Muốn hiểu về bong bóng tài chính thường được so sánh với giá bitcoin hiện nay, hãy xem bộ phim này

Các thị trường được vận hành bởi 2 thứ: toán học và những câu chuyện.

Toán học rất đơn giản. Nó là thực tế, là những yếu tố cơ bản, là nguồn cung và lực cầu của bất cứ thứ gì được giao dịch như 1 loại hàng hóa. Còn những câu chuyện thì phức tạp hơn rất nhiều bởi chúng bao gồm cả tâm lý của con người. Đó là thứ có thể khiến người ta “điên dại”, nháo nhào chạy theo đám đông hay dễ dàng chuyển từ trạng thái bi quan cực độ sang lạc quan thái quá.

Các thị trường có thể biến động điên cuồng chỉ dựa trên 1 câu chuyện, nhưng cuối cùng thì toán học sẽ chiến thắng và mang đến cho chúng ta sự thật.

Các thị trường sẽ ở trong trạng thái hào hứng nhất khi khoảng cách giữa câu chuyện và toán học quá lớn, khi giá cả không còn phản ánh những gì đang diễn ra trên thực tế. Với góc nhìn này, bạn sẽ thấy bong bóng tài chính là sân khấu hoàn hảo cho 1 vở kịch đậm chất lãng mạn, bởi vì tình yêu chính là nơi mà những câu chuyện chúng ta kể ra sẽ khiến người khác “tin sái cổ” dù chúng khác xa so với hiện thực.

Phép ẩn dụ nói trên chính là lời dẫn cho Tulip Fever, 1 bộ phim lấy bối cảnh là thành phố Amsterdam vào thế kỷ 17, khi bong bóng hoa tulip bùng nổ và cũng là giai đoạn lịch sử luôn được lấy ra làm ví dụ khi nói về bong bóng tài chính. Được xây dựng dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên mà tác giả Deborah Moggach xuất bản năm 1999, Tulip Fever kể về câu chuyện của 1 người Hà Lan giàu có có tên Cornelis Sandvoort (do Christoph Waltz thủ vai) và người vợ xinh đẹp nhưng nhàm chán Sophia (do Alicia Vikander đảm nhiệm) – người đã “phải lòng” Jan (Dane DeHaan), 1 họa sĩ đến vẽ chân dung cho 2 vợ chồng.

Có thể bạn nghĩ rằng bộ phim sẽ nặng về câu chuyện tình yêu và các cảnh về thị trường sẽ diễn ra chớp nhoáng. Tuy nhiên, trong Tulip Fever, thứ hấp dẫn nhất lại là câu chuyện về thị trường tài chính với nhiều bài học thú vị về bản chất của tiền bạc và sự giàu có. Trong 1 phân cảnh, Jan giải thích với Sophia rằng sắc màu xanh biếc thường thấy trong những bức tranh tuyệt vời thời Phục Hưng được gọi là “ultramarine” vì người ta phải rất khó khăn mới có thể nhập nó về từ bên kia đại dương, có giá trị gấp 5 lần vàng và được sử dụng rất tiết kiệm, thường chỉ dành cho các khách hàng quen và các nghệ sĩ giàu có nhất. Giá trị của mọi loại hàng hóa không chỉ được quyết định bởi giá trị sử dụng mà còn bởi mức độ khó khăn để có được nó.

Bộ phim miêu tả đặc biệt rõ nét về thị trường giao dịch củ hoa tulip. Mặc dù các giao dịch thường được diễn ra trong các quán rượu đầy những kẻ xay xỉn và gái mại dâm, những củ hoa thường được cất giữ trong các tu viện. Sự đối lập giữa 1 quán bar ồn áo xô bồ với nơi chốn linh thiêng chính là ẩn dụ thể hiện rõ nét sức mạnh chi phối toàn xã hội của đồng tiền.

Xuyên suốt bộ phim, khán giả có thể liên tưởng đến sự giống nhau kỳ lạ giữa tình yêu và những quả bong bóng trên thị trường tài chính. Sophia và Jan đã tìm đủ mọi cách để bỏ trốn cùng nhau: giả mang thai, giả chết và cả ảo vọng sẽ kiếm được thật nhiều tiền bằng cách buôn củ hoa tulip để có thể cùng nhau cao chạy xa bay. Tuy nhiên, dù họ tự tin đến đâu thì đó cũng chỉ là 1 giấc mơ không bao giờ trở thành sự thật, cũng giống như những kẻ đầu cơ mù quáng tin rằng giá tài sản sẽ tăng gấp bội. Cuối cùng thì những phép toán đã chiến thắng, đưa giá củ hoa tulip trở về đúng với giá trị thực của nó.

Sau nhiều lần trì hoãn mới có thể công chiếu, bộ phim của đạo diễn Justin Chadwick đã nhận được một số lời chê từ các nhà phê bình nghệ thuật. Tuy nhiên, trong nhóm ít ỏi những bộ phim đào sâu khai thác chủ đề thị trường tài chính và bản chất của đồng tiền, đây vẫn là bộ phim mà giới tài chính sẽ yêu thích.

Hoa tulip đã trở thành cơn sốt ở thị trường châu Âu vào khoảng giữa thế kỷ 16, được coi như biểu tượng cho địa vị và quyền lực. Tuy nhiên khi cầu vượt quá cung và cơn đầu cơ tích lũy lên đến đỉnh điểm, giá 1 củ hoa tulip bỗng chốc tăng vọt, thậm chí 1 củ hoa có thể đổi được 1 cỗ xe kéo, hàng chục tấn lúa mạch hay hàng trăm kg phomat. Thậm chí có người còn đồng ý đổi 5ha lấy 1 củ hoa.

Đến tháng 2/1637, thị trường này bỗng nhiên đổ sập do các tay đầu cơ chi phối thị trường quyết định bán tháo. Giá củ hoa rơi thẳng đứng chỉ còn 1% giá trị, khiến nhiều người mất sạch tài sản.

6 vụ bong bóng kinh tế chấn động lịch sử

Bài viết mới