Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GTVT đặt ra tại Báo cáo tham luận của các Bộ, ngành do Văn Phòng Chính phủ ban hành mới đây.
Ảnh minh hoạ
Tại Báo cáo, Bộ GTVT cho biết, năm 2022, Bộ đã khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 22 dự án, trong đó, tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia đã cơ bản bám sát yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Về đường bộ, đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn Cao Bồ – Mai Sơn dài 15,2km, đoạn Cam Lộ – La Sơn dài 98,3km; thông xe kỹ thuật 03 đoạn (Mai Sơn – QL45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây) thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 vào ngày 1.1.2023; phê duyệt dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt các dự án đường bộ cao tốc khác thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội vào đầu năm 2023 theo kế hoạch.
Về hàng không, đã đưa vào khai thác đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất; khởi công nhà ga hành khách T3 – Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; đang chỉ đạo triển khai quyết liệt Dự án Cảng HKQT Long Thành (GĐ1) theo đúng kế hoạch.
Về đường sắt, trên tuyến đường sắt Bắc – Nam đã đưa vào khai thác 02 dự án, 02 dự án cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác theo đúng kế hoạch; quyết định đầu tư 05 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025;…
Sang năm 2023, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, nhất là tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công các dự án còn lại của cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu, các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh; hoàn thành các dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây và cơ bản hoàn thành các Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Nha Trang – Cam Lâm, cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận – Cần Thơ thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam,…
Khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện tại; hoàn thành cải tạo đoạn Hà Nội – Vinh – Nha Trang và khởi công 04 dự án trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh; tiếp tục chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối các cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, TP HCM – Cần Thơ…
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ GTVT sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện, xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông như đẩy mạnh phân cấp cho địa phương đầu tư xây dựng, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đa dạng hóa huy động nguồn lực….
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai các dự án, nhất là về vật liệu, GPMB, biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu …