Chậm chân là tụt hậu
Còn nhớ năm 2012, tổng giám đốc 1 một CTCK có thế mạnh về môi giới, đã từng khẳng định nếu chỉ để phục vụ cho nghiệp vụ này VĐL chỉ cần 100-200 tỷ đồng là “xài” thoải mái. Nhưng giờ đây 1.000 tỷ đồng mới chỉ… đủ xài.
Với các CTCK trong nước, ngoài chuyện nâng VĐL lên mốc 1.000 tỷ đồng đã là thách thức, còn phải giải quyết thêm cả vấn đề công nghệ, nghiệp vụ chuẩn hóa. Song song với đó, áp lực cạnh tranh là bội phần. Những áp lực này có thể xem là tích cực, vì khuyến khích các CTCK sẽ phải bước vào cuộc đua theo chiều sâu hơn, thay vì chỉ đầu tư cho vốn lớn chỉ để cho vay margin như trước. Cách đây ít ngày, CTCK BIDV (BSC) đã lấy ý kiến cổ đông về việc tăng VĐL lên tối thiểu 1.000 tỷ đồng, đồng thời triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo.
Theo phương án dự kiến của BSC, CTCK này sẽ phát hành 14,65 triệu CP để tăng VĐL từ 930 tỷ đồng lên 1.076 tỷ đồng, bởi để triển khai được sản phẩm chứng quyền có đảm bảo VĐL và vốn chủ sở hữu của CTCK phải đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng trở lên. BSC vốn là tên tuổi lớn trên thị trường vào thời kỳ hoàng kim 2006-2007, vì thế việc bổ sung nguồn lực để nâng cao năng lực, giữ vững vị thế của mình là điều bắt buộc BSC phải thực hiện.
Tương tự, câu chuyện phái sinh hiện nay gợi nhớ đến giai đoạn năm 2008, khi đó hình thức giao dịch trực tuyến, thay vì sử dụng đại diện sàn để nhập lệnh mới được các CTCK triển khai. Thời điểm đó không phải CTCK nào cũng có giao dịch trực tuyến, nhưng CTCK nào nhanh nhậy áp dụng công nghệ sẽ có nhiều lợi thế và chất lượng dịch vụ theo thời gian liên tục được cải thiện. Hiện nay, không phải CTCK nào cũng triển khai sản phẩm phái sinh, tất nhiên CTCK nào chưa đủ điều kiện phát triển phái sinh cũng không “chết”.
Nhưng về lâu dài khi nhu cầu sản phẩm trên thị trường gia tăng, đến lúc NĐT phải thích nghi với thị trường phái sinh. Chẳng hạn, khi mua CP, CTCK phải bắt buộc mua kèm cả phái sinh để phòng ngừa rủi ro, CTCK nào không triển khai được phái sinh xem như bất lợi, thậm chí có thể mất khách.
Tăng vốn chưa đủ
Cách đây ít lâu, trong lần trao đổi với các cổ đông, CEO của 1 CTCK lớn đã nói thẳng rằng trong những năm đầu tiên triển khai phái sinh, CTCK không trông mong có lãi. Nghĩa là ngoài chuyện CTCK tăng vốn mạnh còn đòi hỏi lượng tiền đầu tư khủng và trường vốn, chấp nhận thua lỗ, vì vậy chuyện tăng VĐL của các CTCK cũng không đơn giản.
Với trường hợp của BSC, việc tăng VĐL lên 1.000 tỷ đồng là điều tương đối dễ dàng, vì lượng CP phát hành không phải quá lớn, nhưng với nhiều CTCK khác VĐL còn thiếu đến vài trăm tỷ đồng để đạt được mức 1.000 tỷ đồng quả thực không dễ dàng. Bởi lẽ, phát hành càng nhiều CP áp lực pha loãng càng lớn, CTCK ngoài chuyện đầu tư cũng phải tìm cách để đảm bảo thu nhập (EPS) cho CP của cổ đông.
Nguồn vốn tăng lên của các CTCK có thể xử lý thông qua việc cho vay margin với lãi suất 14-15%/năm. Nhưng vấn đề ở đây nếu CTCK có tiền cho vay trong khi thương hiệu không quá nổi bật, nhân viên không được đánh giá cao, cũng chưa chắc khách hàng đã tìm đến.
BSC đang lên kế hoạch nâng VĐL lên trên 1.000 tỷ đồng để giữ vị thế và tăng năng lực.
Những câu chuyện trên chỉ ra rằng khi 1.000 tỷ đồng đang dần trở thành mức vốn sàn của các CTCK, đồng thời cũng tạo ra không ít cơ hội cũng như thách thức. Tính từ đầu năm đến nay, nhờ vào sự phát triển thuận lợi của TTCK, các CTCK ăn nên làm ra và điều quan trọng nhất là CP của nhóm ngành này hot trở lại. Đây chính là thời cơ thuận lợi để các CTCK phát hành.
Tuy nhiên, nếu động thái này được triển khai ồ ạt, việc chững lại của CP các CTCK là điều hiển nhiên. Bởi lẽ CTCK có hot cũng không như cách đây 10 năm, và những gì thuận lợi của các CTCK cũng có thể được trực tiếp phản ánh vào giá CP theo từng phiên. Như vậy, tìm kiếm các đối tác chiến lược, các NĐT dài hạn thông qua các hình thức phát hành riêng lẻ cũng cần được tính đến.
Bên cạnh đó, các CTCK trong cuộc đua tăng VĐL lên mốc 1.000 tỷ đồng không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn gặp nhóm đối thủ khác là các CTCK có vốn ngoại. Các CTCK có vốn ngoại trước đây hoạt động âm thầm nay đã được các cổ đông lớn, tập đoàn mẹ bơm vốn phát triển để tận dụng sự khả quan của TTCK Việt Nam.
Thậm chí cũng có CTCK nước ngoài đã tiến hành mua cổ phần của CTCK trong nước nhằm tham gia thị trường. Điểm mạnh của nhóm CTCK ngoại ngoài năng lực tài chính còn là kinh nghiệm, trình độ nghiệp vụ. Chẳng hạn, 1 CTCK có thế mạnh về phái sinh tại thị trường châu Á hiện đã mua 1 CTCK trong nước và đang thiết lập hệ thống để sẵn sàng tham gia thị trường.