Nan giải bài toán chống ngập TPHCM: Gian nan tìm giải phápXã hội

Chống ngập kiểu manh mún

Việc triển khai hàng loạt giải pháp chống ngập với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào phát huy được hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, việc chống ngập ở TPHCM hiện nay còn rời rạc, manh mún và lệch hướng.

GS.TSKH Lê Huy Bá cho biết, TPHCM là thành phố ven biển với nền đất yếu và thấp nên bị ảnh hưởng rất lớn bởi chế độ bán nhật triều. Khi triều cường dâng cao, nhiều nơi bị ngập nặng một phần do quy luật biến đổi tự nhiên bởi cốt nền của thành phố nhiều nơi còn thấm hơn mức triều cường.

Bên cạnh đó, việc quản lý quy hoạch của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập bởi với nền đất yếu, hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng lại cho xây dựng hàng loạt khu cao ốc chằng chịt tạo áp lực khiến nền đất lún nhanh hơn. Kênh rạch bị lấn chiếm, nhiều năm không được khơi thông kèm theo quá trình lấn chiếm làm diện tích sông hồ bị thu hẹp khiến mực nước dâng cao nhanh hơn. Điều này làm thành phố bị ngập lụt khi triều cường lên cao hoặc khi mưa lớn là điều tất yếu.

Theo chuyên gia, thời gian qua TPHCM đã áp dụng biện pháp nâng hàng loạt tuyến đường để chống ngập do triều, mưa nhưng giải pháp này lại là hạ sách. Bởi khi nâng đường, nâng cống nhưng không giải quyết được việc chống ngập mà còn khiến người dân phải khổ sở khi nhà biến thành hầm, đường hết ngập thì nhà thành sông. Việc chống ngập theo kiểu đối phó chỉ chuyển điểm ngập đi nơi khác.

Dự án xây 6 cống ngăn triều chống ngập với kinh phí 10 nghìn tỷ đồng đang được triển khai.
Dự án xây 6 cống ngăn triều chống ngập với kinh phí 10 nghìn tỷ đồng đang được triển khai.

Trao đổi với phóng viên, TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, dù TPHCM đã tốn chi phí lớn vào các công trình chống ngập nhưng hiệu quả đem lại không cao. Các công trình chống ngập hiện nay như nâng đường chỉ giải quyết tình trạng tức thời, không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Khi nâng đường thì nhà dân thấp hơn mặt đường, dân lại phải bỏ chi phí lớn để sửa nhà, gây thiệt hại lớn cho người dân.

“Việc nâng đường chống ngập không khách gì chuyện Sơn Tinh, nước dâng đến đâu Sơn Tinh dâng cả núi non, nhà cửa đến đó. Nhưng mình chỉ nâng đường còn nhà dân ngẫu nhiên biến thành địa đạo, nơi chứa nước. Nâng đường xong lại tốn bao nhiêu kinh phí để dân nâng nhà”, TS. Phạm Sanh nói.

Theo TS.Phạm Sanh, trước đây thành phố cũng đã áp dụng các biện pháp lẻ tẻ như lắp van ngăn triều, xây kè nhưng cũng không phát huy được hiệu quả. Bởi van ngăn triều là biện pháp thủ công, khi nước triều cao kèm theo mưa thì nước cũng không thoát ra sông được gây ngập trên đường. “Như mới đây, lo sợ mưa lớn nước không thoát được nên bên chống ngập tháo các van ngăn triều, đến khi triều cường lên nước tràn vào làm khu trung tâm quận 1 cũng ngập kéo dài hàng tiếng đồng hồ”.

TS.Phạm Sanh cũng băn khoan về hiệu quả của dự án xây dựng 6 cống ngăn triều với kinh phí hơn 10 nghìn tỷ đồng trên sông Sài Gòn, “Hiện nay dự án cống ngăn triều với kinh phí 10 nhìn tỷ cho 6 cống nhưng cũng chỉ giải quyết tình trạng ngập do triều và chỉ giải quyết được một khu vực nhất định. Khi những cống này hoàn thành cần phải dự tính việc nước triều sẽ chuyển từ khu vực này sang khu vực khác”

 Theo các chuyên gia, tình trạng lấn chiếm kênh rạch, xây dựng cao ốc khiến nước triều dâng cao hơn.

