Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% đang quá xa vời?

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tín dụng nền kinh tế cuối tháng 10 ước tăng 12,69% so với tháng 12/2016 và tăng 11,8% so với cùng kỳ 2016.

Như vậy so với mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 21% thì tín dụng nền kinh tế vẫn còn khá xa mới chạm được. Dẫu vậy, theo nhận định của người phát ngôn Chính phủ, mức tăng trưởng tín dụng kế hoạch 21% là mục tiêu đặt ra còn đạt được hay không còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Nếu tạo được môi trường đầu tư kinh doanh tốt thì có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng.

Tính toán của chúng tôi cho thấy, với dư nợ tín dụng cuối năm 2016 ở mức 5,5 triệu tỷ đồng thì để đạt mục tiêu đề ra nền kinh tế cần hấp thụ thêm xấp xỉ 1,2 triệu tỷ đồng nữa trong năm nay. Thế nhưng đã qua 10 tháng, tín dụng mới bơm được chưa đến 720 nghìn tỷ, có nghĩa là vẫn còn khoảng 500 nghìn tỷ cần đưa ra trong 2 tháng cuối năm. Nếu tính trung bình thì tốc độ bơm vốn của các ngân hàng ra nền kinh tế trong 2 tháng cuối năm sẽ phải gấp đến 7 lần so với bình quân 10 tháng qua. Điều này về cơ bản là quá khó khăn, thậm chí là không thể, khi mà tín dụng giờ đây đã được rải đều ngay từ đầu năm theo chỉ đạo của cơ quan quản lý, thay vì đổ dồn vào mùa cuối năm như trước.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, chúng ta không nên thúc ép tăng trưởng tín dụng phải đạt được con số nọ, con số kia mà hãy để thị trường hấp thụ một cách tự nhiên. Như thế, tín dụng vừa được các ngân hàng bình tĩnh kiểm soát, vừa bơm ra nền kinh tế hài hòa theo nhu cầu, lại vừa kiểm soát được chất lượng để không làm nợ xấu phát sinh nhanh. Trong quá khứ, tín dụng tăng trưởng quá nóng đã gây ra những hệ lụy mà nền kinh tế phải mất nhiều năm sau đó để xử lý.

Trong một dịp trao đổi với người viết gần đây, GS. TS Trần Thọ Đạt, hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng lưu ý rằng, chúng ta đừng nghĩ đẩy nhanh tín dụng là có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bởi lẽ nhìn vào con số tăng trưởng GDP từ đầu năm đến nay (đã tăng 6,41%) cho thấy, dù tín dụng mới tăng trưởng được một nửa so với mục tiêu đề ra, nhưng GDP đã gần cán đích cả năm (6,7%). Điều đó cho thấy, nền kinh tế đang tăng trưởng dựa vào nhiều yếu tố như đầu tư, xuất khẩu, du lịch, thể trạng của doanh nghiệp khá lên và quan trọng là nội tại nền kinh tế đã khỏe hơn rất nhiều chứ không phải phụ thuộc vào tín dụng, và chúng ta cũng không nhất thiết phải đạt được con số 21 hay 22%.

Một minh chứng quan trọng nữa cho sự lạc quan của nền kinh tế đó là mới đây WB đã nâng hạng về môi trường kinh doanh cho Việt Nam thêm 14 bậc, từ 82 lên 68, và đánh giá Việt Nam cùng với Indonesia là hai nước có nhiều cải cách nhất trên thế giới trong 1 năm qua, trong khi cùng lúc tổ chức xếp hạng Moody’s cũng nâng đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Trở lại với câu chuyện tăng trưởng tín dụng, báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng vừa công bố cũng cho thấy, dù nhiều nhà băng đã rất nỗ lực đưa ra các sản phẩm, dịch vụ, các ưu đãi về lãi suất và kết nối với doanh nghiệp, người dân nhưng tín dụng tăng nhanh nhất cũng mới chỉ đạt khoảng 17 – 18%. Đó là chưa kể vẫn còn có ngân hàng cổ phần rất lớn qua 9 tháng tín dụng chưa thể tăng trưởng dương. Trong các tháng còn lại, tín dụng có thể sẽ tăng nhanh hơn thời gian qua song cũng khó có thể kỳ vọng vào một sự đột biến nào đó.

Dịch vụ phi tín dụng: “Miếng bánh ngon” của nhiều ngân hàng trong 9 tháng đầu 2017

Bài viết mới