Chỉ còn ít phút nữa là kết thúc năm Đinh Dậu – nếu chọn Top 3 sự kiện tiêu biểu của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm qua có lẽ đa số chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các ấn tượng nổi trội dù vui có buồn có rất trái ngược nhau – đó là i) cổ phiếu ngân hàng tăng giá, ii) một số ngân hàng báo mức lãi kỷ lục và iii) những đại án ngân hàng nghìn tỷ được xét xử trong năm.
Trong đó, sự bứt phá của nhóm cổ phiếu VCB, VPB, HDB và MBB đã trở thành động lực dẫn dắt thị trường và cũng phản ánh niềm tin của nhà đầu tư trước các thông tin tích cực về kết quả kinh doanh và mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong năm qua. Những cái tên quen thuộc đã lập đỉnh mới về lợi nhuận, bao gồm Vietcombank (11.300 tỷ), Vietinbank (9.200 tỷ), VPBank (8.100 tỷ) và TCB (8.036 tỷ)… để lại khoảng cách khá xa với những ngân hàng nhóm dưới.
Tuy nhiên, sự kiện khiến thị trường quan tâm nhất, thu hút sự chú ý của cộng đồng, làm hao tốn giấy mực nhất trong năm lại là các phiên toà xét xử đại án Oceanbank, VNBC, siêu lừa Huyền Như và Agribank Bến Thành… do số tiền mất mát lên đến nghìn tỷ và số cá nhân sai phạm đông đảo hơn bao giờ hết.
Những đại án ngân hàng thời gian qua rõ ràng để lại nhiều hệ luỵ nghiêm trọng: vừa mất tiền của khách hàng và cổ đông, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, vừa làm mất niềm tin thị trường và cũng gây hoang mang không ít trong xã hội. Những bản án nghiêm khắc có phần nghiệt ngã của các cá nhân sai phạm chắc chắn để lại nhiều mất mát, tổn thương nặng nề trong lâu dài cho người thân – những người đã rơi rất nhiều nước mắt hồi hộp theo dõi các phiên toà.
Có lẽ gia đình của các bị cáo và bất cứ ai quan tâm hẳn cũng có lúc cũng lập luận “giá như…”. Giá như văn bản pháp luật chặt chẽ hơn và chế tài nghiêm khắc hơn? Giá như các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp kịp thời và hiệu quả hơn? Giá như ngân hàng có cơ chế kiểm soát tốt hơn và quy chuẩn hơn? Giá như cấp trên không gây áp lực và chỉ đạo cấp dưới làm sai? Giá như lòng tham của cán bộ được chế ngự?…. Vâng! Giá như… thì hậu quả chẳng đến nỗi nặng nề đến thế.
Vấn đề là làm sao để không còn đại án nữa? Cách nào để ngăn chặn sai phạm? Giải pháp nào giúp người làm ngân hàng tránh cảnh tù tội? Câu trả lời là trước hết phải hạn chế rủi ro đạo đức trong ngân hàng – một câu chuyện tưởng như xưa cũ nhưng thực tế vẫn nóng hổi y nguyên.
Rõ ràng, những mất mát nghìn tỷ khiến nhiều ngân hàng chới với bên bờ vực thẳm từ trước đến nay hầu hết là do rủi ro đạo đức và có sự liên quan trực tiếp của 4 đối tượng đó là: nhân viên xấu, cán bộ xấu, lãnh đạo ngân hàng xấu và cổ đông xấu. Thiệt hại có khác nhau, phương pháp và tính chất sai phạm cũng khác nhau nhưng chung quy là do chủ ý làm sai của một hoặc hơn trong nhóm 4 đối tượng này. Tuy vậy, mặc dù quản lý nhà nước đã chặt chẽ hơn và các ngân hàng ý thức hơn nhưng nguy cơ chưa phải là hết và rủi ro thì vẫn tiềm ẩn – khi mà các môn học về đạo đức nghề nghiệp chưa trở thành nội dung đào tạo bắt buộc, cán bộ hư hỏng vẫn tiếp tục có cơ hội ứng tuyển ở ngân hàng khác vv…
Theo quan điểm của tác giả, có một vài giải pháp phù hợp có thể áp dụng với đặc thù thị trường Việt Nam nhằm mục đích hạn chế rủi ro đạo đức trong ngân hàng – tức các rủi ro chủ quan.