Theo các chuyên gia, tình trạng lấn chiếm kênh rạch, xây dựng cao ốc khiến nước triều dâng cao hơn.

Cần nhiều giải pháp căn cơ

Theo các chuyên gia, để chống ngập hiệu quả cho TPHCM không chỉ áp dụng một vài biện pháp là được mà cần phối hợp nhiều giải pháp căn cơ, từ việc xây hồ điều tiết, cống ngăn triều đến quản lý quy hoạch, vệ sinh môi trường.

GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng, hiện nay chính quyền đang áp dụng việc chống ngập theo con đường là không hiệu quả, việc nâng đường, nâng cống tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng khả năng thoát nước không cao. “Hệ thống cống càng dài thì khả năng thoát nước càng kém, nhiều nơi cống không có độ dốc nên không thể thoát nước ra ngoài mà chỉ như một nơi trữ nước nên triều cường lên hay mưa lớn đường vẫn ngập”, GS Lê Huy Bá nói.

Theo ông Bá, người dân TPHCM đang phải sống chung với ngập do triều vì nước biển đang dâng lên do biến đổi khí hậu thì việc thành phố bị ngập càng ngày càng tăng. Vì vậy, cần phải áp dụng kết hợp nhiều giải pháp, chống ngập theo lưu vực. “Hiện nay chưa có kinh phí lớn thì ta làm dứt điểm từng lưu vực, hết chỗ này mới qua chỗ khác. Còn cứ làm manh mún, mỗi nơi một ít thì không thể chống ngập được”.

Để chống ngập cho TPHCM cần phối hợp nhiều giải pháp.

Để chống ngập cho TPHCM cần phối hợp nhiều giải pháp.

TPHCM đang bị sút lún rất nhanh do việc khai thác nước ngầm quá mức, lấn chiếm kênh rạch, sông hồ khiến tình trạng ngập càng trở nên nghiêm trọng. Theo ông Bá, TPHCM cần có nhiều hồ điều tiết ở những khu vực còn có đất rộng hoặc các sân vận động để điều hòa mực nước. Các hồ điều tiết có thể giảm ngập mùa mưa và có thể trữ nước cho mùa khô. Đồng thời, cần có các lỗ khoan sâu xuống lòng đất để thu nước mưa, bổ sung lượng nước ngầm bị khai thác. Bên cạnh đó, với các đô thị mới cần làm tách riêng hệ thống thoát nước với hệ thống nước thải.

Còn TS.Phạm Sanh cũng cho rằng, TPHCM cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể chống ngập hiệu quả. Ngoài việc đầu tư xây dựng các cống ngăn triều, cần phải khảo sát, tìm nguyên nhân của những địa điểm ngập mới phát sinh để phối hợp đồng bộ chống ngập.

Đồng thời, phải điều chỉnh lại công tác quản lý xây dựng, quy hoạch đô thị. “Những nơi ngày xưa không ngập mà bây giờ lại ngập là do nước không có chỗ thoát. Nhiều công trình mọc lên khiến ao hồ, kênh rạch bị vùi lấp, nước không có chỗ thoát nên dồn vào cống rồi trào ngược lên đường. Mỗi điểm ngập đều có một vài nguyên nhân nhất định nên mỗi lần ngập phải đi nghiên cứu để tìm giải pháo. Như đường Huỳnh Tấn Phát là một ví dụ, việc người dân lấn chiếm kênh rạch, kèm theo các khu dân cư, nhà cao tầng mọc lên bít đường thoát nước”.

Theo TS.Phạm Sanh, nếu ngăn được rác xuống cống có thể giúp giảm ngập 20-30%.

Theo TS.Phạm Sanh, nếu ngăn được rác xuống cống có thể giúp giảm ngập 20-30%.

Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập càng nghiêm trọng là do lượng rác thải quá lớn bị dồn xuống cống trong khi các cơ quan chức năng gần như bất lực trước thực trạng này. “Rác nhét đầy cống thì làm sao nước thoát được. Như máy bơm khủng của công ty Quang Trung ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, máy hút không được là do rác chứ không phải do máy, nếu rác không bịt cống thì tôi nghĩ máy sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn. Và nếu đảm bảo được việc ngăn rác xuống cống thì đã đảm bảo được 20-30% hiệu quả chống ngập”, TS. Phạm Sanh nói.

Bài viết mới