.

Văn hóa trà đá của dân công sở: Anh em dừng công việc tí đi, mình đi uống trà đá!

Bài viết mới