Kinh tế phát triển, người tiêu dùng ngày càng chuộng các mặt hàng chất lượng cao, có thương hiệu. Người ta mua hàng hiệu vì đó là loại hàng tốt, có tên tuổi uy tín đảm bảo chất lượng để sử dụng, làm quà biếu trân trọng…
Tuy nhiên, càng là hàng có thương hiệu lớn thì càng dễ làm nhái. Vì vậy, người tiêu dùng vần phải rất tỉnh táo để lựa chọn được hàng hiệu chính hãng. Thực tế, vào những năm trước, khi kinh tế không quá khó khăn, bỏ ra một khoản tiền lớn để sắm đồ hiệu, nếu có hỏng hóc, chưa chắc khách hàng đã “xót” tiền nhiều như hiện nay. Vì vậy, kinh tế khó khăn vừa khiến khách hàng ít móc hầu bao chi tiền mua đồ xa xỉ, đồng thời cũng kỹ tính và tỉ mỉ hơn trong việc “săm soi” chất lượng hàng hóa.
1. Mua hàng ở nơi uy tín
Để mua được hàng hiệu chính hãng, người tiêu dùng cần tìm đến các đại lý phân phối chính thức của hãng, cửa hàng có uy tín như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng lớn. Hiện nay, rất nhiều các thương hiệu tên tuổi trên thế giới về thời trang, đồ gia dụng… đều đã có mặt tại trung tâm thương mại lớn ở Việt Nam. Các trung tâm mua sắm như Parkson, Vincom, Diamond, Rex Hotel, Sheraton Hotel, Tràng Tiền Plaza… đều có gian hàng ủy quyền của các thương hiệu lớn. Ngoài ra, các nguồn hàng xách tay uy tín cũng là một phương án tốt để người tiêu dùng có thể mua được hàng hiệu.
Hàng xách tay thường không bị tính thuế, chi phí cửa hàng… nên giá thành có thể rẻ hơn khi mua tại các trung tâm thương mại. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn những người bán thật sự uy tín và bổ sung kiến thức vững chắc về các hãng hàng hiệu để mua sắm hiệu quả, thông minh hơn.
2. Kiểm tra thông tin mặt hàng
Để tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, người tiêu dùng phải sáng suốt khi lựa chọn mặt hàng. Cần xem kỹ trên sản phẩm hàng hiệu những thông số như logo, nhãn mác, số serie, ký hiệu mã ngày, đường may, phông chữ… Thông thường hàng fake không có đầy đủ những số liệu này. Logo và thông tin các sản phẩm hàng hiệu “xịn” được in rất sắc nét, tỉ mỉ từng chút một.
Nhiều sản phẩm hàng nhái được làm giả rất tỉ mẩn đánh lừa người tiêu dùng nhưng màu sắc nhãn mác, logo vẫn có phần rất “giả”. Ví dụ như biến tấu một chữ cái trong tên thương hiệu như chữ Sony thì chữ O không được khép kín mà có phần giống chữ C. Túi xách LV dáng Monogram thường in logo của hãng khắp mặt túi. Nhà sản xuất sắp xếp sao cho mặt túi được phủ đầy chữ mà không ảnh hưởng đến logo, đảm bảo chữ LV không bị cắt ngang/
Ngoài ra, với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hàng hiệu chính hãng, nhà sản xuất thường có kèm theo mã số để đối chiếu hàng thật. ngày nay, bạn có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa bằng cách dùng ứng dụng kiểm tra mã vạch cài trên điện thoại.
3. Kiểm tra kỹ vật liệu, đường may
Những mặt hàng thời trang có thương hiệu “giả” thường có đường may cẩu thả, không sắc nét, các chi tiết, đường viền không nhất quán. Thiết kế của túi xách hay quần áo không cân xứng. Đặc biệt, theo Giorgio Armani thì “sự khác biệt giữa phong cách và thời trang là chất lượng”.
Vài năm trước, có một cách dễ dàng để phát hiện thiết kế túi xách giả là dựa vào độ dày – mỏng của khóa, da chất lượng kém và biểu tượng sai chính tả. Bây giờ, hàng nhái rất tốt thậm chí hàng “siêu giả” và còn khá đắt tiền nên người dùng rất khó xác nhận thật – giả.
Một mẹo hàng đầu là tìm kiếm các mã nối tiếp, thường ẩn trên một dải chất liệu ở bên trong một ngăn nhỏ hoặc ngăn chính, đây là tiêu chuẩn của túi xách Louis Vuitton và Gucci.
4. Xem mẫu trên web
Trước khi mua một món hàng hiệu, bạn cần tìm hiểu thật kỹ về mặt hàng đó và xem hình ảnh về sản phẩm trên website chính thức của hãng. Nếu người bán chào mời một mẫu sản phẩm có màu hay chi tiết khác so với các mẫu mã trên website, thì chắc chắn đó là hàng nhái.
Các thương hiệu xa xỉ đều khuyên khách hàng nên mua tại cửa hiệu chính hãng hoặc đặt hàng trực tiếp trên website để đảm bảo mua được hàng chất lượng. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa xã xỉ ngày càng phức tạp. Thậm chí, những món hàng “super fake” còn khiến các chuyên gia chính hãng bối rối khi phân biệt. Người tiêu dùng thông minh sẽ trang bị những kiến thức vững chắc về sản phẩm, thương hiệu khi mua sắm.