Mỹ – Trung lại một lần nữa bên bờ chiến tranh thương mại

Trước và trong chuyến công du châu Á đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn nhấn mạnh rằng các quốc gia cần chấp nhận những đặc điểm độc đáo của nhau để có thể duy trì thịnh vượng. Thông điệp về sự hoà hợp này có thể giúp giảm bớt phần nào thái độ chỉ trích nặng nề các hiệp định đầu tư và thương mại đa phương của Trump trong suốt chuyến công du.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và quan chức thương mại, tại Mỹ, trong khi các nhà lập pháp đang thúc đẩy giám sát chặt chẽ hơn đối với các thương vụ đầu tư từ Trung Quốc, thì đồng thời, chính quyền Trump cũng bắt đầu tiến hành nhiều cuộc điều tra liên quan tới quốc gia này. Động thái này có nguy cơ làm lung lay mối quan hệ kinh tế và văn hoá Trung-Mỹ vững mạnh – một trong những nền tảng củng cố sự thịnh vượng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong nhiều thập kỉ.

“Đồng thuận Washington” từng cho rằng hợp tác kinh tế cùng Trung Quốc có thể thúc đẩy đất nước này mở cửa, và nhờ đó, đem đến nhiều cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, suy nghĩ đó đã thay đổi. Nhiều nhà lập pháp tại Mỹ cho biết “củ cà rốt” không hiệu quả khi hợp tác cùng Trung Quốc và đã đến lúc đưa ra “những cây gậy”.

Scott Kennedy, giám đốc Dự án Kinh doanh và Nền kinh tế Chính trị Trung Quốc tại trung tâm CSIS, cho biết Mỹ đã phải “chật vật” suốt một thời gian dài để tìm ra cách khiến Trung Quốc thích nghi và thay đổi, cách nào vừa hiệu quả lại vừa đảm bảo hệ thống thương mại toàn cầu.

Kennedy khẳng định: “Trump ưa mạo hiểm hơn so với những người tiền nhiệm. Logic của tổng thống [khi đàm phán với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc] là ‘Đúng, bạn có thể mất một chút trong miếng bánh mà bạn có, nhưng nếu bạn muốn tăng kích thước của chiếc bánh, bạn phải sẵn sàng mạo hiểm miếng bánh của mình”.

Lời kêu gọi thay đổi phương thức xét duyệt các nguồn đầu tư nước ngoài của chính phủ Mỹ ngày càng trở nên cấp thiết sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tài liệu nghiên cứu dài 49 trang với tên gọi “Chiến lược chuyển giao công nghệ của Trung Quốc: Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công nghệ mới đe dọa đến sự sáng tạo của Mỹ như thế nào”. Báo cáo này ban đầu chỉ lưu hành giữa các nhà lập pháp Mỹ trong một vài tuần sau khi ông Trump nhậm chức.

Luật Hiện đại hoá Xét duyệt Rủi ro từ Đầu tư Nước ngoài do thượng nghị sĩ Whip John Cornyn, một thành viên của Đảng Cộng hoà, và Dianne Feinstein từ Đảng Dân chủ đã nhận được sự ủng hộ đông đảo từ Quốc hội. Nếu chính thức có hiệu lực, luật này sẽ mở rộng các quy trình xét duyệt đầu tư nước ngoài với sự giám sát của Ủy ban Đầu tư Quốc tế Mỹ (CFIUS). Bộ trưởng tài chính là Chủ tịch uỷ ban này. Uỷ ban sẽ thu thập thông tin từ cả Bộ quốc phòng và Bộ An ninh nội địa.

Sự thay đổi lớn nằm ở chỗ CFIUS đượctrao quyền xét duyệt tất cả các khoản đầu tư “phi thụ động” từ các thực thể nước ngoài, đình chỉ các giao dịch chờ phê duyệt và đặt ra các điều kiện mới cho các giao dịch đã được thực hiện. CFIUS hiện chỉ xét duyệt các giao dịch mà bên nước ngoài yêu cầu quyền kiểm soát một công ty Mỹ, và đưa ra đề xuất cho tổng thống về các nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia từ các lời chào mua.