Hạn chế nhân viên xấu: có hai cách có thể làm ngay – một là ngân hàng chủ động đào tạo định kỳ các môn đạo đức nghề nghiệp và pháp luật kinh doanh – xem đây là chương trình có tính bắt buộc, được kiểm tra và đánh giá như các môn nghiệp vụ. Thứ hai, nhân viên ngân hàng ở các vị trí kinh doanh cũng nên được yêu cầu phải học và thi chứng chỉ hành nghề định kỳ. Cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề (ví dụ Hiệp Hội Ngân Hàng) có chương trình đào tạo, đánh giá hàng năm và chế tài những trường hợp không đáp ứng điều kiện.
Hạn chế cán bộ xấu: các ngân hàng cần liên kết xây dựng hệ thống thông tin về chất lượng cán bộ ngân hàng từ cấp phó trưởng phòng đến giám đốc chi nhánh và tương đương (managers’ profile). Cũng giống như hệ thống ‘CIC’ xếp loại khách hàng – cán bộ ngân hàng cố tình sai phạm, gây thiệt hại cho khách hàng, tổ chức sẽ bị lưu trong hệ thống đánh giá nhân sự này. Những cán bộ bị đánh giá hay xếp hạng thấp sẽ không còn cơ hội ứng tuyển tổ chức khác – tức là cán bộ nào có vấn đề đạo đức thì hầu như chẳng có cơ hội làm nghề nữa.
Ngoài ra, nhằm hạn chế kẽ hở sai phạm, các ngân hàng nên sớm triển khai mô hình tập trung (thẩm định, phê duyệt) để tránh trường hợp cán bộ sử dụng thẩm quyền cấp tín dụng hay huy động cho mục đích tiêu cực.
Hạn chế lãnh đạo xấu: Tương tự như trường hợp trên, nếu có hệ thống xếp hạng tín nhiệm lãnh đạo (leaders’ profile) liên ngân hàng để đo lường đạo đức nghề nghiệp của ban tổng giám đốc, ban giám đốc khối chẳng hạn thì hẳn ai cũng sẽ giữ mình hơn. Ngoài ra, nên có quy định chế tài thật nặng trường hợp lãnh đạo ép cán bộ nhân viên làm sai – vì chúng ta đều biết là người bị ép rất khó từ chối – nếu không nói đa số trường hợp là hầu như không thể.
Hạn chế cổ đông xấu: Đây là việc rất cần vai trò của Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán. Những cổ đông lớn mà lại xấu thường chỉ quan tâm đến lợi ích nhóm, thường bất chấp quy định và pháp luật dẫn đến việc dễ dàng đẩy ngân hàng vào con đường rủi ro và khiến cho nhiều cán bộ nhân viên trở nên đồng phạm. Thực tế, nếu vấn đề thanh tra, giám sát và chế tài của các cơ quan quản lý nhà nước quyết liệt hơn – nhiều cổ đông lớn sẽ khó có cơ hội gây thiệt hại như tại các ngân hàng 0 đồng thời gian qua.
Tóm lại, nếu tất cả các ngân hàng cùng với cơ quan quản lý đồng lòng và quyết tâm – vấn đề rủi ro đạo đức sẽ được phòng tránh và hạn chế đáng kể. Cùng với việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành để đối phó với hai cái xấu nữa là khách hàng xấu và thị trường xấu – các ngân hàng sẽ không phải rơi vào cảnh lao đao, mất mát nữa. Được như vậy, thị trường ai cũng vui vì đọc tin báo lãi khủng, thay vì nghe thông tin xét xử , hết vụ này đến vụ khác.