Năm 2018, Chính phủ cam kết tiếp tục “giảm chi phí cho doanh nghiệp”

Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về chủ trương giảm chi phí cho doanh nghiệp trong năm 2018 và chiến lược khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường quan hệ với doanh nghiệp FDI.

Về giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tháng 5/2017, chủ đề của năm 2017 được chọn là “giảm chi phí cho doanh nghiệp”. Một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị năm 2018 tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề giảm chi phí cho doanh nghiệp để tác động đối với cộng đồng doanh nghiệp sẽ rõ nét hơn và phát huy các kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai năm trong 2017.

Tại Nghị quyết số 1/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ tiếp tục đề ra các nhiệm vụ như: Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp;

Cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp;

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường.

Với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01 nêu trên, có thể nói Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương “giảm chi phí cho doanh nghiệp” trong năm 2018.

Về giải pháp năm 2018 để giảm chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước: Cắt giảm chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta. Triển khai Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó đã đề ra nhiều giải pháp, tiến độ thực hiện từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm tỷ trọng chi thường xuyên.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang quyết liệt triển khai hai Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, với mục tiêu của hai Nghị quyết này bao trùm việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm chi thường xuyên trong năm 2018 và các năm tiếp theo, gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực dịch vụ hành chính sự nghiệp công lập.

Nghị quyết Chính phủ số 01/NQ-CP năm 2017 đã đề ra các giải pháp triển khai kế hoạch cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, sắp xếp các khoản chi, giảm các khoản chi thường xuyên để tăng dần cơ cấu chi đầu tư phát triển. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018, Chính phủ tiếp tục thực hiện “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách nhà nước; bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán Quốc hội giao”.

Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018 đã nêu rõ các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương 6 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành chính quyền các cấp; duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục.

Giảm đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2021; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế; rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế.

Sau một năm nỗ lực, chi phí kinh doanh đã được giảm như thế nào?

Bài viết mới