Theo Wachtell, Lipton, Rosen & Katz, một công ty luật đại diện cho các công ty nước ngoài đầu tư tại Mỹ, “dự thảo luật có thể sẽ tạo ra thay đổi lớn nhất trong vòng mười năm trở lại đây trong lĩnh vực xét duyệt đầu tư nước ngoài của Mỹ và rất đáng được chú ý, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại, khi chủ nghĩa bảo hộ tăng cao”.

CFIUS được thiết kế nhằm ngăn chặn chuyển giao các công nghệ “công dụng kép” tiên tiến cho các đối thủ của Mỹ. Những công nghệ này có thể được áp dụng cho mục đích quân sự. Các nhà lập pháp đang kêu gọi dừng cả các giao dịch có thể cho Trung Quốc quyền kiểm soát lượng lớn dữ liệu nhận dạng cá nhân, cảnh báo những dữ liệu này sẽ gia tăng nguy cơ tống tiền hoặc gián điệp.

Lo ngại về khả năng tiếp cận dữ liệu phần nào giải thích vì sao chính phủ Mỹ lại trì hoãn thông qua thương vụ Ant Financial thâu tóm công ty chuyển tiền MoneyGram với giá 1,2 tỷ USD. Ant Financial đã nỗ lực thúc đẩy Mỹ chấp nhận thương vụ này từ tháng tư.

Một nguy cơ khác đối với mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung là cuộc điều tra theo điều 301 trong bộ Luật Thương mại Mỹ 1974, nhằm vào các quy định của Trung Quốc buộc nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở TQ phải chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tác kinh doanh địa phương .

Cuộc điều tra này có thể thúc đẩy Mỹ đơn phương tiến hành các biện pháp trả đũa như áp dụng thuế quan nhằm đều bù thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ chịu tác động từ các quy định thương mại Trung Quốc hoặc tiến hành giải quyết tranh chấp tại WTO.

Ngoài CFIUS và cuộc điều tra liên quan tới điều 301, từ tháng ba, Bộ Thương mại Mỹ đã xem xét tác động đối với an ninh quốc gia trong lĩnh vực nhập khẩu thép và nhôm. Động thái này chủ yếu nhắm tới lượng nhập khẩu từ Trung Quốc thay vì các quốc gia khác.

Về những cuộc điều tra này, vào tháng bảy, Trump từng phát biểu: “Họ đang bán phá giá thép và phá huỷ ngành thép của chúng ta. Họ đã làm điều này trong hàng chục năm, và tôi sẽ ngăn chặn điều đó. Tình trạng này sẽ chấm dứt… Có hai cách: hạn ngạch và thuế quan. Có lẽ tôi sẽ áp dụng cả hai.”

Từ khi Trump quay về Washington, Trung Quốc vẫn chưa tiến hành hành động chính thức nào nhằm xoa dịu những lo ngại liên quan tới dự luật của Cornyn và Feinstein hoặc các cuộc điều tra của chính phủ.

Li Bin, trưởng nhóm vấn đề kinh tế tại đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, đang thúc giục các doanh nghiệp Trung Quốc và CFIUS tiến hành thảo luận nhiều hơn nhằm tìm ra bản chất thật sự và các mục tiêu của một dự án. Li cho biết giao tiếp là vô cùng quan trọng, nhưng ông vẫn chưa thấy bất kì nỗ lực tiến hành đối thoại nào giữa hai bên.

“Tồn tại nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại do tính toán sai lầm, và câu hỏi thực sự là liệu chính quyền Trump và Tập Cận Bình có đủ khéo léo để tránh chiến tranh”, người này nhận định.

Tổng thống Trump đổ lỗi cho hiệp định thương mại nhưng đây mới là lý do thực sự khiến dân Hàn Quốc không mua xe Mỹ

Bài viết mới