Mỹ sẽ đánh thuế nhôm, thép nhập khẩu ngay trong tuần này, không có nước nào được miễn trừ?

Bất chấp thái độ phản đối của các nước đồng minh và những nhà làm luật của đảng Cộng hòa, nội các của Tổng thống Donald Trump dường như không hề phát đi tín hiệu sẽ “xuống nước” trong kế hoạch đánh thuế các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu.

Nhiều cố vấn thương mại của ông Trump đã xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng vào hôm qua để bảo vệ động thái mới của ông, cho rằng đó là những biện pháp cần thiết để đảm bảo sự tồn tại của ngành thép và nhôm nội địa. Họ cũng khẳng định chính sách mới sẽ sớm có hiệu lực và các đồng minh thân cận của Mỹ như Canada hay Anh cũng không được miễn trừ, trừ 1 số sản phẩm đặc biệt được cho là cần thiết với các doanh nghiệp Mỹ.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Peter Navarro, người đứng đầu Ủy ban thương mại quốc gia Mỹ, cho biết sẽ có 1 vài trường hợp đặc biệt được miễn trừ để không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ, nhưng sẽ không có nước nào được miền trừ”. Dù không tiết lộ thêm chi tiết nhưng ông Navarro cho biết đó là những loại nhôm hoặc thép đặc biệt được sử dụng trong nhiều ngành và không được làm ra hoàn toàn ở Mỹ.

Trong 1 bài phỏng vấn khác với Fox News, ông Navarro cho biết: “Nếu Tổng thống miễn trừ quốc gia nào đó, điện thoại của ông ấy sẽ ngay lập tức đổ chuông với những cuộc gọi từ nhiều nước khác cũng muốn điều tương tự”.

Hôm qua Thủ tướng Anh Theresa May đã có cuộc điện đàm với ông Trump để bàn về chính sách thuế. Theo thông báo từ văn phòng của bà, nữ Thủ tướng đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc với chính sách thuế mới và nhấn mạnh cách duy nhất để giải quyết vấn đề dư thừa sản lượng trên toàn cầu mà vẫn đảm bảo được lợi ích của tất cả các bên là các nước cần phải cùng nhau hành động.

Trong khi đó nghị sĩ Kevin Brady của bang Texas lại cho rằng các nước thành viên Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) như Canada và Mexico có thể được miễn trừ thuế thép. Các thành viên NAFTA đang có mặt tại Mexico City, trong vòng đàm phán thứ 7 để thảo luận lại về hiệp định này.

Navarro cho hay Tổng thống Trump sẽ chính thức ký vào sắc lệnh thuế mới ngay trong tuần này hoặc muộn nhất là trong tuần sau, sau khi mọi thủ tục pháp lý đã hoàn tất.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Willbur Ross xoa dịu những lo ngại về các tác động có thể xảy đến với giá cả tiêu dùng và việc làm của người Mỹ. “Chúng ta đang nói về những khoản tiền nhỏ bé chưa đến 1 xu. Hành động trả đũa [của các nước khác] sẽ không làm 1 lon bia tăng giá”, ông nói.

Đánh thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu là một phần trong kế hoạch giải quyết vấn đề mà ông Trump gọi là hàng thập kỷ duy trì hoạt động thương mại không công bằng và những hiệp định thương mại đã cướp đi việc làm cũng như doanh thu của các doanh nghiệp Mỹ. Trong năm đầu nhiệm kỳ, ông đã rút Mỹ khỏi TPP và đe dọa sẽ “xé tan” NAFTA nếu Mexico và Canada không đồng ý thay đổi.

Một số người đi theo trường phái ủng hộ tự do thương mại đã hi vọng ông Trump sẽ thay đổi thái độ, giống như với các vấn đề kiểm soát súng và giữ quân đội Mỹ ở Afghanistan. Tuy nhiên, những bình luận từ Ross và Navarro cho thấy kế hoạch của ông vẫn sẽ được thực hiện bất chấp sự phản đối từ các nước đồng minh, các nhà làm luật và thậm chí là một số thành viên trong nội các như Gary Cohn, giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố EU có thể trả đũa Mỹ bằng cách nhắm vào các sản phẩm mang tính biểu tượng như quần bò Levi Strauss hay xe máy Harley-Davidson. Về phía Trung Quốc, Chính phủ của ông Tập Cận Bình hiện đã tiến hành điều tra hai sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ là lúa miến và đậu nành, những nông sản mang khá nhiều ý nghĩa về mặt chính trị ở những bang chuyên về nông nghiệp.

Tuy nhiên Tổng thống Trump dường như không nao núng. Trên Twitter, ông viết: “chiến tranh thương mại là điều tốt và nước Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng”.

Từ iPhone đến những chai bia đều sẽ tăng giá, động thái khơi mào chiến tranh thương mại của ông Trump lợi bất cập hại?

Bài viết mới