Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu nhóm hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt 28,84 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016 – đây là mức tăng trưởng khá so với mức tăng 5,2% của cùng kỳ năm 2016. Như vậy, ngành dệt may đã hoàn thành 94% kế hoạch xuất khẩu – cao hơn so với mức thực hiện 85,5% của cùng kỳ năm 2016.
Về xuất khẩu
Trong 11 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 23,58 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016, hoàn thành 93,3% kế hoạch xuất khẩu cả năm.
Xuất khẩu nhóm hàng xơ, sợi dệt đạt 1,23 triệu tấn, tương đương 3,27 tỷ USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 96% kế hoạch cả năm. Cùng kỳ năm ngoái, xơ sợi là mặt hàng có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao nhất 93,8%.
Xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 1,57 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, hoàn thành 100,3% kế hoạch.
Xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật ước đạt 421,3 triệu USD, tăng 9,2%, hoàn thành 97% kế hoạch năm.
Về nhập khẩu
11 tháng năm nay, nhập khẩu bông đạt 1,19 triệu tấn trị giá 2,17 tỷ USD, tăng 24,9% về lượng và tăng 43% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu xơ sợi đạt 0,8 triệu tấn, trị giá 1,64 tỷ USD, tăng 1,8% về lượng và tăng 12,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu vải ước đạt 10,35 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ.
Năm 2017 thặng dư thương mại ngành dệt may đạt cao nhất từ trước tới nay
Ước cả năm 2017, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 31 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với con số 28,3 tỷ USD của năm 2016; trong khi nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 19 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2016. Nếu trừ đi lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ làm hàng nội địa, thì thặng dư thương mại đạt 15,5 tỷ USD – mức cao nhất từ trước tới nay. Các chuyên gia đánh giá, đây là một sự tăng trưởng kỳ tích của ngành dệt may, mặc dù không có TPP.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, xuất khẩu dệt may gặp nhiều khó khăn trong 2 quý đầu năm 2017. Tuy nhiên, tới cuối năm, thặng dư thương mại của dệt may Việt Nam lại đạt mức cao kỷ lục, đứng đầu trong các ngành hàng xuất khẩu và được kỳ vọng sẽ còn tăng trưởng, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Kết quả đáng chú ý là đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ vẫn được ký đều đặn, trái với những dự báo trước đó về khả năng sụt giảm xuất khẩu, bởi Mỹ đã rút lui khỏi Hiệp định TPP. Hiện Mỹ vẫn đứng đầu về thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 48,3%, đạt kim ngạch 12,53 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2016.
Ngoài ra, dệt may Việt Nam cũng tạo một dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên xuất khẩu sản phẩm may mặc sang thị trường Trung Quốc với giá trị khoảng 1 tỷ USD.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam trong năm qua đã nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới, bên cạnh việc sản xuất những mặt hàng mới để khai thác các thị trường truyền thống như ASEAN, Đông Âu, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sau nhiều năm phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, giờ đây ngành dệt may đã có được tỷ lệ nội địa hóa tăng rõ rệt sau giai đoạn đầu tư vừa qua. Xuất khẩu xơ sợi sản xuất trong nước năm 2017 đã vươn ra được nhiều thị trường xuất khẩu lớn, ước đạt kim ngạch trên 3,5 tỷ USD. Ngoài ra, xuất khẩu vải không dệt và nguyên phụ liệu cũng đạt 1,7 tỷ USD.
Dự báo xuất khẩu dệt may năm 2018 đạt 35 tỷ USD
Năm 2017 không có nhiều thuận lợi, nhưng vẫn tăng trưởng trên 10% so với năm 2016. Dự báo, năm 2018 tăng trưởng 10 – 12% so với năm 2017, đạt 34,4 – 35 tỷ USD; ngành dệt may có thể tiếp tục là ngành thu ngoại tệ nhiều thứ hai về cho Việt Nam (sau nhóm hàng điện thoại).
Xuất khẩu hàng may mặc sang các nước ASEAN đang rất thuận lợi, nhờ sức cạnh tranh cao và tận dụng hiệu quả những lợi ích từ việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại. Xuất khẩu sang thị trường này năm 2017 ước đạt 860 triệu USD, tăng 26% so với năm 2016. Dự báo, năm 2018 tiếp tục tăng trưởng mạnh.
ASEAN là thị trường vừa gần, vừa lớn của Việt Nam, cùng trong một cộng đồng kinh tế AEC với rất nhiều cơ hội hợp tác về thương mại. Xuất khẩu sang ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 là 0% theo Hiệp định ATIGA. Đây là thời điểm để các doanh nghiệp linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng từ AEC để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế không chỉ khối thị trường này mà còn với các thị trường khác; trong đó có các thị trường ASEAN đã ký các Hiệp định Thương mại Tự do như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Với thị trường Mỹ, trong 11 tháng năm 2017, xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang Mỹ đạt 11,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, xuất khẩu năm 2018 tăng 10%, ước đạt 12,5 tỷ USD.
Hàng may mặc của Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ, dù Mỹ không tham gia TPP, do có ưu điểm về chất lượng, giá cả và cam kết giao hàng. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may từ Việt Nam sang Mỹ tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh, thậm chí khi không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình ưu đãi thương mại hay Hiệp định Thương mại tự do nào.
Thượng viện Mỹ vừa thông qua Dự luật cải cách thuế nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước, nhưng có thể tác động bất lợi cho thương mại toàn cầu và ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Thông qua việc áp dụng Thuế doanh nghiệp điều chỉnh biên giới (BAT), Mỹ muốn tăng nguồn thu thuế, tăng sản lượng trong nước và giảm thâm hụt thương mại.
Tác động của BAT đối với xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với tỷ trọng khoảng 47%, hàng may mặc là nhóm hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam sang Mỹ. Tuy nhiên, sản phẩm may mặc của Việt Nam chắc chắn sẽ không bị tác động nhiều, bởi hơn 95% hàng may mặc tiêu thụ trên thị trường Mỹ là hàng nhập khẩu. Do đó, khả năng giảm nhập khẩu để thay thế hàng sản xuất trong nước đối với hàng may mặc của Mỹ là không khả thi.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam thời gian tới sẽ gặp một số khó khăn, do Mỹ đang thắt chặt hơn các quy định, quy chuẩn về an toàn các sản phẩm nhập khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại. Cùng với đó, mức độ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp hàng may mặc vào thị trường Mỹ cũng sẽ gay gắt hơn, không chỉ về chất lượng mà còn về khả năng giao hàng, đáp ứng đơn hàng cũng như việc triển khai các hoạt động sản xuất mang tính bền vững…